Người dân nên làm gì khi gặp trận cuồng phong

Khi gặp giông lốc, gió mạnh, mưa lớn, người dân nên ngừng di chuyển, tìm ngay vị trí an toàn để trú ẩn. Đặc biệt, các phương tiện không lưu thông qua tuyến đường có nhiều cây xanh lớn; cầu cao… để đảm bảo an toàn.

Chiều tối 13.6, trận “cuồng phong” bất ngờ ập đến khiến hơn 1.000 cây xanh ở Thủ đô Hà Nội bị gãy đổ; 2 người bị tử vong do bị cây xanh đè phải. Nhiều nhà dân bị tốc mái, hư hại.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, thông thường, vào đầu mùa hè hoặc cuối mùa xuân bao giờ cũng xảy ra hiện tượng giông lốc. Giông mạnh do không khí bất ổn định kết hợp với nắng nhiều gây nên. Những trận giông mạnh thường kèm theo mưa lớn, sấm sét…Có những trận giông lốc kéo dài khoảng vài chục cây số, nhưng có trận giông lốc kéo dài đến cả trăm km.

Người dân nên làm gì khi gặp trận cuồng phong - 1

Trận “cuồng phong” xảy ra vào tối ngày 13.6, khiến gần 1.300 cây xanh bị gãy đổ, 2 người tử vong.

Người dân khi gặp hiện tượng này, nên tạm ngừng di chuyển, tìm đến các tòa nhà cao tầng tránh trú. Các phương tiện ô tô, xe máy nên hạn chế lưu thông qua những chiếc cầu cao. Người đi bộ không đứng trên các tòa nhà cao tầng trước và trong thời điểm mưa giông diễn ra.

Đặc biệt, các phương tiện không đi vào những tuyến phố có nhiều cây xanh lớn; không dùng điện thoại di động khi đang di chuyển trên đường.

“Khi giông lốc kéo đến, thường mang theo một luồng gió xoáy cực mạnh, do vậy, người dân không nên ra đường lúc này. Cây xanh bị quật đổ hoặc các đồ vật bị thổi bay có thể rơi trúng vào người dân bất cứ lúc nào”, ông Anh nói.

Ông Xuân Anh cho biết, ông quan sát một số video quay lại cảnh giông lốc tối ngày 13.6 thấy khi giông lốc đến nhiều người dân vẫn cố lưu thông trên đường. Và hậu quả là nhiều xe máy đã bị thổi bay, người dân bị ngã ra đường. Ông Xuân Anh cho rằng, trong trường hợp này người phải ngừng di chuyển ngay lập tức, thậm chí có thể bỏ xe máy bên đường chạy vào nơi an toàn để đảm bảo tính mạng.

Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho hay, khi giông lốc đến bao giờ cũng có hiện tượng sét, do đó, người dân tuyệt đối không trú mưa dưới gốc cây, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại.

Đối với những người đang lưu thông trên đường, cần chú ý quan sát các biển báo trên đường, nhất là biển báo nguy hiểm, biển báo dừng xe và các chướng ngại vật trên đường để kịp thời xử lý các sự cố, tránh gây tai nạn.

Khi trời đang mưa, người dân cần làm chủ tốc độ, tránh đi quá gần xe buýt hay xe có tải trọng lớn, vì bụi nước bắn ra từ các bánh sau của các phương tiện này có thể làm giảm tầm nhìn.

Phân tích về cơn giông lốc xảy ra vào chiều tối 13.6, Phó trưởng phòng Dự báo Khí tượng Hạn ngắn (Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thuỷ văn Trung ương), thạc sĩ Nguyễn Văn Hưởng cho hay, do ảnh hưởng của vùng thấp nóng mở ra ở mặt đất, trong khi đó, ở độ cao từ 3.000 đến 5.000m có khối không khí biển ẩm chuyển vào. Sự tương tác của nhiệt cao của vùng thấp phía Tây gây nắng nóng và ẩm của khối không khí biển đã tạo ra mây đối lưu mạnh. Hệ quả là mưa giông chiều ngày 13.6 tại Hà Nội.

Theo số liệu đo đạc của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, tại trạm Láng, thời điểm mưa giông có gió giật mạnh lên tới 20m/giây, tức khoảng gió giật cấp 8, ở Hà Đông gió 21m/giây, tức gió giật đầu cấp 9.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Giông lốc khủng khiếp tại Hà Nội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN