Nhiều đại biểu không đồng tình nâng tuổi trẻ em lên 18

Chiều ngày 23-3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).

Nhiều đại biểu không đồng tình nâng tuổi trẻ em lên 18 - 1

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc ủng hộ việc nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên và nhi đồng cho biết, hiện nay còn một số ý kiến cho rằng việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi không thống nhất với quy định về độ tuổi trong các luật liên quan, như: Bộ luật hình sự, Bộ luật lao động...

Tuy nhiên, ông Thi cho rằng việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi nhằm thống nhất việc sử dụng thuật ngữ “người chưa thành niên” mà không ảnh hưởng đến chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên và không mâu thuẫn với các luật hiện hành.

Trên thực tế, không phải tất cả trẻ em đều được áp dụng đồng thời các chính sách và quy định pháp luật như nhau mà được chia theo độ tuổi và chia theo các nhóm đối tượng cụ thể để áp dụng cho phù hợp. Các chính sách hiện hành đang áp dụng cho người chưa thành niên về cơ bản sẽ không có sự thay đổi vì các chính sách đó không phụ thuộc vào việc những người này có được xem là trẻ em hay không. Công ước Quốc tế về quyền trẻ em quy định “Trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn”.

“Việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi cũng không gây ảnh hưởng tới quy định của Luật thanh niên và Điều lệ Đoàn, không xung đột với độ tuổi đoàn viên thanh niên của tổ chức này, vì “trẻ em” - “người lớn” và “thanh niên” - “thiếu niên” - “nhi đồng” là hai hệ thống khái niệm độc lập”- ông Đào Trong Thi cho biết.

Trước giải trình trên, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng nếu quy định trẻ em dưới 16 tuổi không hề vi phạm Công ước Trẻ em. Ông Nghĩa đặt câu hỏi: “Vì lý do gì, mục đích gì, vào thế kỷ 21 chúng ta lại đem áp trẻ em dưới 18 tuổi? Việc nâng tuổi trẻ em lên 18 tuổi là chúng ta đang đi ngược lại xu thế chung của các nước và gây xung đột với các quy định pháp luật hiện hành khác. Chúng ta muốn chăm sóc cho trẻ em ở độ tuổi từ 16-18 thì hãy chăm sóc cái gì cần thiết nhưng không cần quay lại bánh xe lịch sử như vậy”.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng nêu quan điểm không đồng tình điều chỉnh nâng độ tuổi trẻ em. Theo ông việc nâng tuổi trẻ em lại có thể xảy ra nhiều nhiều xung đột. “Với đoàn viên thanh niên, chẳng lẽ lại kết nạp trẻ em vào đoàn? Nếu quan tâm đến trẻ em thì nên quan tâm đến trẻ từ 6 tháng đến dưới 4 tuổi. Các nước trên thế giới còn muốn hạ tuổi trẻ em xuống 12 tuổi để chịu trách nhiệm hình sự, vì tội phạm đang ngày càng trẻ hóa”- Vị này nêu quan điểm.

Kết thúc phiên họp, chủ tọa phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết sẽ lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội về việc nâng độ tuổi trước khi thông qua dự thảo luật. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN