Palestine: Tuồn tinh trùng tù nhân ra ngoài

Khi mới ra đời, Muhannad Ziben đã khóc rất khỏe khi cô nữ hộ sinh nắm lấy chân cậu và cắt cuống rốn. Ziben được sinh ra tại bệnh viện al-Arabia ở Nablus, Palestine vào tháng 8 năm ngoái.

Chỉ vài giờ sau chào đời, Ziben đã ngủ ngon lành trong vòng tay mẹ, chị Dallal. Nhưng bố cậu bé không có mặt ở đó.

Ammar Ziben đang chịu án 32 năm tù giam trong một nhà lao ở Israel vì liên quan tới một số vụ đánh bom ở Jerusalem năm 1997.

Palestine: Tuồn tinh trùng tù nhân ra ngoài - 1

Bé Ammar Ziben sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm

Dallal cho biết chị mang thai nhờ tinh trùng của chồng được mang lén lút từ trong tù ra.

“Muhannad là món quà từ chúa. Nhưng hạnh phúc của tôi chưa trọn vẹn vì không có chồng bên cạnh”, Dallal nói.

Từ đó đến nay, hai bác sĩ phụ sản ở Bờ Tây cho biết họ đã giúp khoảng 10 phụ nữ thụ thai từ tinh trùng mang trộm từ nhà tù Israel ra ngoài.

“Nói thật, tôi không biết họ làm cách nào và tôi cũng không muốn biết họ làm như thế nào”, TS. Salem Abu Khaizaran, một trong các bác sĩ từng thực hiện những ca thụ tinh như vậy, cho biết.

“Tôi không muốn dính dáng đến chính trị. Tôi chỉ làm vì mục đích nhân đạo, chỉ giúp những phụ nữ đó. Mọi người thường chú ý tới tù nhân, nhưng thực sự vợ của họ cũng rất khổ”.

Bác sĩ này nói rằng nhiều phụ nữ có chồng đi tù đã mang cốc hoặc lọ tinh trùng đến phòng khám để nhờ bác sĩ thực hiện.

Nếu được bảo quản tốt, tinh trùng có thể sống trong 48 giờ đồng hồ trước khi được làm lạnh để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.

Tuy nhiên, một số người không biết cách giữ nên tinh trùng bị hỏng, khiến họ phải đi lấy lại.

Phòng khám từ chối thực hiện cho những phụ nữ đã có nhiều con hoặc người có chồng đi tù ngắn hạn.

Trước khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, bác sĩ yêu cầu gia đình nội ngoại của người phụ nữ chứng nhận tinh trùng đó đúng là của người chồng.

Những phụ nữ này cũng được bác sĩ khuyên nên nói với làng xóm trước khi thực hiện thụ tinh để tránh bị dị nghị.

“Khi cả làng biết người đó có chồng đi tù 10 -15 năm thì chúng tôi không muốn cô ấy bỗng dưng đi ra phố với cái bụng bầu”, TS. Abu Khaizaran nói.

“Chúng tôi khuyên họ nói với hàng xóm rằng vài tháng tới họ sẽ lấy tinh trùng của chồng trong tù ra để thực hiện thụ tinh nhân tạo”. TS. Abu Khaizaran nói đây là cách ngăn chặn hàng xóm đồn thổi người phụ nữ “tằng tịu” với ai đó trong khi chồng đi tù.

Ban quản lý nhà tù Israel nghi ngờ khả năng tinh trùng có thể được mang lén lút ra ngoài.

“Không ai có thể nói điều đó không xảy ra. Tuy nhiên, khả năng đó là rất khó vì các buổi gặp mặt người thân trong nhà tù được giám sát rất chặt”, Sivan Weizman, phát ngôn viên của ban quản lý, nói.

Bà Weizman cho biết tù nhân không được tiếp xúc trực tiếp với người đến thăm, chỉ trừ 10 phút cuối của thời gian gặp gỡ. Trong 10 phút này, tù nhân được phép tiếp xúc với con dưới 8 tuổi.

Tù nhân Palestine bị tống giam vì lý do an ninh không được phép tiếp xúc riêng tư với vợ.

Ngược lại, tù nhân Israel được hưởng nhiều quyền, thậm chí được về thăm nhà trong thời gian nhất định và gặp riêng vợ trong tù.

Yigal Amir, phần tử cực đoan người Israel phải chịu án chung thân vì tội ám sát Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin năm 1995 cũng được phép kết hôn và gặp riêng vợ trong tù. Vợ tù nhân này đã sinh con vào năm 2007.

TS. Abu Khaizaran cho rằng tù nhân Palestine cũng nên được trao quyền tương tự để tránh tình trạng tù nhân tìm cách đưa tinh trùng ra ngoài như hiện nay.

Trong khi chờ đợi được hưởng quyền này, vợ của một số tù nhân sẽ sinh con trong vài tháng tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trúc Quỳnh (theo BBC) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN