Nobel hóa học 2012 thuộc về người Mỹ

Giải Nobel hóa học 2012 đã được trao cho hai nhà khoa học người Mỹ vì công trình nghiên cứu của họ về thụ thể bắt cặp với protein G (GPCR).

Chủ nhân giải Nobel hóa học năm nay là hai nhà khoa học người Mỹ, Robert Lefkowitz thuộc Viện Y học Howard Hughes và Đại học Duke, Bắc Carolina và Brian Kobilka, Đại học Stanford.

Công trình nghiên cứu của họ đã làm sáng tỏ cách thức hàng tỷ tế bào trong cơ thể con người nhận biết môi trường xung quanh chúng như thế nào.

Thông báo của Hội đồng giải thưởng Nobel nêu bật: “Cơ thể của bạn là một hệ thống tương tác giữa hàng tỷ tế bào. Mỗi tế bào có rất nhiều thụ thể nhỏ cho phép nó cảm nhận môi trường xung quanh, vì vậy nó có thể thích ứng với các tình huống mới. Robert Lefkowitz và Brian Kobilka được trao Giải Nobel Hóa học năm 2012 cho những phát hiện đột phá tiết lộ về những hoạt động bên trong của một họ thụ thể quan trọng như vậy: thụ thể bắt cặp với protein G (GPCR)”.

Khoảng hơn một nửa loại thuốc hoạt động dựa trên những thụ thể này, do đó hiểu biết về chúng sẽ giúp các nhà khoa học tìm đến những loại thuốc tốt hơn.

Năm ngoái, nhà khoa học Israel Daniel Shechtman thuộc viện Công nghệ Technion đã được tặng giải Nobel nhờ phát hiện ra giả tinh thể (quasicrystal) vào năm 1982. Theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển (RSAS), phát hiện này “đã thay đổi cơ bản cách thức các nhà hóa học nhìn nhận về vật chất rắn”.

Nobel hóa học 2012 thuộc về người Mỹ - 1

Hai nhà khoa học Mỹ đoạt giải Nobel hóa học 2012: Robert Lefkowitz (trái) và Brian Kobilka (phải)

Tuần lễ trao giải Nobel 2012 bắt đầu diễn ra từ hôm thứ Hai với giải y học vinh danh hai nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực tế bào gốc là John Gurdon, người Anh và Shinya Yamanaka, người Nhật Bản.

Hôm thứ Ba, RSAS đã trao tặng giải Nobel vật lý cho hai nhà khoa học, Serge Haroche của Pháp và David Wineland của Mỹ về công trình nghiên cứu quang lượng tử cho phép các nhà khoa học quan sát hoạt động của nguyên tử mà không cần phá hủy chúng. Theo đó, nghiên cứu của họ đã đưa ra những nguyên tắc nền tảng có thể dẫn tới việc chế tạo các máy tính siêu nhanh gọi là “máy tính lượng tử”, hứa hẹn sẽ làm thay đổi đột phá đời sống con người.

Kể từ năm 1901, Ủy ban giải thưởng đã trao 103 giải Nobel hóa học. Trong một số năm nhất định, chủ yếu là trong Thế chiến I và Thế chiến II, không có giải thưởng hóa học nào được trao.

Người nhận giải Nobel hóa học trẻ nhất là Frederic Joliot, năm 1935 khi mới ở tuổi 35. Nhà khoa học đoạt giải Nobel hóa học nhiều tuổi nhất là John B. Fenn, 85 tuổi khi ông nhận giải năm 2002.

Frederic Sanger là nhà khoa học duy nhất hai lần nhận giải Nobel hóa học cho công trình liên quan đến cấu trúc các protein và DNA.

Giữa hóa học và hai ngành vật lý, sinh học có một ranh giới khá gần gũi. Chẳng hạn, nhà khoa học nữ danh tiếng người Pháp Marie Curie đã giành giải Nobel cho công trình nghiên cứu vật lý phóng xạ năm 1903 và sau đó năm 1911 lại được nhận giải thưởng Nobel về những phát hiện trong lĩnh vực hóa học phóng xạ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Phạm (Theo Guardian, CNN) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN