Quy trình và đường đi của 22.000 hộp sữa từ thiện

Sự kiện: Thời sự

Lô hàng 22.000 hộp sữa viện trợ không thuộc diện được miễn kiểm tra, trừ khi Chính phủ, Thủ tướng cho phép trong trường hợp nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp.

Ngày 9-11, Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu, đoàn TP.HCM băn khoăn về việc TP.HCM có một lô hàng với hơn 22.000 lon sữa do kiều bào ở Úc ủng hộ cho trẻ em gặp khó khăn trong đại dịch. Tuy nhiên hơn 1 tháng, lô hàng vẫn nằm trong kho, chưa lấy ra được.

Cục An toàn thực phẩm không có thẩm quyền quyết định

Bà Châu phản ánh, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm và Cục Thú y. Trong đó, chỉ hai ngày thì Cục Thú y đồng ý, còn Cục An toàn thực phẩm đề nghị TP.HCM hỏi Chính phủ. Trong khi đó nếu TP.HCM gửi công văn đến Chính phủ thì Chính phủ cũng giao cho Cục An toàn thực phẩm trả lời.

Theo vị đại biểu này, cách làm của Cục An toàn thực phẩm là đúng quy trình, nhưng không đúng với tinh thần ‘chống dịch như chống giặc’.

Trả lời về vấn đề này, sáng 10-11, đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết Cục có nhận được công văn của Mặt trận Tổ quốc TP.HCM đề xuất tạo điều kiện miễn thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm và miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm với hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm, lô hàng 22.000 hộp sữa viện trợ không thuộc diện được miễn kiểm tra, trừ khi Chính phủ, Thủ tướng cho phép trong trường hợp nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp.

Cục An toàn thực phẩm cũng cho rằng, những lô hàng từ thiện như trên tại thời điểm này là rất quý. Tuy nhiên, vì không có thẩm quyền quyết định nên Cục đã có văn bản hướng dẫn.

Hàng viện trợ phục vụ công tác chống dịch COVID-19

Hàng viện trợ phục vụ công tác chống dịch COVID-19

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng có cuộc trao đổi với báo chí một số vướng mắc.

PGS Trần Đáng cho rằng trong những lúc cả nước đang khó khăn thì dù là cân gạo, gói mì, bó rau… đều rất đáng quý. Tuy nhiên, có hai vấn đề cần làm rõ:

Thứ nhất, đại biểu kiến nghị cần có chính sách phân cấp mạnh mẽ. Đối với sản phẩm này, Nghị định của Chính phủ đã phân cấp quản lý cho địa phương, cụ thể là Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cũng chính vì đã được phân cấp nên ngày 25-10 Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) đã có công văn đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP cho miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với lô hàng này.

Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố đã có công văn hướng dẫn rất chi tiết cho Mặt trận Tổ quốc, cụ thể là thẩm quyền miễn kiểm tra không phải của Ban quản lý an toàn thực phẩm.

Sao không kiểm tra mà xin miễn?

Theo ông Đáng, việc hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm là chính xác vì theo quy định của Nghị định số 15 thì đối với trường hợp là hàng từ thiện không phải là đối tượng được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm trừ trường hợp hàng đó là do chỉ đạo của Chính phủ nhập về để phục vụ các trường hợp khẩn cấp.

“Về việc vì sao Cục Thú y đồng ý nhưng Cục ATTP chưa thì lại là việc khác. Vì với lô hàng này theo Luật Thú y là được miễn kiểm dịch động vật, tức là không phải kiểm tra xem lô hàng này có mầm bệnh từ động vật nhiễm vào hay không? Còn Cục An toàn thực phẩm là trả lời theo Luật an toàn thực phẩm thì đối với những lô hàng như thế này việc kiểm tra an toàn thực phẩm là kiểm tra xem hàng còn hạn hay không? Có chứa các chất độc hại như kim loại nặng, độc tố vi nấm… vượt ngưỡng giới hạn hay không? Hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, mà thẩm quyền để cho miễn kiểm tra hay không là thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” – ông Đáng lý giải.

Hiện nay, việc kiểm tra an toàn thực phẩm thực hiện hết sức thông thoáng ngoài việc kiểm tra hạn sử dụng trên bao bì, nếu cần kiểm nghiệm các chỉ tiêu độc tố thì thời gian cũng không quá 3 ngày, và ngay tại TP.HCM, Trung tâm 3 của Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Bộ Khoa học công nghệ là đơn vị có chức năng kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm.

Tôi cũng hơi băn khoăn và khó hiểu là nếu cần kiểm tra thì cũng chỉ mất khoảng 3 ngày, nếu lô hàng an toàn thì đã đưa vào sử dụng mà tại sao suốt từ 25-10 đến nay chúng ta cứ đề nghị xin miễn kiểm tra? – ông Đáng đặt câu hỏi.

Vị chuyên gia này khẳng định, “với quan điểm cá nhân tôi thì dù là hàng từ thiện vẫn nên kiểm tra trước khi đưa vào sử dụng vì đây là sản phẩm dành cho đối tượng đặc biệt đó là trẻ nhỏ, hơn nữa nếu có kiểm tra thì thủ tục và thời gian cũng hết sức đơn giản và thuận tiện”.

Nguồn: [Link nguồn]

Tổng cục Hải quan phản hồi vụ 22 ngàn lon sữa về TP HCM 1 tháng chưa lấy ra được

Tổng cục Hải quan đã dẫn quy định tại Nghị định số 15 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo HÀ PHƯỢNG ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN