Sau bão Noru: 3 quy định cá nhân cần biết khi kêu gọi từ thiện để cứu trợ

Sự kiện: Bão số 4 Noru

Cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận.

Cả nước đang hướng về miền Trung khi mà cơn bão Noru đã đổ bộ vào đất liền, gây thiệt hại lớn cho người dân. Ngay khi cơn bão suy yếu, cũng là lúc nhiều cá nhân mong muốn kêu gọi từ thiện để hỗ trợ bà con vùng lũ.

Để việc kêu gọi từ thiện được thực hiện đúng theo quy định pháp luật, tránh những rắc rối pháp lý về sau, PLO xin giới thiệu tới bạn đọc một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định 93/2021 của Chính phủ tiếp nhận và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Cá nhân phải mở tài khoản riêng để kêu gọi từ thiện

Theo Nghị định 93, cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự được tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

Khi đó, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo.

Đặc biệt, cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.

Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Niêm yết kết quả thu, chi từ thiện tại xã trong 30 ngày

Cá nhân vận động có trách nhiệm thống nhất với tổ chức, cá nhân đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện còn dư hoặc chuyển cho Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp để thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm phù hợp với mục tiêu đã cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp.

Nghị định cũng quy định cụ thể về quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện. Theo đó, chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân đứng ra vận động tự chi trả.

Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý, cá nhân được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.

Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố không tổng hợp vào ngân sách nhà nước...

Nghị định cũng yêu cầu rõ các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày.

Cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu thực hiện kế toán đối với hoạt động từ thiện

Ngày 5-7, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 41/2022 hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện; từ ngày 1-9.

Theo Thông tư 41, tất cả tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân có các hoạt động liên quan đến vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện đều phải mở sổ để ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo và minh bạch thông tin theo quy định.

Trong đó, đối với cá nhân khi kêu gọi từ thiện có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện; đồng thời lập báo cáo và công khai tình hình tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp theo quy định của pháp luật.

Nguồn: [Link nguồn]

Mưa bão cuốn trôi cầu sắt, hơn 330 hộ dân ở Quảng Trị bị cô lập hoàn toàn

Tại tỉnh Quảng Trị vẫn còn gió giật mạnh, mưa rải rác. Nhiều ngầm, tràn qua suối ở miền núi tỉnh này bị nước dâng, chia cắt. Hơn 330 hộ dân ở xã miền núi Vĩnh Ô của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Linh ([Tên nguồn])
Bão số 4 Noru Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN