“Nỗi thống khổ” việc làm của người đồng tính

Không ít người đồng tính bị thẳng thừng từ chối tuyển dụng bởi lý do: "Sợ ảnh hưởng xấu đến môi trường làm việc của công ty".

Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, người bình thường tìm được một công việc đã khó. Với những người đồng tính, việc đó lại càng khó khăn gấp bội bởi thực tế đang chứng minh rằng người đồng tính ở xã hội ta hiện nay vẫn chưa nhận được nhiều sự thiện cảm, đặc biệt là những nhà tuyển dụng lao động.

Nghỉ việc, bất an vì... không bình thường

Gần đây trên nhiều diễn đàn mạng, câu chuyện buồn của cặp tình nhân đồng tính nữ có tên là Hương và Yến (TP. HCM, cặp đôi xuất hiện trong clip phóng sự ngắn do Trung tâm ICS - Tổ chức làm về quyền của cộng đồng gay, les (đồng tính nam và đồng tính nữ) thực hiện) đã khiến nhiều người bất bình hoặc rơi lệ thương cảm.

Theo đó, vốn học hành giỏi giang và đang có một công việc rất tốt, nhưng ngay khi vô tình bị lộ là người đồng tính, tất cả những người trong công ty Hương đã nhìn cô với một con mắt hoàn toàn khác, đặc biệt là những người trong ban lãnh đạo. Sự việc không dừng lại ở đó, ít ngày sau khi "quả bom sự thật" phát nổ, Hương bị triệu lên phòng quản lý và yêu cầu viết… kiểm điểm, hứa hẹn rằng sẽ trở lại là con người bình thường.

Quá bất bình trước yêu cầu trái khoáy đó cùng với những ánh mắt gièm pha của đồng nghiệp, Hương quyết định xin nghỉ việc. Mặc dù là người có năng lực và đang đóng vị trí rất quan trọng trong guồng máy của công ty, tuy nhiên tất cả những lý do đó không tạo bất cứ rào cản nào trong việc lãnh đạo của cô đặt bút ký vào đơn xin nghỉ việc. Tất cả diễn ra chóng vánh đến đau lòng.

“Nỗi thống khổ” việc làm của người đồng tính - 1

Cặp đôi đồng tính H - Y

Cùng cảnh ngộ với Yến và Hương, không ít người có học vấn và bằng cấp cao vẫn lao đao vì không thể xin được việc. Nhiều người chấp nhận giấu kín giới tính thật của mình để không ảnh hưởng đến công việc, yên ổn sinh sống, nhưng trong lòng vẫn vô cùng đau khổ vì không được là chính mình. Vì gia đình bạn bè và xã hội chưa đủ bao dung để chấp nhận giới tính thật của họ đã vô tình đẩy họ vào con đường bí bách.

Tương tự như vậy, một số học sinh, sinh viên đã không thể chịu được trước lời lẽ gièm pha của chúng bạn đã buộc phải từ bỏ ghế nhà trường nên họ vô tình bị tước đi quyền được học hành, không được học các kiến thức văn hóa chuyên ngành nên cơ hội việc làm cũng mất đi.

Nguyễn Mạnh Hùng, một thanh niên đồng tính nam hiện đang là nhân viên phòng vé máy bay S. (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) tâm sự: "Nhờ bề ngoài nam tính nên không ai biết giới tính thật của tôi. Mặc dù cho đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn yên ổn với công việc yêu thích của mình nhưng tôi không dám chắc sẽ thế này được mãi. Tôi thực sự muốn được sống là chính mình, được công khai giới tính của mình nhưng điều kiện công việc không cho phép.

Nhiều lần tôi nghe mấy anh chị ở cơ quan đọc báo rồi bàn luận người này người kia đồng tính với thái độ khinh rẻ khiến tôi lại nổi da gà, không bao giờ dám hé răng nửa lời về mình. Người như chúng tôi thực sự khao khát được công nhận để không phải sống khổ sở như vậy nữa".

“Nỗi thống khổ” việc làm của người đồng tính - 2

Phó giáo sư - Tiến sĩ Quản Hoàng Lâm - Giám đốc Trung tâm Công nghệ phôi viện Quân y 103

Xác định rõ để đảm bảo quyền lợi

Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề đang rất được dư luận quan tâm này, PV đã đến tìm gặp PGS. TS. Quản Hoàng Lâm - Giám đốc công nghệ phôi bệnh viện Quân đội 103 (Hà Đông - Hà Nội). Được biết, thông qua việc xét nghiệm ADN, các chuyên gia có thể đưa ra được kết luận chính xác về việc một người là đồng tính "xịn" hay chỉ là những trường hợp a dua, đua đòi. Việc xác định rõ giới tính thật của mỗi người ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ khi đi làm.

Trao đổi với PV, PGS. TS. Lâm cho biết: "Người đồng tính dưới góc nhìn y học, về mặt tâm lý là người có giới tính bất thường. Đồng tính có rất nhiều loại, biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau và rất phức tạp".

Theo đó, đồng tính có thể xếp thành 3 nhóm: Nhóm  thứ nhất là do bẩm sinh, di truyền, rối loạn nhiễm sắc thể gồm 46 xxy hoặc 46 xo. Do mẹ khi mang thai dùng thuốc hoocmon dẫn đến bộ phận sinh dục của con khi sinh ra bất thường. Những đứa trẻ này sinh ra chúng không biết rõ mình là giới tính nào.

Những nhóm người này, nên được gia đình quan tâm và phát hiện sớm nhờ y học quan tâm giúp đỡ, can thiệp như: Phẫu thuật tiết niệu, sinh dục… để các cháu lớn lên không bị ám ảnh về bất thường giới tính và có cuộc sống bình thường như bao người khác.

Nhóm thứ hai bất thường nhưng không phải do bẩm sinh hay di truyền, mà do bất thường về mặt tâm lý. Sinh ra bình thường, nhưng lại bị ám ảnh, thôi thúc từ bên trong. Nhóm này luôn luôn có mong muốn được chuyển giới tính.

Về nhóm người này có hai quan điểm: Quan điểm thứ nhất cho rằng, đồng ý để họ thực hiện ước muốn của mình, nhưng vấn đề pháp lý đặt ra là khi những người này chuyển giới thì chứng minh thư nhân dân của họ sẽ mang tên giới khác xa với hình thể thật của họ. Việc này phải cần có sự phối hợp giữa cơ quan y tế và luật pháp, tránh tình trạng lợi dụng thay đổi hình dạng che mắt cơ quan chức năng, trong trường hợp là tội phạm.

Quan điểm thứ hai: Một minh chứng khoa học đã nghiên cứu không có biến đổi vùng trong não, tức là không có rối loạn về hoocmon. Mục đích của họ chỉ là lạm dụng trò đùa này cốt để gây ấn tượng hoặc chơi trội. Sự đùa vui này dần dần thành quen, hoặc mong muốn tầm thường để thỏa mãn nhu cầu cá nhân thấp hèn mà không nghĩ đến nguy cơ lây bệnh, tổn hại giốáng nòi.

Nhóm thứ ba thì vốn là người hoàn toàn bình thường nhưng họ có thể sinh hoạt được cả với nam lẫn nữ chủ yếu bởi tiền. "Nhóm này không có nhu cầu chuyển giới. Ở các nước đang phát triển, nhóm người thứ ba nay xuất hiện rất nhiều đã dẫn đến nạn mại dâm, buôn người bùng phát và rất khỏ để kiểm soát", PGS Lâm cho biết.

Đối với dư luận, thái độ chung của xã hội, tất cả đều đồng tình, ủng hộ nhóm thứ nhất. Nếu phát hiện càng sớm càng tốt, nhờ y học can thiệt giúp đỡ họ. Nhóm thứ hai và thứ ba, trên thế giới phổ biến là không công nhận hành vi giới tính bất thường mà không có cơ sở y học (không có kết luận của cơ quan y tế về một cá nhân cụ thể thuộc giới nào).

Một số ý kiến cho rằng nhóm thứ hai phần nhiều do giới trẻ thích nổi trội làm băng hoại giá trị truyền thống gia đình.

"Hiện nay trên thế giới không chỉ có mại dâm nữ mà còn mại dâm nam và các hình thức biến tướng khác của nạn mại dâm. Nếu không tuyên truyền đúng bản chất của sự việc vô hình chung chứng ta đang cổ xuý cho việc buôn bán người, mại dâm và nô nệ tình dục", PGS Lâm cho biết.

Không có cơ hội do “sợ lây bệnh” sang người khác

Cũng trong quá trình đi tìm tư liệu cho bài viết này, tôi gặp H (Hà Nội) một cô gái phải nói là rất xinh nếu như tôi không thực biết cậu ta là… đàn ông. H tốt nghiệp bằng đỏ một trường đại học danh tiếng, tiếng Anh nói như gió. H tiết lộ, cô đã phải bỏ khá nhiều tiền để có được ngoại hình như ngày hôm nay. Thế nhưng cho đến bây giờ H vẫn không xin được một công việc tử tế bởi hồ sơ của H ghi rõ giới tính "Nam". Nó khiến cô khốn đốn vì phải giải thích với các nhà tuyển dụng. "Mặc dù tất cả họ ngoài mặt đều cười tươi và hẹn tôi cứ về đi sẽ có người gọi điện thông báo kết quả nhưng rồi chẳng bao giờ có. Cô bạn tôi làm trong một công ty tôi ứng tuyển đã tâm sự thật rằng: Họ sợ tôi vào sẽ làm lây "bệnh" cho nhân viên công ty, thế nên không nhận tôi cho… lành", H tâm sự.

Thế nhưng dù sự việc có thế nào, tôi vẫn nhìn thấy trong mắt của H, của cặp đôi Hương - Yến, của Hùng… một niềm tin sắt đá vào những chuyển biến lớn trong tương lai. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo L.Liễu - Tiểu Long (Người Đưa Tin)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN