Phạt xe không sang tên: Khó vẫn phải làm

Chỉ còn 1 ngày nữa (10/11) là quy định tăng mức xử phạt đối với các chủ sở hữu không làm thủ tục sang tên, đổi chủ phương tiện theo Nghị định (NĐ) 71 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ 34 chính thức có hiệu lực, đã xuất hiện khá nhiều băn khoăn của người dân trước vấn đề này.

Siết chặt quản lý phương tiện

Theo số liệu chưa đầy đủ của Phòng CSGT, hiện CATP Hà Nội đã đăng ký, quản lý 4,8 triệu phương tiện xe cơ giới đường bộ, trong đó có trên 459 nghìn ô tô và hơn 4,4 triệu mô tô, xe máy. Quá trình CSGT làm nhiệm vụ đã phát hiện rất nhiều trường hợp chủ phương tiện thực hiện mua bán xe chưa làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu theo quy định. Đại diện Phòng CSGT khẳng định: “con số vi phạm là không nhỏ”.

Theo quy định, những chiếc xe này đều phải được người dân mang đến các cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện để thực hiện đăng ký chuyển quyền sở hữu. Tuy nhiên trên thực tế, rất hiếm người thực hiện quy định này. Vi phạm không chỉ xảy ra ở những phương tiện có giá trị thấp như mô tô, xe máy cũ mà ngay cả ô tô “xịn”. Về nguyên nhân, theo chỉ huy Đội Đăng ký, quản lý phương tiện, ngoài lý do trên, cả người mua lẫn người bán đều “lách” luật để trốn tránh các loại phí, thuế hiện hành. “Nếu giá trị những chiếc xe ô tô được mua đi bán lại càng cao thì khi đi đăng ký lại biển số lưu hành, quyền sở hữu, người mua phải mất phí càng lớn. Do đó, họ chọn biện pháp dùng chính đăng ký xe của chủ cũ để lưu hành” - đại diện Đội Đăng ký, quản lý phương tiện khẳng định.

Việc làm này của chủ phương tiện lẫn người mua khiến Nhà nước thất thu một số lượng tiền thuế không nhỏ. Nguy hiểm hơn, nó còn gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác điều tra, giải quyết những vụ TNGT, án hình sự cũng như xử lý vi phạm hành chính về trật tự ATGT. Thực tế đã chứng minh, có rất nhiều vụ vận chuyển ma túy, hàng lậu các đối tượng vi phạm sử dụng xe đã mua bán qua nhiều đời chủ để gây khó khăn cho cơ quan công an nếu bị phát hiện. Thậm chí, chúng còn lắp đặt rất nhiều BKS giả, thường xuyên thay đổi khi di chuyển trên đường để tạo vỏ bọc, đánh lạc hướng lực lượng công an.

Phạt xe không sang tên: Khó vẫn phải làm - 1

Vi phạm nồng độ cồn là một trong những lỗi tăng mức xử phạt theo NĐ 71

Chưa hết, rất nhiều phương tiện vi phạm hiện đang bị CSGT tạm giữ không xác định được chủ sở hữu. Cùng với các lỗi vi phạm khác, tăng mức xử phạt đối với chủ phương tiện theo NĐ 71 từ 6-10 triệu đồng/xe ô tô, mô tô, xe máy xử phạt 1 triệu đồng, được Đại tá Đào Vịnh Thắng-Trưởng Phòng CSGT đánh giá là cần thiết.

Xử lý nghiêm vi phạm

Mặc dù ủng hộ quyết định xử phạt theo NĐ 71 nhưng anh Nguyễn Văn Tuấn ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) không khỏi lo lắng, bởi chiếc xe máy anh đang đi được anh mua lại. Chủ xe bán cho anh cũng là chủ sở hữu thứ 3 nhưng đăng ký xe máy vẫn mang tên chủ cũ. Nếu giờ anh có đến gặp chủ đầu tiên để xin chứng nhận, đăng ký lại thì họ cũng chẳng giúp. Đó là chưa kể đến trường hợp chủ sở hữu đầu tiên hoặc gần nhất trước đó đã mất, không thể xin giấy xác nhận hoặc những thủ tục có liên quan liệu việc đăng ký chiếc xe này có thực hiện được không. Còn anh Trần Thanh Hà, ở Yên Hòa, Cầu Giấy lại băn khoăn, không biết khi bị xử phạt thì liệu chiếc xe của mình có tiếp tục được lưu hành hay không.

Đại tá Đào Vịnh Thắng khẳng định: “Ngay sau khi NĐ 71 được ban hành, từ giữa tháng 10, Phòng CSGT CATP đã chủ động tổ chức thông báo rộng rãi đến người dân, chủ phương tiện biết sự thay đổi của các mức xử phạt đối với từng lỗi vi phạm. Kế đến, đơn vị cũng đã tập huấn cho CBCS hiểu, nắm chắc nội dung NĐ, góp phần áp dụng, thực thi hiệu quả công tác xử lý, đảm bảo ATGT”.

Liên quan đến quy định xử phạt tăng gấp 6 lần đối với chủ sở hữu không làm thủ tục sang tên, đổi chủ, Đại tá Đào Vịnh Thắng nhấn mạnh, không chỉ đến bây giờ mà trước khi Thông tư 36, 37 được ban hành, Phòng CSGT đã liên tục đề nghị các chủ phương tiện sau khi mua, bán phương tiện trong vòng 30 ngày phải đến cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu. Những chủ phương tiện khi bán xe xong cũng phải có thông báo gửi đến cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện biết để có biện pháp phối hợp, hướng dẫn chủ mới làm thủ tục sang tên.

Trường hợp phương tiện đã mua bán qua nhiều đời thì chủ phương tiện cuối cùng, đang sử dụng xe phải có trách nhiệm đến các cơ quan đăng ký làm thủ tục đăng ký lại, chuyển quyền sở hữu và phải chịu mức xử phạt theo quy định. Đối với những chủ phương tiện lưu thông trên đường, nếu CSGT kiểm tra, phát hiện không làm thủ tục sang tên đổi chủ, sẽ ra quyết định xử phạt nhưng không tạm giữ phương tiện. Để đảm bảo ATGT, Đại tá Đào Vịnh Thắng cũng khuyến cáo người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về Luật Giao thông, các NĐ, thông tư có liên quan; đồng thuận, tạo điều kiện giúp đỡ CSGT khi làm nhiệm vụ cũng như lên án các hành vi vi phạm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phong (An ninh Thủ đô)
Xử phạt xe không chính chủ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN