Nhật lên án hành vi nguy hiểm của chiến đấu cơ TQ

Nhật yêu cầu giới chức quân sự TQ hành xử có đạo đức hơn sau khi chiến đấu cơ TQ vờn sát máy bay quân sự Nhật.

Ngày 12/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera đã lên tiếng phản đối việc chiến đấu cơ Trung Quốc bay sát “bất thường” máy bay quân sự của Nhật Bản trên biển Hoa Đông ngày hôm qua.

Đây là lần thứ hai chiến đấu cơ Trung Quốc vờn sát máy bay quân sự của Nhật Bản trong vòng 2 tháng qua, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang vô cùng căng thẳng vì những tranh chấp chủ quyền trên nhóm đảo Senkaku.

Nhật lên án hành vi nguy hiểm của chiến đấu cơ TQ - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera

Ông Onodera cho biết trong sự cố ngày hôm qua, chiến đấu cơ Su-27 của Trung Quốc đã “bay sát một cách liều lĩnh khiến phi công của Nhật Bản cảm thấy nguy hiểm. Tôi muốn các quan chức quân sự Trung Quốc cho phép kiểu hành vi nguy hiểm này diễn ra phải hành xử có đạo đức hơn.”

Hiện Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng nào trước những lời chỉ trích của ông Onodera.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết chiến đấu cơ của Trung Quốc đã tiến sát “bất thường” với một máy bay trinh sát OP-3C và máy bay do thám điện tử YS-11EB của Nhật lúc 11 giờ và 12 giờ sáng ngày hôm qua.

Mặc dù Bộ Quốc phòng Nhật Bản không nói rõ những máy bay này đã bay sát nhau bao nhiêu mét, tuy nhiên họ cho biết máy bay và phi công Nhật không bị hư hỏng hay bị thương sau sự cố này.

Kể từ khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông hồi tháng 11 năm ngoái, quan hệ Trung Nhật đã xấu đi nhanh chóng.

Đến tháng 3 năm nay, Nhật Bản đã phải 415 lần điều chiến đấu cơ lên để ngăn chặn máy bay Trung Quốc trên vùng trời xung quanh nhóm đảo Senkaku, tăng 36% so với năm ngoái, trong khi tàu tuần tra của hai nước vẫn thường xuyên chơi trò “mèo vờn chuột” xung quanh nhóm đảo tranh chấp, làm gia tăng nguy cơ nổ ra đụng độ bất ngờ.

Hồi tháng trước, lực lượng lục quân, hải quân và không quân Nhật Bản đã thực hiện một cuộc diễn tập tái chiếm đảo xa, thể hiện nỗi quan ngại của Tokyo về tình hình an ninh của các hòn đảo do Nhật Bản quản lý nhưng bị Trung Quốc lăm le đòi chủ quyền.

Căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng gia tăng nhanh chóng trong những tuần gần đây, đặc biệt là sau khi Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Philippines cũng tố cáo Trung Quốc đang tìm cách tập kết vật liệu trên một bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam do Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép để xây dựng một đường băng sân bay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN