Những “cánh tay thân tín” giúp Trương Mỹ Lan thâu tóm, chi phối hoạt động của SCB là ai?

Trương Mỹ Lan đã đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng mà Lan tin tưởng, thân tín, nghe theo chỉ đạo vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB.

Thâu tóm 3 ngân hàng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng SCB và một số đơn vị.

Theo Kết luận điều tra, Trương Mỹ Lan là chủ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bao gồm một tập hợp các công ty con, công ty liên kết như: Công ty CP Tập đoàn VTP, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, Công ty CP Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsor, Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square...

Với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng trong việc huy động nguồn vốn đáp ứng nhu cầu kinh doanh của tập đoàn và các công ty kể trên, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 Ngân hàng tư nhân bằng việc mua, sở hữu phần lớn số lượng cổ phần của các ngân hàng này để thao túng hoạt động của các ngân hàng này phục vụ cho mục đích cá nhân.

Trong đó, từ tháng 12/2011, bằng hình thức nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần, Trương Mỹ Lan đã nắm giữ hơn 81,4% cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ) duới tên của 32 cổ đông; hơn 98,7% cổ phần của Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa dưới tên của 36 cổ đông và hơn 80,4% cổ phần của Ngân hàng TMCP Đệ Nhất dưới tên của 24 cổ đông.

Sau khi 3 ngân hàng này được hợp nhất vào ngày 01/01/2012 với tên gọi là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng SCB), Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu hơn 85,6% cổ phần của Ngân hàng SCB, đồng thời tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên Cổ phần Ngân hàng SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên hơn 91,5% vào ngày 01/01/2018.

Tính đến tháng 10/2022, Ngân hàng SCB có vốn điều lệ hơn 15.231 tỷ đồng (tương ứng hơn 1,5 tỷ cổ phần) với tổng số 4.129 cổ đông, được NHNN công nhận; trong đó, Trương Mỹ Lan đã sở hữu, chi phối hơn 1,3 tỷ cổ phần Ngân hàng SCB, chiếm hơn 91,5% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên giúp; trong đó Trương Mỹ Lan trực tiếp đứng tên sở hữu hơn 75 triệu cổ phần, chiếm hơn 4,9% vốn điều lệ.

Tài liệu điều tra xác định, các cá nhân và đại diện các tổ chức này (trừ các pháp nhân nuớc ngoài đã liên hệ nhưng không đến làm việc) đều khai đứng tên cổ phần cho Trương Mỹ Lan. Với việc sở hữu, nắm quyền chi phối số cổ phần Ngân hàng SCB nêu trên, Trương Mỹ Lan đã đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân đều là những người có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng Lan tin tưởng, thân tín, nghe theo chỉ đạo của Lan vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB như: Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Giám đốc các Chi nhánh lớn, Trưởng Ban kiểm soát để sử dụng những người này điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB.

Những lãnh đạo chủ chốt, thân tín này được Lan trả mức lương rất cao từ 200-500 triệu/tháng.

Bị can Trương Mỹ Lan thâu tóm, chi phối hoạt động Ngân hàng SCB bằng cách đã đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân Lan tin tưởng, thân tín, nghe theo chỉ đạo vào các vị trí chủ chốt của ngân hàng.

Bị can Trương Mỹ Lan thâu tóm, chi phối hoạt động Ngân hàng SCB bằng cách đã đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân Lan tin tưởng, thân tín, nghe theo chỉ đạo vào các vị trí chủ chốt của ngân hàng.

Những cánh tay thân tín

Theo kết luận điều tra, các lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng SCB đều do Trương Mỹ Lan tuyển chọn và giao nhiệm vụ, có thể kể tới những bị can bị đề nghị truy tố dưới đây:

Nguyễn Thị Thu Sương, trước khi làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB (từ tháng 12/2011 đến tháng 3/2014) là trợ lý Ban Tổng giám đốc Công ty Đầu tư VTP (2008 - 2009), Phó Tổng giám đốc, Tổng giám đốc Công ty Đại Trường Sơn (2009 - 3/2011, sau đổi tên thành Công ty Sài Gòn Peninsula).

Đinh Văn Thành trước khi làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB (từ tháng 3/2014 đến tháng 12/2020) là Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (từ tháng 12/2009 đến tháng 4/2010), Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (từ tháng 4/2010 đến tháng 12/2011), Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB (từ tháng 01/2012 đến tháng 12/2013), Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng SCB (từ tháng 12/2013 đến tháng 3/2014).

Bùi Anh Dũng trước khi làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB (từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2022) đã làm việc cho Ngân hàng SCB từ năm 2009, trải qua các vị trí Trưởng phòng, Giám đốc Chi nhánh, Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT.

Tạ Chiêu Trung là Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB (từ tháng 3/2014 đến tháng 4/2017), Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB (từ tháng 4/2017 đến tháng 4/2019) đồng thời là Tổng giám đốc Công ty Việt Vĩnh Phú, Công ty đứng tên giúp Trương Mỹ Lan sở hữu hơn 12,8% Cổ phần Ngân hàng SCB.

Trầm Thích Tồn trước khi làm Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB (từ tháng 12/2011 đến tháng 3/2014) là Giám đốc Chi nhánh - Công ty Cổ phần Đầu tư An Đông (từ năm 2004 đến năm 2007), Giám đốc Chi nhánh Công ty Đầu tư VTP (từ năm 2007 đến năm 2008), Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Trường Sơn (từ năm 2008 đến tháng 03/2010, Công ty Sài Gòn Peninsula), Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB - trước hợp nhất (từ tháng 4/2010 đến tháng 12/2011).

Võ Tấn Hoàng Văn trước khi làm Tổng giám đốc Ngân hàng SCB (từ ngày 09/12/2013 đến ngày 28/7/2020), đã công tác tại các vị trí: Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH E&Y Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban chiến lược & phát triển ngân hàng SCB (từ tháng 7/2013 đến tháng 7/2013), Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB (từ tháng 8/2013 đến tháng 10/2013), Quyền Tổng giám đốc (từ tháng 10/2013 đến ngày tháng 12/2013).

Trương Khánh Hoàng trước khi làm Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB (từ tháng 5/2021 đến tháng 8/2022) đã làm Chuyên viên tín dụng Ngân hàng SinoPac (từ tháng 6/2012 đến tháng 7/2014), Giám sát (phụ trách Thị trường vốn và quan hệ đầu tư) Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (từ tháng 7/2014 đến tháng 10/2017), Giám đốc (phụ trách tài chính dự án cấp cao) - Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Alpha King (từ tháng 11/2017 đến ngày tháng 3/2019), Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối Tái thẩm định Ngân hàng SCB (từ tháng 9/2019 đến tháng 5/2021).

Trần Thị Mỹ Dung trước khi làm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB (từ tháng 01/2021 đến tháng 9/2022) đã làm việc tại Ngân hàng SCB từ năm 2010 qua các vị trí Nhân viên tín dụng, Trưởng Bộ phận tín dụng, Chuyên viên Phòng Tái thẩm định, Phó Giám đốc Tái thẩm định Ngân hàng SCB (từ tháng 5/2018 đến tháng 01/2021), Phó Giám đốc Khối Tái thẩm định Ngân hàng SCB (từ tháng 9/2019 đến tháng 11/2020), Quyền Giám đốc Khối Phê duyệt tín dụng và xử lý nợ Ngân hàng SCB (tháng 11/2020 tới tháng 01/2021) và trở thành một trong những người thân tín của Trương Mỹ Lan.

Theo lời khai của các đối tượng nêu trên (trừ các đối tượng, bị can đã xuất cảnh, không biết hiện đang ở đâu) thì Trương Mỹ Lan chi phối mọi hoạt động của Ngân hàng SCB kể cả về nhân sự và hoạt động tín dụng thông qua các thân tín, giữ vai trò chủ chốt tại Ngân hàng SCB.

Kết luận điều tra nêu rõ, bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần chi phối, điều hành hoạt động ngân hàng thông qua các đối tượng chủ chốt tại Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB với chức năng của một Ngân hàng Thương mại Cổ phần như một công cụ tài chính để huy động tiền gửi của người dân và các tổ chức, huy động vốn từ các nguồn khác quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong hoạt động cho vay, Ngân hàng SCB lại chủ yếu phục vụ cho mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan. Hành vi nêu trên của Trương Mỹ Lan đã vi phạm Luật các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Nguồn: [Link nguồn]

Loạt cán bộ thanh tra Ngân hàng Nhà nước 'nhúng chàm' vụ Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát

Liên quan vụ Vạn Thịnh Phát, hàng loạt cán bộ thanh tra Ngân hàng Nhà nước bị đề nghị truy tố vì hành vi bao che, bưng bít cho sai phạm của bà Trương Mỹ Lan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Vụ án Vạn Thịnh Phát Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN