Mỹ-Nhật đồng thanh lên án TQ tại Shangri-La

Mỹ và Nhật đã phối hợp ăn ý với nhau để lên án những hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La.

Ngày 30/5, các quan chức hàng đầu của Nhật Bản và Mỹ đã “đồng thanh tương ứng” cùng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành vi hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 khi cho rằng sự ngang ngược của Bắc Kinh có nguy cơ hủy hoại trật tự thế giới thời kỳ hậu Thế chiến II và ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của châu Á.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã thể hiện sự quyết liệt của mình trong bài phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La khi cảnh báo rằng những hành động thay đổi hiện trạng trên Biển Đông gần đây của Bắc Kinh có nguy cơ cao phá vỡ trật tự thế giới được Mỹ thiết lập và bảo vệ từ năm 1945 đến nay.

Mỹ-Nhật đồng thanh lên án TQ tại Shangri-La - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel

Ông Hagel tuyên bố: “Những nguy cơ này không chỉ ảnh hưởng đến chủ quyền trên những rặng san hô và đảo đá trên biển hay nguồn tài nguyên trong lòng biển, mà nó còn là vấn đề duy trì trật tự và thượng tôn pháp luật ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc đang tìm cách giải quyết tranh chấp biển đảo bằng hành vi áp bức và ông cũng nhiều lần mô tả Trung Quốc như một kẻ hung hăng đi xâm lược trên Biển Đông. Ông Hagel nói: “Trung Quốc đã thực hiện những hành động đơn phương, gây bất ổn nhằm tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông.”

Tuy nhiên, ông Hagel không đề cập đến việc Mỹ có định can thiệp quân sự trực tiếp vào các cuộc khủng hoảng ngày càng tăng ở khu vực hay không, đồng thời tái khẳng định lập trường trung lập của Mỹ không ngả về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ.

Ông Hagel cũng nhấn mạnh rằng Mỹ đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong những năm gần đây trong việc tăng cường lực lượng Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục bổ sung lực lượng tới khu vực này trong những năm tới với việc triển khai tàu khu trục lớp Zumwalt mới cùng nhiều máy bay trinh sát tiên tiến.

Những tuyên bố quyết liệt này của ông Hagel chính là sự đồng vọng với bài phát biểu ám chỉ những chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người mặc dù không “điểm mặt chỉ tên” Trung Quốc nhưng lại lên án những nỗ lực đơn phương nhằm áp đặt chủ quyền trên các vùng biển châu Á.  

Cũng giống như tuyên bố của ông Hagel, bài phát biểu của Thủ tướng Abe đề cập đậm nét đến những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng tại biển Hoa Đông và Biển Đông, và ông cho rằng Nhật Bản sẽ tìm cách thay đổi tình hình bằng cách phát huy vai trò “đầu tàu” trong an ninh khu vực.

Phát biểu tại diễn đàn Shangri-La, ông Abe nhấn mạnh: “Hành động tìm cách thay đổi hiện trạng bằng cách tạo ra các việc đã rồi liên tiếp nhau cần phải bị lên án mạnh mẽ.”

Những đại biểu tham gia diễn đàn này gồm có các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác. Đối thoại Shangri-La lần này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, một động thái đơn phương làm căng thẳng tình hình an ninh trong khu vực của Trung Quốc.

Mỹ-Nhật đồng thanh lên án TQ tại Shangri-La - 2

Ông Hagel và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Bắc Kinh vẫn khăng khăng cho rằng những hành động của họ trên Biển Đông và biển Hoa Đông là “hoạt động bình thường” và diễn ra trong vùng biển mà họ tuyên bố là chủ quyền. Trong những tuần gần đây, các quan chức Trung Quốc thường xuyên đổ lỗi cho các nước khác đang “tìm cách gây mất ổn định khu vực”. Tuy nhiên ông Abe đã mạnh mẽ bác bỏ lập luận này của phía Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố: “Chúng tôi không hoan nghênh những hành động nguy hiểm của chiến đấu cơ hay tàu thuyền trên biển. Chúng tôi chỉ đưa ra lời lẽ để tranh luận.”

Trong bài phát biểu này, ông Abe cũng ca ngợi Việt Nam và Philippines đã tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ hai nước này tăng cường sức mạnh bảo vệ vờ biển và khẳng định Tokyo sẽ giúp đỡ ASEAN giữ gìn an ninh hàng hải.

Theo ông Abe, những nỗ lực này là một phần trong chiến lược của Nhật Bản nhằm thể hiện vai trò tích cực hơn trong các vấn đề phòng vệ và hợp tác với các đối tác đa quốc gia, trong đó có Mỹ, để thúc dẩy an ninh và thịnh vượng trong khu vực.

Trước đó, trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc là “bà đầm thép” Phó Oánh đã đăng đàn phát biểu và cáo buộc Nhật Bản đang tìm cách can thiệp vào khủng hoảng tranh chấp biển đảo để tạo ra một “chuyện hoang đường rằng Trung Quốc là đất nước đang đe dọa tới Nhật Bản.”

Bà Phó Oánh cho rằng ông Abe đang lợi dụng tình hình hiện nay như một “cái cớ” để tìm cách thay đổi chính sách an ninh của Nhật Bản. Người phụ nữ hay lý luận này cũng cáo buộc thủ tướng Nhật Bản đang tìm cách “chối bỏ” những hành động của Nhật trong Thế Chiến II.

Ông Abe đã bác bỏ lập luận này của bà Phó Oánh và nói rằng Nhật Bản đã bày tỏ sự “hối hận sâu sắc” về những gì họ gây ra trong Thế Chiến II, và đất nước này luôn cam kết hướng tới hòa bình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo WSJ) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN