Nỗi đau sau TNGT: Ba trẻ mồ côi nương tựa một thân già

Sự kiện: An toàn giao thông

Anh Ánh và chị Phượng ra đi, để lại 3 đứa con nhỏ cho người mẹ già tuổi xưa nay hiếm chăm sóc.

Nỗi đau sau TNGT: Ba trẻ mồ côi nương tựa một thân già - 1

Bà Hằng và ba đứa cháu bấu víu vào nhau giữa muôn vàn khó khăn cuộc sống

Trong chốc lát, TNGT đã cướp đi của 3 đứa trẻ tất cả, từ cha mẹ, mái ấm gia đình đến hy vọng cho tương lai phía trước. Chỗ nương tựa duy nhất của 3 chị em tuổi “trứng gà, trứng vịt” là bà ngoại nay đã 73 tuổi.

Ngày định mệnh của 3 đứa trẻ

Đã gần 2 tháng trôi qua nhưng những người dân ở xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vẫn xúc động khi nói về vụ TNGT thảm khốc xảy ra tại xã mình. Khi đó, khoảng 16h ngày 29/1, trên QL1 thuộc địa phận thôn Đặng Lộc 2, đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe ô tô tải và xe máy.

Hậu quả, 2 người đi trên xe máy là anh Nguyễn Ngọc Ánh (SN 1983) và vợ là chị Phạm Thị Phượng (SN 1985), cùng trú tại thôn Đặng Lộc 1, Cam Thủy tử vong tại chỗ. Anh Ánh và chị Phượng ra đi, để lại 3 đứa con nhỏ cho người mẹ già tuổi xưa nay hiếm chăm sóc.

Chúng tôi tìm về căn nhà nhỏ của gia đình. Từ đầu xã, khi chúng tôi hỏi về nhà bà Hằng nuôi 3 đứa cháu mồ côi, ai cũng tận tình chỉ dẫn. Tiếp chúng tôi bên chiếc giường nhỏ đặt gần bàn thờ có di ảnh của con gái và con rể, bà Hằng nghẹn ngào kể lại: Vợ chồng bà sinh được 4 người con gái.

Chị Phượng là con gái út, do không có con trai nên ngày con lấy chồng, bà đã xin bên nhà trai cho anh Ánh ở rể. Cưới nhau 10 năm, anh chị sinh liền tù tì 3 đứa con xinh xắn dễ thương, cháu đầu là Nguyễn Thị Ngọc Hà (SN 2006), cháu thứ hai là cậu con trai kháu khỉnh Nguyễn Ngọc Tuân (2008) và cô bé út là Nguyễn Thị Hoài Thu (SN 2010).

Bà Hằng cho biết, trước khi bị tai nạn, chị Phượng ở nhà làm ruộng, buôn bán nhỏ. Còn chồng đi biển quanh năm, mỗi chuyến đi thường vài tháng mới về. Hôm ấy ngày 20 tháng Chạp Âm lịch, anh Ánh về nhà sau chuyến đi biển dài 6 tháng vào tận Vũng Tàu. “Khoảng hơn 13h nó về. Cả gia đình gặp nhau mừng vui sau nhiều tháng xa cách. Riêng bé Thu cứ ôm chặt lấy bố cười nói không thôi. Đến 16h, hai vợ chồng nó đèo nhau đi sắm Tết, vừa ra khỏi nhà được chừng 5 phút thì tui nhận hung tin...”, bà Hằng nấc lên.

“Bà hết mì tôm rồi đừng đòi nữa...

”Trò chuyện cùng bà Hằng một lát thì cũng là lúc cháu Hà và Tuân đi học về, chúng lễ phép chào chúng tôi rồi liếc ánh mắt buồn bã lên di ảnh ba mẹ...

Ôm các cháu bên cạnh, bà Hằng cho biết: “Hôm qua, cả ba chị em được ngoại cho ra thăm mộ ba mẹ, được thắp cho ba mẹ nén hương mà đứa nào cũng khóc. Những tiếng nấc, gọi ba gọi mẹ trong nước mắt. Cái Hà nó học giỏi lắm, năm nay học lớp 4 rồi đó, cứ mỗi lần trường phát giấy khen thì nó luôn có 2 tờ đem về, một là học sinh xuất sắc, một là giấy khen trong các cuộc thi viết chữ đẹp tại trường”.

Nhưng rồi trong khoảnh khắc, khoé mắt của bà Hằng lại đỏ hoe: “Cháu nó học giỏi thì mừng, nhưng tui đã hơn 73 tuổi rồi, liệu sống được mấy năm nữa, rồi ai nuôi nó và hai đứa em ăn học đây chú?”. Nỗi lo của bà sao mà nghe chua xót quá.

Quay sang bé út Hoài Thu, bà kể, nó còn dại nhưng là đứa thường nằm mơ về ba mẹ. Mỗi sáng dậy bé Thu thường kể với bà: “Đêm qua con mơ thấy mẹ. Con gọi: Mẹ ơi! mẹ! Rồi hỏi ba đâu?... Mẹ bảo: Ba mi trên bàn thờ”. Có lẽ đó là cơn ác mộng nhưng với bé Thu đó lại là giấc mơ đẹp bởi em được gặp mẹ, được hỏi: “Ba mình ở đâu?”. Cái câu hỏi mà bà ngoại đã “cấm” cả 3 chị em nhắc tới sau ngày ba mẹ chúng vĩnh viễn ra đi.

Bây giờ đây, bà lão 73 tuổi, không lương hưu, không trợ cấp, nuôi thân mình đã khó lại còn phải thay con “gồng gánh” 3 đứa trẻ. Đứa lớn học lớp 4, đứa thứ hai học lớp 2, đứa nhỏ tuổi nhất học mầm non. Một mình bà Hằng không thể chăm sóc và nuôi 3 đứa trẻ đang còn thơ dại học hành.  “Từ lúc 2 vợ chồng nó mất cũng may mà chưa đến dịp đóng tiền học, sách vở cho các cháu nhưng để 3 đứa đi học tiếp thì tui lấy mô ra tiền?”, bà Hằng lại thở dài.

Đúng lúc bà Hằng đang lo lắng về chuyện học hành của các cháu, bé Hoài Thu chạy tới kêu: “Ngoại ơi, con đói lắm rồi”. Bà Hằng gạt nước mắt, nạt cháu: “Bà hết mì tôm rồi, đừng đòi nữa”. Quay sang chúng tôi, bà Hằng mếu máo: “Nhìn con, nhìn cháu người được ăn uống đầy đủ, sung sướng mà tui chảy nước mắt chú à! Nạt cháu vậy chứ lòng tôi đau lắm. Đến gói mì tôm cũng chẳng còn mà cho cháu”.

Bà ngoại của lũ trẻ cho biết, tiền ăn uống tằn tiện mỗi ngày của 4 bà cháu hiện nay là từ nguồn tiền người dân, bà con phúng viếng bố mẹ chúng và một ít của người tài xế xe tải hỗ trợ: “Tôi già rồi già không mần được ruộng, làm thuê không ai mướn, bữa ni còn có mấy đồng, đến khi hết tiền không biết phải mần răng có cái ăn cho lũ trẻ”, bà Hằng thất thần.

Ông Ngô Văn Hữu, Trưởng thôn Đặng Lộc 1, Cam Thủy, Lệ Thủy chia sẻ: “Hoàn cảnh bốn bà cháu đáng thương lắm. Bà con lối xóm chúng tôi còn khó khăn nên cũng không giúp đỡ được gì nhiều. Chỉ mong sao các cấp các ngành, cộng đồng xã hội mở rộng vòng tay giúp đỡ giúp bà cháu vượt qua đau thương mất mát, ổn định cuộc sống, các cháu được học hành đầy đủ, trở thành người có ích cho xã hội”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoàng (Báo Giao thông)
An toàn giao thông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN