Người lính kiên cường nhất Nhật Bản qua đời

Người lính Nhật chỉ chịu đầu hàng khi chiến tranh kết thúc được 30 năm vừa mới qua đời tại thủ đô Tokyo ở tuổi 91.

Ngày 16/1, Hiroo Onoda, người lính cuối cùng của đế quốc Nhật Bản chỉ chịu đầu hàng sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc 29 năm đã qua đời ở tuổi 91 tại Tokyo.

Ông Onoda qua đời tại một bệnh viện ở thủ đô Nhật Bản trong một chuyến thăm tới thành phố này. Tokyo đã bày tỏ lòng thương tiếc và ca ngợi ông Onoda bởi tinh thần bất khuất và ý chí sống kiên cường.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Tokyo Yoshihide Suga nói: “Sau Thế Chiến II, ông Onoda đã sống trong rừng rậm nhiều năm và khi ông trở về Nhật, tôi mới cảm thấy rằng cuộc chiến đã kết thúc.”

Người lính kiên cường nhất Nhật Bản qua đời - 1

Ông Onoda lúc mới trở về Nhật Bản từ Philippines

Sau khi tốt nghiệp cấp 3 ở Nhật Bản, Onoda tới làm việc cho một công ty thương mại Nhật Bản ở Thượng Hải vào năm 1939. Ba năm sau, ông được gọi nhập ngũ và được huấn luyện tại một học viện quân sự.

Tháng 12/1944, Onoda được đưa đến hòn đảo Lubang của Philippines để hoạt động tình báo. Năm 1945, trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, đơn vị của Onoda rút khỏi hòn đảo này. Tuy nhiên viên chỉ huy đã ra lệnh cho Onoda và tổ tình báo cảm tử của mình trụ lại trên đảo để do thám hoạt động của quân Mỹ với chỉ thị không được phép đầu hàng.

Họ đã kiên cường trụ lại trên hòn đảo hẻo lánh này của Philippines trong gần 30 năm, và Onoda đã tìm mọi cách để sinh tồn khi các đồng đội của ông lần lượt ngã xuống vì đói rét, bệnh tật.

Trong quá trình sinh tồn trong rừng rậm này, Onoda đã phải ăn trộm gạo và chuối của dân địa phương sống ở ngoài bìa rừng và bắn hạ trâu bò của họ để làm thịt khô tích trữ, dẫn tới nhiều cuộc đụng độ đổ máu với người dân sinh sống trên đảo Lubang.

Suốt những năm tháng đó, chính quyền Philippines và cả chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần cử các đội tìm kiếm lên đảo Lubang để thuyết phục Onoda ra trình diện để được đưa về nước. Họ đã dùng loa phóng thanh, rải truyền đơn xuống khu rừng, thế nhưng Onoda vẫn kiên quyết thực hiện theo đúng mệnh lệnh mà người chỉ huy giao cho mình: “Không đầu hàng!”

Người lính kiên cường nhất Nhật Bản qua đời - 2

Người lính kiên cường Onoda sau 30 năm sinh tồn trong rừng rậm Philippines

Tuy nhiên mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào ngày 20/2/1974, khi một thanh niên Nhật đi du lịch vòng quanh thế giới tên là Norio Suzuki đặt chân lên đảo Lubang để truy tìm người lính Nhật bí ẩn mà người dân địa phương vẫn thường đồn đại.

Suzuki đã lặng lẽ dựng lều trong rừng và kiên nhẫn chờ đợi. Cuối cùng, Onoda cũng xuất hiện và cả hai người bắt đầu nói chuyện, thế nhưng Onoda vẫn không hề biết và không chịu tin rằng quân đội của ông đã thảm bại gần 30 năm trước, và Nhật Hoàng đã ra lệnh cho những người lính của mình đầu hàng quân Đồng minh.

Suzuki trở về Nhật và liên hệ với chính phủ Nhật Bản, và họ đã liên lạc được với cựu Thiếu tá Yoshimi Taniguchi, người đã ra lệnh cho Onoda trụ lại trên đảo. Chính phủ Nhật đã đưa ông Taniguchi tới đảo Lubang để đích thân ông bãi bỏ mệnh lệnh mà ông đã giao cho người lính Onoda phải thực hiện gần 30 năm trước và yêu cầu Onoda ra đầu hàng.

Tháng 3/1974, Onoda xuất hiện từ trong rừng rậm trong bộ quân phục đã cũ nát của mình, gầy gò hốc hác nhưng vẫn kiên định như ngày nào. Trong lễ đầu hàng chính thức trước Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, ông Onoda đã giao nộp lại thanh gươm samurai mà ông đã giữ gìn cẩn thận trong suốt 30 năm qua.

Người lính kiên cường nhất Nhật Bản qua đời - 3

Onoda giao nộp thanh gươm samurai của mình trong lễ đầu hàng

Sau khi trở về nước, ông được chính phủ Nhật ân xá và nhận được những lời chào đón nồng nhiệt của người dân như một nhân vật anh hùng. Sau đó, ông mua một trang trại chăn thả gia súc ở Brazil, và tổ chức các khóa giảng dạy về kỹ năng sinh tồn trong tự nhiên ở Nhật Bản.

Trong một cuộc phỏng vấn với AP năm 1995, Onoda nói: “Tôi không coi 30 năm qua là sự lãng phí thời gian. Nếu không có trải nghiệm đó, tôi không thể có cuộc đời như ngày hôm nay.”

Ông cũng tiết lộ: “Giờ đây tôi làm mọi việc với nỗ lực nhanh gấp đôi để bù lại cho 30 năm đó. Tôi chỉ ước có ai đó ăn và ngủ thay tôi để tôi có thể làm việc 24 giờ một ngày.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN