Người đàn ông suốt 10 năm canh giữ “kho báu” từng được trả giá trăm tỷ ở Hà Nội

Sự kiện: Cây sưa

Suốt 10 năm qua, người đàn ông luôn túc trực để canh giữ khối tài sản từng được trả giá trăm tỷ cho dân làng, tránh khỏi sự nhòm ngó của kẻ gian.

“Báu vật” trăm tỷ của làng

Khoảng hơn 10 năm trước, gỗ sưa đỏ bỗng dưng trở thành thứ hàng cực “hot” trên thị trường. Người ta mua gỗ sưa để làm gì thì đến giờ vẫn là dấu hỏi lớn. Thế nhưng, nhiều thương lái sẵn sàng trả hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng để mua những cây sưa lâu năm.

Lô gỗ sưa được cất giữ trong thùng container để trong sân nhà văn hóa thôn Phụ Chính.

Lô gỗ sưa được cất giữ trong thùng container để trong sân nhà văn hóa thôn Phụ Chính.

Thôn Phụ Chính (xã Hoà Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) khi ấy được nhiều thương lái tìm đến, ô tô nối đuôi nhau ra vào làng. Lý do bởi trong thôn có một cây sưa tuổi đời hơn 100 năm, đường kính rộng hơn 1m trồng ở khuôn viên chùa Phụ Chính. Đây quả là một “báu vật” mà các thương lái gỗ sưa thèm muốn.

Thời điểm năm 2010, một nhánh của cây sưa bị gãy. Người dân đã bán khúc gỗ này cho một đại gia gỗ ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh) với giá 20,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên đường vận chuyển, số gỗ sưa này đã bị Công an huyện Chương Mỹ kiểm tra, tạm giữ. 5 năm sau, cơ quan chức năng đã trả số gỗ sưa cho chủ nhân và người dân cũng được trả lại số tiền bán sưa cộng cả gốc lẫn lãi được hơn 30 tỷ đồng.

Sau vụ bán gỗ sưa ấy, thương lái tìm đến thôn Phụ Chính hỏi mua cây sưa đỏ nhiều hơn. Họ nghĩ người dân đã bán cành thì sẽ bán cả cây, có người đã trả giá hơn 100 tỷ đồng tuy nhiên, dân làng nhất quyết không bán.

Cũng trong khoảng thời gian ấy, nhiều người lạ mặt thường xuyên xuất hiện ở thôn nhòm ngó, thăm dò hỏi mua cây sưa. Để bảo đảm an toàn, thôn Phụ Chính đã thành lập một tổ bảo vệ bao gồm công an xã, trưởng thôn, chi hội người cao tuổi… ngày đêm trông coi cây sưa. Ngoài việc trông coi ban ngày, ban đêm mọi người thay phiên nhau túc trực, canh giữ cây sưa.

Tuy nhiên, cuối năm 2013, vào một đêm trời mưa to, gió bão, trời mất điện tối om, mọi người đều ở trong nhà tránh trú thì một nhánh cây sưa đã bị kẻ gian cưa trộm. Người dân cảm thấy không ổn nên đã bàn bạc và thống nhất “mặc áo giáp” cho cây. Những thanh sắt to được hàn xung quanh gốc cây để chống kẻ gian cưa trộm.

Người canh giữ cây sưa ròng rã 10 năm

Ông Vũ Minh Giới (73 tuổi), Chi hội phó Hội người cao tuổi thôn Phụ Chính là một trong những người trong tổ bảo vệ được dân làng cử ra trông cây sưa đỏ từ năm 2010 khi nó được nhiều người quan tâm. Ông là người trông coi nhà văn hoá thôn nên đêm nào ông cũng ngủ ở đó, mà nhà văn hoá thì nằm cạnh ngay chùa Phụ Chính.

Nhiều đêm, ông Giới cùng những người trong tổ bảo vệ cây sưa đi tuần qua lại khu vực cây sưa. Hoặc đêm đang ngủ ông tỉnh dậy lên tầng 2 nhà văn hoá dùng đèn pin soi sang cây sưa theo dõi tình hình. Thấy cây sưa an toàn ông mới an tâm đi ngủ tiếp.

Ông Vũ Minh Giới - Chi hội phó Hội người cao tuổi thôn Phụ Chính là 1 trong 4 người giữ chìa khóa mở thùng container.

Ông Vũ Minh Giới - Chi hội phó Hội người cao tuổi thôn Phụ Chính là 1 trong 4 người giữ chìa khóa mở thùng container.

Tháng 1/2019, được sự đồng ý của chính quyền, người dân thôn Phụ Chính đã cho chặt hạ 2 cây sưa quý trước cổng chùa Phụ Chính, trong đó có cây sưa từng được thương lái trả giá hơn 100 tỷ đồng.

Thôn lập ra Ban Giám sát bán gỗ sưa cộng đồng thôn Phụ Chính để chịu trách nhiệm trong việc bán và chi tiêu số tiền bán gỗ, ông Giới được bầu làm Kế toán của Ban. Do số gỗ sưa chưa bán được nên cất giữ ở nhà văn hoá thôn. Ông Giới tiếp tục được dân làng tin tưởng giao cho việc trông coi lô gỗ sưa.

 Cây sưa từng được trả giá trăm tỷ ở chùa Phụ Chính được chặt hạ đầu năm 2019. Ảnh IT.

 Cây sưa từng được trả giá trăm tỷ ở chùa Phụ Chính được chặt hạ đầu năm 2019. Ảnh IT.

“Hồi mới chặt hạ, chưa bảo quản trong thùng container thì có tôi cùng 2 người nữa ngày đêm trông coi ở nhà văn hoá thôn. Sau đó, người dân họp bàn thống nhất mua thùng container về cất giữ cho an toàn thì thôn chỉ cử mình tôi trông coi”, ông Giới tâm sự.

Thùng container được khoá cẩn thận bằng 4 chiếc chìa khoá và giao cho 4 người khác nhau nắm giữ. Muốn mở container phải được sự đồng ý của Ban Giám sát bán gỗ sưa cộng đồng thôn Phụ Chính thì 4 người này mới tập hợp lại để mở.

Số tiền từ việc bán nhánh sưa bị gãy được người dân thôn Phụ Chính xây lại một ngôi chùa mới khang trang.

Số tiền từ việc bán nhánh sưa bị gãy được người dân thôn Phụ Chính xây lại một ngôi chùa mới khang trang.

Ông Giới là 1 trong 4 người nắm giữ chìa khoá để mở thùng container. Ông bảo, hơn 10 năm làm công việc trông giữ “kho báu” của thôn đầy vinh dự nhưng cũng cảm thấy đầy trách nhiệm. Ông làm việc cho làng, cho xã vì cái tâm, công cán chẳng là bao.

Hằng ngày, ông quanh quẩn ở nhà văn hóa, chỉ trưa và tối về nhà ăn cơm. Tối đến cơm nước xong xuôi, khoảng 20h ông lại ra nhà văn hóa ngủ để trông coi lô gỗ sưa.

Chúng tôi hỏi, một mình canh giữ khối tài sản trị giá cả trăm tỷ đồng có sợ gặp nguy hiểm không? Ông Giới đáp: “Nếu sợ tôi đã không làm. Nhà văn hóa nằm ở giữa làng, đối diện lại là trụ sở UBND xã nên các đồng chí công an thường xuyên đi tuần tra ngày đêm. Hơn nữa, gỗ sưa lại cất giữ trong thùng container muốn cẩu đi cũng khó. Camera được lắp xung quanh, nếu có người lạ tôi sẽ thông báo lên loa phát thanh của thôn ngay”.

Theo ông Đinh Văn Lai – Trưởng thôn Phụ Chính, trải qua 4 lần đấu giá, lô gỗ sưa được người dân định giá ban đầu khoảng 146 tỷ đã giảm xuống còn 138 tỷ đồng nhưng vẫn không có người mua. Dự kiến, lần đấu giá thứ 5 sẽ được tổ chức trong khoảng 1-2 tháng tới. Người dân sẽ tiếp tục hạ giá xuống còn khoảng 100 tỷ đồng với mong muốn bán được lô gỗ sưa đi.

Hình thức bán gỗ sưa là bán đấu giá công khai. Thôn Phụ Chính sẽ thuê Trung tâm Đấu giá (Sở Tư pháp Hà Nội) thực hiện đầy đủ các thủ tục theo đúng trình tự, quy định của pháp luật

Người dân đã chia gỗ làm 4 loại với các mức giá khác nhau. Cụ thể, loại 1 định giá khoảng 22 triệu đồng/kg; loại 2 giá khoảng 17 triệu đồng/kg; loại 3 giá 10 triệu đồng/kg và loại 4 giá khoảng 4,5 triệu đồng/kg.

Nguồn: [Link nguồn]

Chốt ngày mở bán đấu giá cây sưa quý từng được trả giá trăm tỷ

Người dân thôn Phụ Chính vừa mới “chốt” ngày bán đấu giá cây sưa quý hơn 100 năm tuổi. Cây sưa này từng được trả...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Cây sưa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN