Người H'Mông lạc sang Pakistan: Cuộc chạy trốn nơi xứ người

Ở Trung Quốc, hai tên chủ to lớn không cho đội của Pó tiếp xúc với những người ở đoàn sau. Chúng đánh đập dã man, "nhốt" những người H’ Mông từ Việt Nam sang làm thuê ở ngôi nhà nhỏ có tường rào cao gần 10 mét.

Vào tháng 12/2013, tờ báo Dawn.com của Pakistan đưa tin một người đàn ông đã bị cảnh sát Pakistan bắt giữ do đi vào lãnh thổ nước này. Phải đến hơn 10 ngày sau, người đàn ông trên mới bắt đầu nói chuyện nhưng bằng một thứ tiếng kỳ lạ khiến cảnh sát ở đây không thể hiểu được.

Với mong muốn giúp người này tìm được gia đình, đồn cảnh sát thị trấn Athmuqam, Pakistan đã đăng tải 1 đoạn clip đặc biệt để anh này nói bằng thứ tiếng của mình. Sau đó, nhân vật bí ẩn đã được xác định là Vừ Già Pó, một người dân tộc H’Mông, ở xã Khâu Vai, H.Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang của Việt Nam.

Trong video, Vừ Già Pó cho biết: Cách đây 2 năm, anh đã rời khỏi địa phương để sang Trung Quốc làm thuê. Sau đó đi lạc sang Pakistan.

Trở về nhà trong vòng tay của người thân, người đàn ông sinh năm 1977 này kể lại câu chuyện đầy ly kỳ về hành trình lưu lạc của mình.

Lời dụ dỗ hấp dẫn

Pó nhớ lại, hơn hai năm về trước, có một người đàn ông tên Vừ Sì Già xuất hiện ở bản Lũng Lầu, nói đi tìm anh em cùng họ hàng và rằng chỉ có anh em họ hàng thì ông ta mới giới thiệu cho đi sang Trung Quốc làm thuê với mức lương hấp dẫn. Và Pó là một trong những người trong danh sách đó.

Người đàn ông hứa hẹn rằng, nếu sang bên kia biên giới làm thuê, mỗi ngày Pó sẽ nhận được 70 nhân dân tệ, sau 3 tháng làm thuê sẽ nhận được số tiền là 18 triệu VNĐ mang về.

Người H'Mông lạc sang Pakistan: Cuộc chạy trốn nơi xứ người - 1

Pó kể về hành trình làm thuê ở Trung Quốc

Vốn sống trong cảnh túng thiếu, nghe lời mời gọi hấp dẫn, Pó và mấy anh em đã vượt biên trong đêm để sang bên kia biên giới. Để rồi hơn 1 năm sau, người em vợ của Pó là Ly Mí Tử trở về, còn anh Pó thì biệt tích.

Ngồi trò chuyện với Pó trong căn nhà của anh, chúng tôi mới biết được toàn bộ hành trình lưu lạc của anh, cùng với tất cả những hiểm nguy rình rập.

Pó cho biết: "Kể từ khi sang bên kia làm thuê, ban đầu người ta hứa hẹn trả công giá cao, nhưng sau một thời gian thì lại hoàn toàn trái ngược. Người ta lật lọng, rồi bảo ai chăm chỉ vác gỗ khỏe mới được 70 nhân dân tệ/ngày, còn ai vác bình thường thì rút xuống 50 nhân dân tệ/ngày".

Đội của Pó cũng đâu thể biết rằng, công việc đào ao nhẹ nhàng kiếm nhiều tiền như lời dụ dỗ ngon ngọt của Già thực chất lại là những công việc nặng nhọc, khổ cực hơn nhiều.

Bạo hành dã man

Thời gian làm việc bị các ông chủ tăng lên, bị bóc lột sức lao động, hết phá rừng rồi vác gỗ, ai cũng hốc hác, tiều tụy.

Những ngày làm thuê ở Trung Quốc, họ không được phép đi khỏi nơi làm việc. Những người H’Mông từ Việt Nam sang làm thuê bị "nhốt" ở một ngôi nhà nhỏ có tường rào cao gần 10 mét. Quanh năm suốt tháng như thế, đội của Pó đi làm thuê như những tù nhân thực thụ.

Người H'Mông lạc sang Pakistan: Cuộc chạy trốn nơi xứ người - 2

Pó trở về nhà sau 2 năm lưu lạc qua 12 nước

Ngày tên Già dẫn đoàn thứ hai vượt biên sang, mấy anh em Pó đến hỏi han về gia đình thì bị chúng trở mặt. Họ dẫn đoàn của Pó vào một ngôi nhà nhỏ rồi đưa bọn côn đồ về đánh đập dã man, kẻ có tên là Vư suýt nữa đã dùng dùi cui đâm mù mắt Pó, nhưng rất may Pó đỡ được.

Sợ đoàn làm thuê bỏ trốn về nước, chúng cho quân canh chừng nghiêm ngặt, hễ ai có ý định ra ngoài sẽ chịu hình phạt nặng. Vì vậy, cả đoàn đã tính bỏ đi trong đêm tối nhưng bị phát hiện.

Cuộc chạy trốn ở xứ người khiến cả nhóm Pó chạy tán loạn, rồi lạc nhau. 5 ngày sau khi trốn chạy khỏi cuộc truy lùng của những tên côn đồ, Pó bị lạc khỏi đoàn. Từ đây, anh bắt đầu cuộc hành trình lưu lạc đi 12 nước của mình.

-------------------------------

Mời độc giả đón đọc kỳ tiếp theo "Hành trình vượt dãy Himalaya của người lạc sang Pakistan" vào 10h00 thứ Tư, 14/5/2014.

Con đường dẫn anh đi về hướng mặt trời lặn trông gần giống đường biên mà trước đây anh vượt sang làm thuê. Bởi sự na ná giống ấy, Pó đã vô tình vượt dãy Himalaya hùng vĩ mà từ trước tới nay chưa có ai sống sót nếu không có một đồng xu dính túi hoặc không mang theo đồ ăn, thức uống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Gia Phan ([Tên nguồn])
Người H’Mông lạc sang Pakistan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN