Quá nhiều giấy khen: Khen để động viên tất cả học sinh

Lớp có quá nhiều học sinh xuất sắc với những tấm giấy khen “lạ lẫm” khiến nhiều phụ huynh băn khoăn.

Những ngày qua, nhiều phụ huynh “khoe” giấy khen của con sau một năm học. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra băn khoăn khi có quá nhiều thành tích và nội dung giấy khen khác nhau.

Trao đổi với phóng viên, bà Bùi Thị Kim Thúy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, hầu hết học sinh trong lớp đều được nhận giấy khen học sinh tiêu biểu hoặc học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành chương trình học,… Đó là điều bình thường nhưng lại khiến các bậc phụ huynh thấy “lạ lẫm”.

Năm nay là năm đầu tiên các trường tiểu học trên toàn quốc áp dụng Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, bỏ hình thức chấm điểm cho học sinh và thay bằng lời nhận xét của giáo viên. Việc đánh giá, xếp loại học sinh theo 2 tiêu chí: Hoàn thành - chưa hoàn thành và đạt - chưa đạt.  

Quá nhiều giấy khen: Khen để động viên tất cả học sinh - 1
Hiệu trưởng trường Tiểu học Hà Nội (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, nhiều phụ huynh cảm thấy mơ hồ về nội dung giấy khen của các con.

Bà Vũ Thị Oanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hà Nội (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, nhiều phụ huynh cảm thấy mơ hồ về nội dung giấy khen của các con. Hầu hết phụ huynh đều quen với việc đánh giá học sinh qua điểm số, qua thành tích,...  từ đó thấy sự hơn kém nhau giữa các học sinh.

Quy định của Bộ đưa ra nhằm mục đích không phân loại học sinh, không tôn vinh cá nhân nào... Các con đều đạt mức như nhau đã khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng, thậm chí không biết con mình giỏi hay không?

Theo bà Hoàng Lan Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Việt Nam – Cu Ba (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, về mặt chủ trương của Bộ là đúng, mang tính nhân văn, khen thưởng tất cả học sinh, tạo sự động viên, khuyến khích cho con trẻ.

Trường Tiểu học Việt Nam – Cu Ba (Ba Đình, Hà Nội) đã đưa ra tiêu chí đánh giá học sinh từ đầu năm học, công khai rộng rãi toàn trường nên các phụ huynh đều hiểu được giá trị của giấy khen và hướng các con phấn đấu.

Trường có đưa ra hai hình thức khen thưởng: Khen thưởng toàn diện và khen thưởng từng mặt. Trong đó, khen thưởng toàn diện bao gồm khen thưởng đạt thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện và khen thưởng đạt thành tích tốt trong học tập, rèn luyện.

Với khen thưởng đạt thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện gồm các tiêu chí như đạt điểm xuất sắc (điểm 9, 10), những môn được đánh giá bằng nhận xét không cho điểm phải ở mức đạt. Các em phải có thành tích nổi bật cụ thể là dự thi hoặc đạt giải ở các cấp thành phố, quận, trường. Ví dụ, ở trường có sân chơi trạng nguyên nhỏ tuổi, hoặc tìm hiểu về Hà Nội thân yêu thì các em phải đạt giải trong các cuộc thi cấp trường, cấp quận, Thành phố. Bên cạnh đó, các em tham gia tích cực các hoạt động đội và hoạt động của lớp, được các bạn yêu quý, tín nhiệm và bình chọn…

Với khen thưởng đạt thành tích tốt trong học tập , rèn luyện sẽ thấp hơn so với tiêu chí xuất sắc nhưng vẫn theo các tiêu chí đó. Học sinh muốn đạt được giấy khen thành tích tốt trong học tập, rèn luyện cần phải phấn đấu.

Đối với khen thưởng từng mặt, học sinh có mặt mạnh nào nhà trường sẽ khen thưởng mặt đó. Mục đích của khen thưởng là khen đúng, khen để động viên học sinh, để các em tiến bộ hơn trong học tập.

Tuy nhiên, quy định của Bộ GD&ĐT vẫn còn nhiều bất cập như: Khen thưởng do các hiệu trưởng chủ động nên có nội dung khen thưởng không đồng nhất. Một số trường chưa giải thích thấu đáo cho phụ huynh dẫn đến phụ huynh cảm thấy lo lắng, lạ lẫm về giấy khen.

Giáo viên cũng vất vả hơn trước khi phải viết nhận xét toàn bộ học sinh, viết học bạ ngày trước có 2 trang, bây giờ thành 4 trang. Do vậy, cần thời gian để kiểm định và thay đổi sao cho phù hợp với tất cả các học sinh và các trường tiểu học trên cả nước.

Theo Thông tư 30/2014/TT-BTC quy định cách đánh giá học sinh tiểu học, đánh giá học sinh tiểu học là những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.

Nguyên tắc đánh giá:
1. Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy tất cả khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan.
2. Đánh giá toàn diện học sinh thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học.
3. Kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.
4. Đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

Nội dung đánh giá
1. Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
2. Đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh:
a) Tự phục vụ, tự quản;
b) Giao tiếp, hợp tác;
c) Tự học và giải quyết vấn đề.
3. Đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh:
a) Chăm học, chăm làm; tích cực tham gia hoạt động giáo dục;
b) Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm;
c) Trung thực, kỷ luật, đoàn kết;
d) Yêu gia đình, bạn và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Phương – Nguyễn Chiêm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN