Nhật phản pháo "lý sự cùn" của tướng Trung Quốc

Những lời lẽ hung hăng thiếu lập luận của Trung Quốc tại Shangri-La đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Nhật.

Ngày 2/6, Nhật Bản đã lên tiếng phản pháo những lời lẽ kiểu “lý sự cùn” của đại diện Trung Quốc tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La trong một động thái nhằm chống lại chiến thuật “chiến tranh tâm lý” đầy thâm hiểm của Trung Quốc.

Hôm Chủ nhật, trung tướng Vương Quán Trung, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, một chuyên gia tuyên truyền hàng đầu của nước này đã phát biểu tại Shangri-La rằng những bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel lên án Trung Quốc tại diễn đàn là “không thể chấp nhận được”.

Các chuyên gia phân tích nhận định rằng đây là một chiến thuật mới của Trung Quốc nhằm gây “chiến tranh tâm lý” hòng áp đảo và đe dọa Mỹ, Nhật bằng ngôn từ, từ đó buộc các quốc gia láng giềng tại châu Á phải chùn bước để Trung Quốc ngang nhiên biến Biển Đông thành ao nhà.

Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày hôm nay đã lên tiếng phản bác giọng điệu của Trung Quốc: “Chúng tôi tin rằng quan chức trên của phía Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố này dựa trên nhận thức sai lầm về các sự kiện thực tế, và qua đó đã xúc phạm đến đất nước chúng tôi.”

Nhật phản pháo "lý sự cùn" của tướng Trung Quốc - 1

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga

Ông Suga cho biết đoàn đại biểu Nhật Bản tại Shangri-La đã ngay lập tức ra tuyên bố “phản đối mạnh mẽ” những lời lẽ đầy hung hăng, ngang ngược trong bài phát biểu “gây sốc” của tướng Vương Quán Trung.

Hôm thứ Sáu tuần trước, ông Abe đã khai mạc Đối thoại Shangri-La bằng bài phát biểu kêu gọi các quốc gia tôn trọng pháp luật và thể hiện sự ám chỉ rõ ràng tới hành vi hung hăng của Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Sau đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã “điểm mặt chỉ tên” rằng cách hành xử hung hăng của Trung Quốc là nguồn cơn của căng thẳng, bất ổn và nguy cơ xung đột trong khu vực. Ông Hagel cũng liệt kê một loạt hành vi “gây bất ổn” của Trung Quốc trên biển, trong đó có những hành động ngang ngược với Philippines và Việt Nam.

Đến ngày Chủ nhật, tướng Vương đại diện cho đoàn Trung Quốc đã đăng đàn phát biểu. Sau khi nhận được nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu, viên tướng này trở nên đuối lý và nổi giận rồi phun ra một loạt những ngôn từ “đao to búa lớn” nhắm thẳng vào lãnh đạo của Mỹ và Nhật Bản tại hội nghị.

Tướng Vương áp dụng chiến thuật “đổ lỗi” bằng cách cho rằng chính Mỹ và Nhật Bản đã “thông đồng” với nhau để lên án Trung Quốc và khuyến khích các nước khác công kích Trung Quốc.

Nhật phản pháo "lý sự cùn" của tướng Trung Quốc - 2

Phát ngôn của tướng Vương Quán Trung (trái) bị phản đối mạnh mẽ ở Shangri-La

Có những lúc, viên tướng tuyên truyền lão luyện, quân cờ hữu dụng nhất của Tổng cục Chính trị quân đội Trung Quốc có vẻ như quá đuối lý trước những câu hỏi sắc bén của cử tọa đã mất bình tĩnh và đánh mất vẻ điềm đạm thường thấy. Ông này giận dữ nói: “Đoàn Trung Quốc có cảm giác rằng bài phát biểu của ông Abe và ông Hagel là hành vi khiêu khích chống lại Trung Quốc.”

Vương Quán Trung nói thêm: “Bài phát biểu của ông Abe và ông Hagel khiến tôi có cảm giác rằng họ đã phối hợp với nhau, họ hỗ trợ lẫn nhau, họ khuyến khích nhau và họ lợi dụng ưu thế được phát biểu đầu tiên để thực hiện các hành vi khiêu khích và thách thức Trung Quốc.”

Theo ông Richard D. Fisher, chuyên gia quân sự tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, những ngôn từ “gây sốc” của tướng Vương là một vũ khí nhằm lấp liếm cho sự đuối lý của Trung Quốc, bởi Trung Quốc không bao giờ dám đứng ra tranh luận với các nước về vấn đề pháp luật quốc tế. Những hành động ngang ngược của Trung Quốc không thể nào giải thích được trên phương diện pháp luật và thông lệ quốc tế.

Thay vào đó, đại diện Trung Quốc dùng những lời lẽ hung hăng công kích trực tiếp Mỹ và Nhật Bản với ý đồ làm chùn bước hai quốc gia này, qua đó đe dọa các đồng minh và đối tác của họ trong khu vực, phục vụ cho mưu đồ độc chiếm Biển Đông của họ.

Tuy nhiên, thông qua phản ứng của Nhật Bản, chúng ta có thể thấy rằng chiến lược “dùng lời lẽ át sự thật” của Trung Quốc đã không thể đe dọa được các quốc gia trong khu vực, và chính kiểu “lý sự cùn” này của Trung Quốc càng khiến nước này bị cô lập hơn trên trường quốc tế.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã xuống đến mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là sau khi Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng, ngang ngược trong tranh chấp nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo AFP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN