Những ký hiệu “đặc biệt” trong quy trình nhận hối lộ ở đại án ngành đăng kiểm

Để thành lập và duy trì hoạt động của trung tâm đăng kiểm, các bị cáo đã phải "lót tay" cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm sau đó tìm cách "moi" tiền của các chủ phương tiện bằng cách bỏ qua các sai phạm về lỗi, kỹ thuật... Nhiều thủ thuật mà các bị cáo nhận tiền hối lộ trong đó có các ký hiệu riêng để sau khi nhận hối lộ sẽ “thối” lại cho “cò” mà không bị nhầm lẫn…

Tại Trung tâm Đăng Kiểm 50-15D, Trần Văn Thương là Giám đốc nhưng không trực tiếp điều hành mà giao toàn quyền quyết định Trung tâm 50-15D cho Nguyễn Trọng Vĩnh làm Giám đốc và Đoàn Hải Linh, Phó Giám đốc Trung tâm 50-15D quản lý, điều hành.

Nguyễn Trọng Vĩnh bàn bạc với Đoàn Hải Linh và Vũ Hữu Bình Bình (nhân viên bảo vệ, có nhiệm vụ giám sát kiểm định) được Nguyễn Trọng Vĩnh phân công ra chuyền đăng kiểm phụ giúp sắp xếp xe và trực tiếp nhận tiền từ chủ xe, môi giới đăng kiểm, tổng hợp và chia tiền hối lộ có được theo chỉ đạo của Vĩnh.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trên đưa nhiều phương tiện đến đăng kiểm để nhận tiền hối lộ, Nguyễn Trọng Vĩnh đã chỉ đạo cho Phạm Kim Anh, khi các “khách hàng” là nhóm “cò” Hải, Đức, Lợi, Tài, Dũng, Hiền, Thắng đưa xe vào đăng kiểm thì cho nợ tiền phí kiểm định, để cuối ngày tổng kết lại thu một lần.

Để quản lý Kim Anh đã ghi lại ký hiệu của từng người vào góc trái, phía dưới tờ “Phiếu theo dõi”, nếu là phương tiện của Lê Bá Dũng đưa vào thì ký hiệu “D”; Phạm Minh Hiền ký hiệu chữ “H”, của Đoàn Chiến Thắng ký hiệu chữ “TVP”, của Vũ Hữu Bình nhận trực tiếp thì ký hiệu chữ “B” và ký hiệu “6” là xe của Lê Ngọc Tài, Lê Ngọc Lợi, Lê Hồng Hải và Lê Hồng Đức.

Nguyễn Trọng Vĩnh và Đoàn Hải Linh chỉ đạo Vũ Hữu Bình thực hiện nghiệm thu 515 hồ sơ có thiết kế, 436 miễn thiết kế, 97 hồ sơ kiểm tra xe chuyên dụng của các công ty thiết kế cải tạo và nhận từ chủ phương tiện, công ty thiết kế, thi công cải tạo với giá tiền là 1 triệu đồng/phương tiện cải tạo có thiết kế, 500 ngàn đồng/phương tiện cải tạo miễn thiết kế, 1 triệu đồng/phương tiện xe chuyên dụng và các hồ sơ sau khi nghiệm thu thì phải đăng kiểm đạt.

Số tiền nhận hối lộ từ việc nghiệm thu xe cải tạo, Bình giữ và thống kê, đến cuối tháng báo lại cho Vĩnh rồi chia cho các ĐKV tham gia nghiệm thu cải tạo. Trung bình mỗi tháng mỗi ĐKV được chia 3 triệu đồng/người; Vĩnh, Linh được chia 5 triệu đồng/người.

Để Trung tâm 50-15D hoạt động không bị kiểm tra hoặc khi có đoàn thanh tra sẽ được báo trước và bỏ qua những lỗi sai phạm trong quá trình đăng kiểm, mỗi tháng Nguyễn Trọng Vĩnh “biếu” Trần Kỳ Hình (khi đó là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) 15 triệu đồng. Đến năm 2020, Trung tâm 50-15D hoạt động ổn định, làm ăn khấm khá hơn nên mỗi tháng Vĩnh “biếu” Cục trưởng 20 triệu đồng. Định kỳ 2 tháng một lần, Vĩnh ra Cục Đăng kiểm đưa tiền trực tiếp cho Hình. Tổng cộng Vĩnh đã đưa hối lộ cho Hình số tiền 90 triệu đồng và 2.000 USD.

Đến khi Trần Kỳ Hình về hưu, kế nhiệm là bị cáo Đặng Việt Hà. Vĩnh ra gặp Hà và gửi 100 triệu đồng làm quà chúc mừng tân Cục trưởng, đồng thời thỏa thuận đóng “hụi chết” cho Hà 20 triệu/tháng. Tổng cộng Nguyễn Trọng Vĩnh đã đóng “hụi chết” cho Đặng Việt Hà 140 triệu đồng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, chủ phương tiện khi muốn được kiểm định phương tiện trơn tru, không mắc phải sai phạm về lỗi, kỹ thuật thì luôn tuân theo 1 quy ước được quy định rõ ràng theo từng địa phương. Trung tâm Đăng kiểm 50 -17D, Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty An Phát, người điều hành toàn bộ hoạt động của Trung tâm đăng kiểm này.

Tại đây, Ban giám đốc trung tâm và các ĐKV đã thống nhất thực hiện việc nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp, chủ phương tiện, môi giới để bỏ qua lỗi không đạt của phương tiện hoặc hợp thức hoá hồ sơ trong quá trình kiểm định, số tiền nhận hối lộ đến cuối ngày giao cho Tào Huyền Thanh (vợ Phong) giữ, sau đó chia nhau theo quy định: trích 50% số tiền về Công ty An Phát, còn lại 50% chia đều cho các ĐKV.

Ngoài ra, trước khi lãnh đạo công ty có chủ trương nhận hối lộ, các ĐKV đã tự bàn bạc, thống nhất nội dung: nếu có chủ phương tiện đưa tiền hối lộ để bỏ qua lỗi không đạt thì các ĐKV nhận và ăn chia với công ty. Số tiền nhận hối lộ của các ĐKV trước khi có chủ trương của lãnh đạo là 113.610.000 đồng, trong đó 56.805.000 đồng được trích chuyển về Công ty An Phát; số còn lại chia cho các ĐKV.

Để được thành lập Trung tâm Đăng kiểm 50-19D (tháng 5/2020), Trần Bửu Tùng là chủ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Phú An Viễn là Công ty mẹ của Trung tâm Đăng kiểm 50-19D, đã đưa hối lộ cho Trần Anh Quân số tiền gần 162,7 triệu đồng (tương đương 7.000 USD) và đưa hối lộ cho Trần Kỳ Hình số tiền 232,4 triệu đồng (tương đương 10.000 USD) để được cấp mã số cho trung tâm.

Quá trình hoạt động, doanh thu không đủ trả mặt bằng và lương nhân viên nên Trần Bửu Tùng thống nhất với Nguyễn Huỳnh Phong (Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phú An Viễn, Giám đốc tại Trung tâm 50-19D) thực hiện hành vi nhận tiền hối lộ trong quá trình kiểm định. Sau đó, chủ trương này được chỉ đạo đến tất cả ĐKV tại Trung tâm 50-19D đều thống nhất thực hiện nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp, chủ phương tiện, môi giới… để bỏ qua lỗi không đạt của phương tiện trong quá trình kiểm định.

Ngoài ra, Nguyễn Huỳnh Phong và ĐKV Nguyễn Quỳnh Tuân còn sử dụng phần mềm FORM1 (MDO.exe) để chỉnh sửa dữ liệu kiểm định của phương tiện. Số tiền hối lộ nhận được, Nguyễn Huỳnh Phong cất giữ cuối tuần chia nhau hưởng lợi theo quy định: Trần Bửu Tùng 30%, số tiền còn lại chia đều cho ĐKV.

Nguồn: [Link nguồn]

Khác xa dự báo ùn tắc, đứt gãy hệ thống kiểm định xe cơ giới khi hàng loạt đăng kiểm viên hầu tòa, các trung tâm đăng kiểm ở TPHCM khá vắng vẻ, người dân ‘thảnh thơi’ đưa ô tô đi xét.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo V.Hào - M.Đức- C.Linh ([Tên nguồn])
Sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN