Quảng Ninh xót xa hậu bão

Sự kiện: Tin bão

Bão số 14 (Haiyan) sau khi tàn phá san bằng nhiều thành phố làng mạc và làm chết hơn 10.000 dân Philippines đã đi vào Biển Đông với sức gió kinh hoàng. Mặc dù đã đổi hướng nhiều lần nhưng siêu bão vẫn giữ sức tàn phá khủng khiếp khi đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh gây thiệt hại nặng nề.

Tiên Yên: Ngập trong lũ bùn

 

Bão số 14 đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh rạng sáng 11/11 đã càn quét gây thiệt hại nặng nề. Huyện Tiên Yên chịu hậu quả nặng nề nhất với khoảng 800 căn nhà ngập trong nước lũ, hơn 560 căn nhà tốc mái, hơn 40 căn nhà bị sập hoàn toàn.

Cuối chiều 11/11, hầu hết các con phố của thị trấn Tiên Yên, nơi có hàng trăm căn nhà bị dòng nước lũ nhấn chìm sau bão, vẫn ngổn ngang bùn đất, cành cây và đồ đạc của các hộ dân bị hư hỏng.

Phố Thống Nhất nằm gần sông Tiên Yên, lòng đường như ngập ngụa bùn loãng sền sệt, lẫn trong đó là bàn ghế, chăn đệm, đồ đạc của các hộ dân bị dòng nước cuốn ra ngổn ngang. Anh Trần Văn Sơn hì hụi xối nước rửa nền nhà ngập ngụa bùn đỏ sẫm. Trong nhà, giường tủ, bàn ghế, đồ đạc ngổn ngang dính đầy bùn đất.

Anh Sơn cho hay sau khi gió dập mưa dồn, đến sáng khi mưa gió bắt đầu ngớt dần thì nước sông dâng lên rất nhanh. “Cả phố chìm trong nước, gần như chả nhà ai kịp trở tay”-anh Sơn nói. Gia đình anh Sơn chỉ kịp mang chiếc tivi và bộ máy tính lên gác xép, còn lại hầu hết mọi đồ đạc đều chìm trong nước.

Cả phố, chỉ có một số hộ kịp di chuyển những đồ đạc nhẹ, còn lại đa số đành bất lực nhìn tài sản bị dòng nước nhấn chìm. Quá trưa nước mới bắt đầu rút, đến khoảng 15 giờ nước rút hết, cả con phố ngổn ngang trong bùn đất, nhiều đồ đạc của dân bị nước cuốn theo. Theo anh Sơn, cách đây 5 năm, thị trấn Tiên Yên cũng bị nhấn chìm trong lũ, nước dâng cao gần tới nóc nhà.

Quảng Ninh xót xa hậu bão - 1

Sau bão, thị trấn Tiên Yên (Quảng Ninh) bị ngập sâu trong lũ. Ảnh: Đỗ Hoàng.

Cách đó không xa, phố Đông Tiến 1 là khu vực chìm sâu nhất thị trấn Tiên Yên, nhiều căn nhà bị nước dâng ngập gần đến mái. Sau khi nước rút, cả đoạn phố dài hàng trăm mét như một dòng sông bùn lầy.

Ông Lê Văn Khoảng cầm xẻng xúc từng xẻng bùn hắt ra ngoài cửa. Cả phố trắng băng nước. Mọi người phải rút lên gác, bỏ mặc đồ đạc trôi theo nước, chẳng thể nào ngăn nổi. Khi nước rút tôi phải phá tung bức tường sau để cho nước thoát nhanh hơn”-ông Khoảng nói.

Theo thống kê của UBND huyện Tiên Yên, chỉ riêng thị trấn Tiên Yên đã có khoảng 600 căn nhà ở 9/10 tuyến phố bị ngập trong nước lũ từ 1-3m. Tại xã Tiên Lãng nằm bên kia sông cũng có khoảng 200 căn nhà bị ngập trong lũ. Theo một cán bộ huyện Tiên Yên, do địa bàn thị trấn Tiên Yên nằm trong vùng trũng nên không thể di dời toàn dân đến vùng khác được. Chỉ khi có lũ về thì huyện thực hiện phương án khẩn cấp, đưa lực lượng, phương tiện, gọi loa hỗ trợ dân di dời đến vị trí cao hơn trong thị trấn.

Tan nát lồng bè cá

Ông Nguyễn Trung Hải - Giám đốc BQL Di tích Danh thắng Yên Tử cho biết thêm, từ hơn 2h sáng cùng ngày, do gió bão rất mạnh đã làm đứt đường dây điện 35kv dẫn điện vào khu di tích danh thắng Yên Tử, khiến khu vực này bị mất điện hoàn toàn.

Ngoài ra, xung quanh khuôn viên Yên Tử cũng có nhiều biển hiệu quảng cáo bị gió bão đánh tả tơi, hư hại khá nghiêm trọng, cùng đó là khoảng 500 cây keo rừng khu vực chính và lên cận Yên Tử đã bị gió bão đánh đổ, gãy cành làm ảnh hưởng đến một số sinh hoạt đi lại cho người dân địa phương.

Đến 10 giờ 30, TP Uông Bí đã khắc phục nguồn điện phục vụ sinh hoạt của người dân khu vực nội thành và điện sản xuất phục vụ cho các khai trường khai thác than trên địa bàn. Giao thông được nối lại, trở lại việc sinh hoạt thường nhật của chính quyền nhân dân trên địa phương này. Bão làm đổ một cột phát thanh cao 52 m…

Tính tới cuối giờ chiều ngày 11/11, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục kiểm đếm thiệt hại do cơn bão 14 đồng thời khắc phục những hậu quả của bão. Tuy nhiên, do sự cố từ lưới điện vẫn đang khiến các huyện như Tiên Yên, Đầm Hà, Vân Đồn và Hải Hà mất điện và dự kiến phải tới ngày 12/11 mới có điện trở lại. Cơn bão cực mạnh đổ bộ dù đã được dự báo và nhận định đổ vào miền Trung cuối cùng lại đi vào Quảng Ninh khiến người dân lơ là, chủ quan.

Một người dân tại huyện Vân Đồn nơi được cho là thiệt hại lớn nhất tỉnh cho biết, cho tới sáng ngày 9/11, người dân vẫn không tin bão vào Quảng Ninh. Chiều, vẫn dự báo bão vào Thanh Hóa. Người dân chỉ có một ngày để chuẩn bị và gần như là quá gấp để di chuyển những lồng bè vào nơi tránh bão.

Tuy nhiên, tư tưởng chủ quan vì bão không vào Quảng Ninh khiến rất nhiều ngư dân lơ là khi không chằng neo tàu thuyền và lồng bè đủ sức chống lại bão. Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện Vân Đồn, Phó Ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện cho biết, thiệt hại tại Vân Đồn là rất lớn vì tới nay lượng hải sản nuôi trồng trôi ra biển vì bão đánh tan lồng bè là rất lớn. Cá nuôi ra biển hết và đến nay vẫn còn chưa thống kê nổi số bè nuôi hàu, tu hài bị sóng đánh tan.

Trung tá Nguyễn Thế Thảo, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh Lân, Bộ đội Biên Phòng Quảng Ninh cho biết, ngay từ sáng ngày 10/11, các cán bộ chiến sĩ đã đi đến tất cả các nơi có bà con nuôi trồng thủy sản yêu cầu vào bờ nhưng nhiều người dân không chịu vào vì không tin bão đổ bộ. Ngày 11/11 cả đồn phải vượt giông bão đi cứu hộ cứu nạn những người dân mắc kẹt trên bè.

Sáng cùng ngày, đồn đã đưa được bảy người dân bơ vơ trên biển vì bè bị bão đánh sập. Chiều tối ngày 10/11, trong buổi đi kiểm tra công tác phòng chống bão lụt tại huyện Vân Đồn, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã phải ra lệnh cưỡng chế hơn 500 người dân vẫn ngoan cố bám trụ trên bè, trên tàu không chịu vào bờ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Hoàng - Thành Duy (Tiền Phong)
Tin bão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN