Nơi “thần chết” chực chờ gõ cửa

Thoạt nhìn vào xã Định Liên, huyện Yên Định, Thanh Hóa yên bình như những làng quê khác, nhưng khoảng chục năm trở lại đây số người mắc và chết do căn bệnh ung thư tăng lên chóng mặt khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Mỗi năm hàng chục người chết do ung thư

Theo con số thống kê từ Trạm y tế xã Định Liên, trong vòng 7 năm qua (2005 - 2011) tổng số người chết là 291, trong đó số người chết do mắc ung thư là 82 người, chiếm 28,2%. Con số này liệu có bất thường? - tôi hỏi. Ông Lê Văn Ngợi, Trạm trưởng Trạm y tế nói: Không bất thường sao được khi tỷ lệ người chết do ung thư năm nào cũng trên dưới 30%. Nói xong ông dẫn chứng bằng việc đưa chúng tôi xem cuốn sổ “thiên tào”. Chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn xã đã có 39 người chết, trong đó có 8 người chết vì ung thư và hiện còn 3 người đang nằm chờ chết.

Xã Định Liên có 3 thôn gồm Bái Thủy, Duyên Thượng và Vực Phát với tổng cộng 9 xóm. Người dân ở đây cho biết, nguyên nhân căn bệnh ung thư không ai biết rõ. Nó chỉ rộ lên khoảng 10 năm trở lại đây thì dân mới tá hỏa. Trong 3 thôn, Bái Thủy được xem có tỷ lệ người ung thư nhiều nhất. Trong 10 năm (1998 - 2007), Bái Thủy có tới 32 người chết do mắc ung thư trong tổng số toàn xã là 41 người, chủ yếu ở lứa tuổi từ 40 đến 60 với chứng ung thư dạ dày, phổi, gan, vòm họng...

Theo giới thiệu của ông Ngợi, chúng tôi xuống thôn Bái Thủy, nơi được gọi “thôn thần chết”. Tôi hỏi, sao lại gọi thần chết? Người dân bảo: Không gọi thần chết là gì khi có nhà 5 người thì 3 người chết do ung thư.

Trong căn nhà cấp 4 trống trải, bà Lưu Thị Ân (84 tuổi) không giấu được những giọt nước mắt mặn chát trên khuôn mặt già nua mỗi khi nhắc đến người chồng và hai đứa con trai chết trẻ bởi căn bệnh ung thư quái ác. Nhìn vào di ảnh của các con trai, bà khóc, cô đơn ai oán: “Sao chúng mày cứ lần lượt bỏ mẹ mà đi, ông trời sao không bắt tôi chết thay chúng nó, nó còn trẻ sao phải ra đi sớm để lại người mẹ già đơn côi này”.

Nơi “thần chết” chực chờ gõ cửa - 1

Bà Ân vẫn còn bàng hoàng trước cái chết của chồng con do bệnh ung thư

Chẹn lẫn những tiếng nấc cụt, bà kể lại chúng tôi nghe quá khứ hạnh phúc của mình như để quên đi sự đau đớn thực tại. Cái thời gian đấy đã trôi quá lâu, bà và ông Nguyễn Gia Cát bén duyên cùng lần lượt những đứa con kháu khỉnh ra đời. Bi kịch ập đến lúc chồng bà lâm bệnh chết do ung thư dạ dày. Nỗi đau thêm chồng chất khi các con của bà cũng lần lượt ra đi. Đầu tiên là anh Nguyễn Văn Dũng, con trai cả của bà chết cũng bởi căn bệnh ung thư dạ dày, con thứ Nguyễn Văn Phượng chết cách đây 3 năm do ung thư phổi.

Quá sợ hãi "thần chết" rình rập, cô con dâu khuyên bà bán nhà lên thị trấn ở, nhưng bà không chịu, thế là hai mẹ con họ bồng bế nhau đi, bỏ mình bà hàng ngày lủi thủi bên căn nhà trống vắng. "Chẳng hiểu vì sao mảnh đất này người chết do ung thư lại nhiều đến như vậy. Trong làng có người chết y như rằng do ung thư. Tôi cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa, chỉ mong sao con cháu trong làng không phải chết trẻ trong sự đau đớn của căn bệnh quái ác này”, bà Ân tâm sự.

Để tìm hiểu sâu hơn về vùng đất, chúng tôi tìm đến nhà trưởng thôn 5 Lưu Thị Minh. Bà Minh năm nay ngoài 50 tuổi. Lấy tuổi của bà so với số người chết do bệnh hiểm nghèo 10 năm trở lại đây cũng xấp xỉ. Điển hình như năm 2007, cả làng Bái Thủy chỉ tính sơ sơ đã hơn 10 người chết. Gia đình bà Minh cũng có hai người chết do ung thư là ông ngoại (u phổi), người cậu (u gan).

Mong chờ nước sạch

Dẫn chúng tôi ra bể nước nhà mình, bà Minh chỉ tay vào vết nước úa vàng đang bám trên thành bể đặc quánh, bảo: “Cứ một tháng phải đánh bể một lần, nhưng thành bể lúc nào cũng vàng như nước phù sa vậy. Bình thường nước bơm lên có vẻ trong, song chỉ để 2 - 3 tiếng đồng hồ là chậu nước nổi lên hạt li ti màu vàng đục như gạch cua bám vào vành chậu. Nhiều đến nỗi bể lọc nước nhà tôi bị tắc không tài nào chảy được”.

Nghe nói, mấy năm trước khi số người trong xã mắc bệnh ung thư chết nhiều, đã có đoàn kiểm tra trên tỉnh về lấy mẫu nước của những gia đình có người bệnh thấy hầu hết nước các hộ dùng đều một màu vàng xỉn, đổ vào xô, chậu một lúc là kết tủa lại.

Nơi “thần chết” chực chờ gõ cửa - 2

Nước trên bể tràn xuống tạo vệt vàng đặc quánh

Không dám dùng trực tiếp nước giếng, gia đình bà Minh đã phải đầu tư bộ máy nước lọc với số tiền gần 5 triệu đồng. Bà bảo, đâu phải ai cũng có tiền để mua bộ lọc nước. Ở cái mảnh đất thuần nông này người dân chỉ biết sớm tối với đồng ruộng, chật vật từng bữa ăn thì làm sao có một số tiền lớn như vậy. Chấp nhận, cam chịu, phó mặc số phận đó là cách nghĩ đơn giản nhất của người làng. “Biết là do nước bị nhiễm chất gây ung thư, nhưng bây giờ chúng tôi phải làm thế nào đây, không lẽ không dùng nước nữa, hay cả làng dời đi nơi khác định cư, sinh sống?”, bà Minh cay đắng.

Nói về thực trạng nguồn nước, Trạm trưởng Lê Văn Ngợi cho biết: “Tháng 7/2007, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành lấy 8 mẫu nước tại đây đưa đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy, có 6/8 mẫu bị nhiễm Asen vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 - 4,4 lần, hầu hết tập trung ở làng Bái Thủy, trong đó nhiễm nặng nhất là mẫu nước hộ bà Lê Thị Ân với nồng độ 0,044 mg/l (TCVN là 0,01 mgl). Trên cơ sở đó, Sở TN&MT Thanh Hóa kết luận nguồn nước ở Định Liên nhiễm Asen quá tiêu chuẩn cho phép gấp nhiều lần và có thể là nguyên nhân gây bệnh ung thư”.

Sau đó, Sở TN&MT Thanh Hóa đã gửi công văn đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí để xử lí nguồn nước nhiễm Asen cho Định Liên, đồng thời trình Bộ TN&MT giúp Thanh Hóa hỗ trợ, chuyển giao công nghệ xử lí Asen. Tuy nhiên, đã hơn 5 năm trôi qua, các cơ quan chức năng của tỉnh và Bộ TN&MT vẫn chưa có động thái nào khiến người dân Định Liên vô cùng hoang mang, lo lắng.

Mấy năm trở lại đây, cái tên làng “thần chết” không chỉ còn ở thôn Bái Thủy mà đã lan ra toàn xã Định Liên. Theo con số thống kê của Trạm y tế xã, chỉ trong hai năm 2010 - 2011 toàn xã có 87 người chết, trong đó 31 người mắc bệnh ung thư, chiếm tới 35,6%, tập trung nhiều ở thôn Duyên Thượng. Ông Ngợi nói, đây là con số thống kê mà xã thấy được, còn thực tế số người mắc bệnh còn nhiều hơn nữa. "Vì sao ông khẳng định như vậy?", tôi hỏi. Ông giải thích: “Dân nghèo, bình thường có ai đi khám định kỳ đâu mà phát hiện bệnh. Đến khi bệnh phát nặng người dân mới đến viện thì đã quá muộn, chỉ còn nằm chờ chết”.

Điều khiến người dân Định Liên phó mặc số phận, theo cách giải thích của họ thì thời gian qua đã có nhiều đoàn nghiên cứu về lấy mẫu nhưng rồi… mất tăm hơi. Người dân than phiền, ít nhất họ cũng phải thông báo cho địa phương kết quả những lần đo đạc ấy để có kế hoạch phòng tránh. Đằng này, họ không thông báo gì, người dân cũng không thể biết được rằng, nguồn nước sinh hoạt có nhiễm độc hay không, độc ra sao và phải phòng tránh thế nào?

Việc tù mù thông tin, bán tín bán nghi về nguy cơ nhiễm bệnh đã diễn ra nhiều năm nay ở Định Liên. Nếu nguồn nước ở đây nhiễm độc thật thì hóa ra, người dân đang hàng ngày uống chất độc hủy hoại sức khỏe. Ung thư, bệnh tật nhiều quá, dân không ai dám đi khám bệnh vì hoang mang lo sợ. Họ cứ thế sống, ai có chết vì ung thư lại đổ cho số phận, do trời hành!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Dương (Nông nghiệp Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN