Chuyện ở làng... tử thần!
Chỉ trong phạm vi 1 ngôi làng nhỏ mang tên An Hội thuộc xã Bình Tân (Tây Sơn - Bình Định) mà trong thời gian qua đã xảy ra hơn 30 trường hợp chết do nhiều căn bệnh ung thư khác nhau. Sự thể trên đã khiến người dân quá bất an, nghĩ đến chuyện bỏ làng ra đi để trốn tránh căn bệnh chết người.
“Tử thần” rình rập
Có lẽ không vùng quê nào có không khí nặng nề, ảm đạm như ở làng An Hội. Cảnh vật đã buồn, gương mặt của những người dân ở đây càng buồn hơn. Hỏi ra thì biết, từ đầu làng đến cuối làng, đi đâu cũng nghe chuyện chết chóc do căn bệnh ung thư gieo rắc. Có nhiều gia đình xảy ra đến 3-4 trường hợp. Điều mà người dân lo lắng nhất là càng ngày, người chết vì ung thư càng trẻ.
Trưởng thôn An Hội, ông Dương Thành Công cho hay: “Ngay cha tui (cụ Dương Đặc) cũng bị bệnh ung thư phải vào tận TP.HCM chữa trị. Sau 1 thời gian nằm viện, bác sỹ bảo có cố gắng đến mấy cũng không qua khỏi. Tui đưa cụ về nhà được nửa tháng thì mất. Chuyện người chết về bệnh ung thư ở đây rất nhiều, được như cha tui còn may, bây giờ bị toàn người trẻ”.
Rồi ông Công lên cho tôi 1 danh sách khá dài. Theo chỉ dẫn của ông Công, đi chừng 100 mét, tôi đến nhà anh Đặng Minh Dũng, người có vợ (chị Phan Thị Minh Lộc) vừa chết vì bệnh ung thư vào năm ngoái bỏ lại 2 đứa con nhỏ là Đặng Thị Bích Trâm (11 tuổi) và Đặng Thu Trà (9 tuổi).
2 đứa con của vợ chồng cùng bị bệnh nan y Vương Định Hoa và Phùng Thị Bông đang cho bò ăn
“Vợ tui chết mới giáp năm, các cháu còn quá nhỏ nhưng giờ chúng phải tự chăm sóc mỗi ngày để tui đi làm thuê kiếm tiền về nuôi chúng. Tiền bạc vợ chồng làm ăn dành dụm bao nhiêu năm giờ đi theo căn bệnh của vợ hết rồi”, anh Dũng than thở.
Từ trường hợp của vợ anh Dũng, tôi được biết thêm, cả ba mẹ của anh cũng đã chết vì ung thư. Và hiện nay, người anh ruột của Dũng là anh Đặng Lực Sĩ cũng đang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này, đã đi vào TP.HCM chữa trị mấy đợt rồi nhưng không tiến triển, hiện đang trong tình trạng nguy kịch.
Đi thêm chừng 100 mét nữa qua xóm 2, tôi đến nhà ông Vương Đình Hoa (50 tuổi). Căn nhà ông Hoa nằm sâu trong xóm, buồn tênh. Con gái ông Hoa là Vương Thị Kim Nga (18 tuổi) đang cắm cúi chẻ củi. Em trai của Nga là Vương Kim Ngọc (16 tuổi) đang rút rơm cho bò ăn.
Nghe hỏi thăm về bệnh tình của ba mẹ mình, Nga tiếp chuyện trong nước mắt: “Đang khỏe mạnh làm ăn thì năm ngoái mẹ cháu (Phùng Thị Bông - 48 tuổi) phát bệnh ung thư tử cung, vào Sài Gòn khám thì bác sỹ cho nhập viện luôn, ba cháu phải ở lại chăm sóc cho mẹ. Mới đây, ba cháu cũng thấy đau, sẵn ở ngay bệnh viện, ba cháu khám luôn thì cũng đổ bệnh ngặt nghèo nằm viện luôn. Năm ngoái mẹ bệnh, cháu phải bỏ học. Giờ đến ba mắc bệnh, em cháu cũng bỏ học luôn, chứ tiền vay mượn không đủ chữa bệnh cho ba mẹ lấy đâu cho tụi cháu ăn học. Nhà có mấy sào ruộng và mấy con bò, tụi cháu phải ráng làm lụng để kiếm miếng ăn”.
Chỉ cách nhà ông Vương Đình Hoa mấy chục bước chân, 1 thảm cảnh khác đang ập xuống gia đình chị Võ Thị Kim Huệ (1980). Chồng chị Huệ là Nguyễn Văn Thức (1979) bị căn bệnh ung thư hành hạ suốt 4 năm mới mất. Khi mới phát bệnh, anh Thức đi TP.HCM khám, bác sỹ chẩn đoán anh bị hạch di căn, sau đó chuyển qua gan rồi mất, bỏ lại người vợ trẻ và 2 đứa con, đứa lớn mới 11 tuổi, đứa nhỏ 8 tuổi.
Rồi mới 1 tháng nay, đến lượt chị Huệ “dính” phải 1 căn bệnh hiểm nghèo. Khi phát bệnh, chị Huệ đi Sài Gòn khám bác sỹ bảo là bị u do lao. Sau đó chị chuyển về bệnh viện lao ở Quy Nhơn chữa cho đỡ tốn tiền. Tại BV lao ở Quy Nhơn bác sỹ chẩn đoán bị u phổi.
Tôi tìm đến nhà đúng lúc chị Huệ định đi mua vé xe để chiều mai vô lại Sài Gòn khám lại. “Nếu lần này bác sĩ cho nhập viện em phải gửi 2 đứa con và 3 con bò lại cho nhà ngoại chăm dùm. Lỡ em có mệnh hệ gì không biết 2 đứa con em sẽ ra sao”, chị Huệ nói trong tiếng nấc nghẹn.
Cuộc sống bất an
Trước những cái chết bi thảm kể trên, người dân ở đây đặt nhiều nghi vấn về nguồn nước sinh hoạt. Cụ Nguyễn Ngọc An (75 tuổi), nói: “Chỉ trong địa bàn 1 thôn mà có nhiều nguồn nước khác nhau. Ở xóm 2 thì mạch nước ngầm được lọc qua 1 lớp sỏi nên khi đào giếng nước trong, uống ngọt. Còn ở phía nam giếng nước nào cũng đục như nước hến, uống vào lờ lợ khó chịu lắm. Có phải do nguồn nước gây ra hay không chưa biết, nhưng ở thôn này có nhiều người mắc bệnh ung thư chết trẻ là sự thật”.
Chị Võ Thị Kim Huệ lo lắng nếu mình chết theo chồng không biết 2 đứa con nhỏ dại sẽ ra sao
Cụ Phan Thiềng, ở xóm 3, kể thêm: “Trước ngày giải phóng, người dân ở đây di tản hết vì có đồn Đại Hàn đóng tại núi Đất. Khi ấy nơi đây còn là vùng rừng núi bạt ngàn, để không có chỗ cho bộ đội mình ẩn náu, địch rải thuốc khai hoang cây cối chết sạch”.
Ông Nguyễn Trung Kiên, bộ đội thoát ly vào những năm chiến tranh chống Mỹ cho biết thêm: “Hồi ấy đơn vị của tui đóng ở Thuận Ninh, trồng mì để cung cấp lương thực cho bộ đội. Thế nhưng mì vừa lớn bằng vài gang tay là địch thả thuốc khai hoang chết rụi. Tụi tui phải vào rừng đào củ nần, củ mài ăn để có sức chiến đấu. Thuận Ninh chính là đầu nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương này”.
Ông Phạm Hùng Anh (60 tuổi) ở xóm 3, thì đặt nghi vấn: “Vào những năm 1961-1962, chuyện bom đạn ở đây diễn ra hàng ngày. Cách đây 1 cánh đồng là dãy núi Đất và núi Đá Vàng với những cánh rừng rậm nhưng địch thả thuốc khai hoang chết rụi. Có thể thuốc khai hoang thẩm thấu qua đất, ngấm vào mạch nước ngầm. Người dân tụi tui uống nước có chứa chất độc vào nên sinh ra những chứng bệnh nan y dẫn đến cái chết”.
Cụ Phan Thiềng kể nỗi bi thảm của quê mình
Ông Anh cho biết thêm, gia đình ông cũng có 3 người chết vì bệnh ung thư. Mẹ ông là Nguyễn Thị Điểu bị ung thư vú mất vào năm 1983. Vợ ông Anh là Bùi Thị Mai bị ung thư máu mới mất năm 2010. Chị dâu của ông Anh là bà Đặng Thị Bông (vợ ông Phạm Văn Minh) thì bị lá lách chết vào năm 1986, khi chỉ mới 33 tuổi.
“Những gia đình có người bị bệnh hiểm nghèo ở đây hầu hết đều tan gia bại sản, tiền dành dụm bấy lâu đổ vào bệnh hết. Ai nằm viện dài ngày phải vay mượn, đến khi người bệnh chết đi người còn sống phải “cắm đầu” làm trả nợ cho người chết thì làm sao đời sống khấm khá lên được”, bà vợ của ông thôn trưởng thôn An Hội Dương Thành Công, bộc bạch. |
Rồi con gái của ông Mạc Thất, xóm trưởng xóm 3 kiêm y tá thôn An Hội là Mạc Thị Kim Thủy (1978) và con dâu của ông là Nguyễn Thị Hồng Thủy (1976) cũng đang bị u hạch, đang điều trị. Ông Phạm Hùng Anh cho biết thêm: “Không chỉ thôn An Hội có nhiều người bị bệnh nan y, thôn bên cạnh là Mỹ Thạch cũng có nhiều người lâm cảnh tương tự”.
Chỉ loanh quanh có mấy hộ mà trong sổ tay của tôi đã có đến hàng chục cái tên đã chết hoặc đang lâm bệnh ung thư. Thế nhưng theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Tây Sơn lại kết luận: “Qua tìm hiểu thực tế và thống kê của Tư pháp xã Bình Tân, trong vòng 10 năm qua, tại thôn An Hội (xã Bình Tân - huyện Tây Sơn) chỉ có 33 trường hợp chết, trong đó có 19 trường hợp không phải nguyên nhân do bệnh nan y và 14 trường hợp không rõ nguyên nhân. Kết hợp với sổ theo dõi tử vong của Trạm Y tế xã Bình Tân thì trong 5 năm gần đây, chỉ có 3 trường hợp chết vì bệnh ung thư”.
Trước kết luận trên của Báo cáo số 63/BC-PYT của Trung tâm Y tế huyện Tây Sơn, người dân thôn An Hội đã tỏ ra rất bức xúc. Ông Dương Thành Công, thôn trưởng thôn An Hội, nói: “Người dân ở đây rất hoang mang trước hiện tượng có nhiều người chết vì bệnh ung thư nên đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương có đề xuất để ngành y tế vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân. Thế nhưng y tế thôn báo cáo lên Trạm Y tế xã, xã báo lên Trung tâm Y tế huyện rồi... im ru luôn”.