Những vấn đề dư luận quan tâm đến vụ luật sư Bùi Quang Tín

Sự kiện: Tin nóng

Vụ tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín rơi lầu, tử vong ở chung cư tại huyện Nhà Bè (TP.HCM) đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Công an đang thu thập dữ liêu, chứng cứ phục vụ công tác điều tra.

Ngày 2-5, Công an TP.HCM cho biết, vẫn đang tiếp tục điều tra vụ tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín rơi lầu tại một chung cư ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) theo đơn tố giác tội phạm của vợ luật sư Tín là bà Nguyễn Thanh Bích.

Theo Công an TP.HCM, các phòng nghiệp vụ đang phối hợp với VKSND TP.HCM, Công an huyện Nhà Bè, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM và nhiều đơn vị độc lập khác để thu thập chứng cứ, tài liệu, lời khai các nhân chứng. Việc làm này phục vụ nỗ lực tìm kiếm những chứng cứ khách quan nhất để phục vụ công tác điều tra theo đơn tố giác của người dân.

Liên quan đến vụ việc, luật sư bảo vệ cho gia đình ông Bùi Quang Tín cũng đã có một số yêu cầu, kiến nghị nhằm cung cấp thêm cho điều tra viên những chứng cứ liên quan.

Vụ tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín rơi lầu, tử vong ngày 5-4, thu hút sự quan tâm của dư luận vì ngay sau khi chồng gặp nạn, bà Nguyễn Thanh Bích đã gửi bản tường trình đến Công an huyện Nhà Bè đề nghị điều tra vụ việc theo hướng nghi ngờ chồng bà bị sát hại.

Trong bản tường trình này, bà Bích đã cung cấp cho công an nhiều chứng cứ, nghi ngờ chồng bà có xích mích, mâu thuẫn với một cá nhân. Sau khi lo hậu sự cho chồng, bà Bích đã chính thức yêu cầu Công an TP.HCM khởi tố vụ án để điều tra.

Một vấn đề dư luận rất quan tâm là tại sao bản tường trình của bà Nguyễn Thanh Bích cung cấp cho công an lại được cư dân mạng lan truyền một cách công khai?

Phân tích về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) nói: "Liên quan đến cái chết của luật sư Bùi Quang Tín thì bà Bích được quyền cung cấp cho công an những tài liệu, chứng cứ, những vấn đề mà bà biết. Việc này sẽ giúp công an tiếp cận nhiều tư liệu trong quá trình điều tra, giúp các cơ quan chức năng có cái nhìn sâu rộng, tổng thể trong việc đánh giá chứng cứ. Tuy nhiên, việc tại sao bản tường trình của bà Bích với những nghi ngờ bà trình bày lại được lan truyền trên mạng và ai đưa lên mạng bản tường trình này thì mới là vấn đề đáng bàn".

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nếu đây là vụ án thì không có gì để bàn, còn những cáo buộc thiếu chứng cứ, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cá nhân mà lại được đưa lên mạng công khai với mục đích khác thì người bị đưa lên mạng có thể yêu cầu cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Về thời hạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP.HCM - cho biết, theo điều 147 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 thì trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: Quyết định khởi tố vụ án; Quyết định không khởi tố vụ án; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng. 

Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 2 tháng.

Chậm nhất là 5 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.

"Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền: Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin; khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm tử thi; trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản", bà Nhuệ nói.

Trước đó, trao đổi với phóng viên, một điều tra viên nói rằng, cơ quan điều tra đang phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan chức năng để thu thập chứng cứ, dữ liệu một cách thuyết phục.

Nguồn tin của phóng viên cho biết, Công an TP.HCM đã trích xuất, sao chép dữ liệu camera thang máy của chung cư để phục vụ công tác điều tra.

Một dữ liệu quan trọng là tại thời điểm sau khi luật sư Tín rơi lầu, thang máy mở cửa và camera ghi nhận có người ở khu vực hành lang tầng 14 nơi có căn hộ mà nhóm luật sư Tín uống rượu bia.

Đặc biệt, theo một nguồn tin, có một cháu bé đã thấy luật sư Tín ở khu vực hành lang. Nhân chứng này được cho là người cuối cùng nhìn thấy luật sư Tín trước khi ông tử vong.

Để thu thập dữ liệu, chứng cứ, ngày 28-4, Công an TP.HCM đã tiếp tục đến làm việc kỹ lưỡng tại hiện trường, khu vực chung cư, khu vực hành lang.

Nguồn: [Link nguồn]

Tìm được đoạn camera ghi hình TS Bùi Quang Tín trước lúc tử vong

Liên quan tới vụ "tiến sĩ Bùi Quang Tín rơi từ tầng cao chung cư New Sài Gòn (ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM)...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Dũng ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN