NÓNG: Việt Nam dỡ bỏ hạn chế, mở lại toàn bộ các đường bay quốc tế từ 15-2

Từ ngày 15-2, Việt Nam sẽ không hạn chế tần suất khai thác các đường bay quốc tế thường lệ đến tất cả các thị trường, trở lại bình thường như trước dịch Covid-19.

Trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 13-2, ông Đinh Việt Sơn, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết Cục Hàng không đã thông báo cho nhà chức trách hàng không các nước, vùng lãnh thổ từ ngày 15-2 Việt Nam dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế, trở lại bình thường như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

"Việc dỡ bỏ hạn chế tần suất khai thác thực hiện với toàn bộ các thị trường đã khai thác trước khi có dịch Covid-19 chứ không chỉ với các thị trường đã khai thác thí điểm thời gian qua. Thủ tướng yêu cầu chậm nhất trước ngày 30-3 phải mở lại du lịch quốc tế, mà muốn mở lại du lịch quốc tế thì hàng không phải đi trước một bước. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chỉ đạo Cục triển khai mở lại tất cả các thị trường trước đây đã khai thác, bình thường như trước khi có dịch. Như vậy, toàn bộ các thị trường sẽ mở lại, không còn hạn chế về tần suất bay và điểm bay".

"Chiều 11-2, Cục Hàng không đã có văn bản đề nghị Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam phát hành Điện văn thông báo hàng không (NOTAM) thông báo chính thức đến tất cả các nhà chức trách hàng không liên quan về việc từ 15-2, Việt Nam sẽ mở lại các đường bay quốc tế thường lệ bình thường như trước dịch. Tất nhiên, bay được như thế nào còn phụ thuộc vào phản hồi của nhà chức trách hàng không các nước, các vùng lãnh thổ. Ví dụ, Trung Quốc hiện nay vẫn chưa đồng ý với phương án bay lại thường lệ" - ông Sơn cho biết.

Cũng theo Phó cục trưởng Cục Hàng không, hiện Cục đang chờ phản hồi từ các nhà chức trách hàng không. Tuy nhiên, theo như liên hệ từ trước đó với 9 thị trường thí điểm, thị trường châu Âu, châu Úc thì trừ nhà chức trách hàng không Trung Quốc, còn lại Cục đều nhận được sự đồng thuận. Ngoài ra, do diễn biến của biến chủng Omicron nên hiện các nước Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn hạn chế đối tượng nhập cảnh trên các chuyến bay từ Việt Nam đến để phòng chống dịch.

Như vậy, từ ngày 15-2, sẽ không hạn chế tần suất khai thác các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ vào Việt Nam. Quy định về nhập cảnh, phòng chống dịch với hành khách vào Việt Nam vẫn thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế. Tần suất khai thác trên thực tế phụ thuộc quy định của nhà chức trách hàng không các nước, vùng lãnh thổ và nhu cầu thị trường.

Trước đó, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng kế hoạch nối lại bay quốc tế, đề xuất nối lại bay quốc tế thường lệ từ năm 2022. Chính phủ đã đồng ý Kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao. Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1-1-2022, tần suất khai thác vẫn hạn chế theo yêu cầu phòng chống dịch.

Ngày 25-12, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xem xét kỹ và chủ động quyết định việc nối lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ tới các địa bàn có hệ số an toàn cao.

Sau đó, ngày 11-2, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không tổ chức trao đổi với nhà chức trách hàng không các nước đối tác để quyết định nối lại các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ với các thị trường đã có đường bay trực tiếp đến Việt Nam thời điểm trước dịch Covid-19, ngoài các thị trường đã được triển khai trong tháng 1.

Từ 1-1-2022, Việt Nam đã khai thác các chuyến bay thường lệ chở khách từ các thị trường gồm Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Úc, Nga, Anh, Pháp, Đức. Tuy nhiên, do yêu cầu của nhà chức trách hàng không các nước, vùng lãnh thổ và nhu cầu khách, tần suất các đường bay này còn thấp hơn khi chưa xảy ra dịch Covid-19.

Nguồn: [Link nguồn]

Đông nghịt người xem cầu Rồng - Đà Nẵng phun lửa, phun nước trở lại

Hàng ngàn người dân và du khách đã đổ xô xem cầu Rồng - Đà Nẵng phun lửa, phun nước trở lại sau thời gian tạm dừng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Ngọc ([Tên nguồn])
Kinh tế "kháng sốc" COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN