Ngư dân nhường nhau cơ hội sống

Thời điểm tàu NA 93391-TS bị bão tố đánh đắm thì cách đó không xa, một con tàu khác của ngư dân Quỳnh Lưu (Nghệ An) chở 7 người cũng bị sóng nhấn chìm.

24 giờ giành giật sự sống, trong cơn nguy khốn, phương tiện cứu sinh thiếu thốn, những ngư dân đã nhường cho nhau cơ may được sống.

Chúng tôi vừa bơi, vừa động viên nhau. Có lúc nản quá, Sơn bật khóc. Nó bảo: Em vừa cưới vợ được dăm tháng, nếu em chết vợ em sẽ rất khổ!

Vũ Văn Biên nhớ lại

Tàu chúng tôi neo đậu gần NA 93391-TS, gió mỗi lúc một dữ dội thêm nhưng không còn cách nào khác là tiếp tục bám trụ, chống chọi với bão tố. Khoảng 17h ngày 7/8, sau ba tiếng đồng hồ vật lộn với sóng dữ, tàu bị chìm”, Vũ Văn Biên, thuyền viên tàu NA 93789-TS kể.

Lúc bị văng xuống biển, một số thuyền viên đã kịp mặc áo phao. Riêng Biên, trên người anh chẳng có phương tiện cứu sinh. Chàng ngư phu đạp sóng, bơi đi tìm cho mình một tấm ván. Trong lúc loay hoay thì từ đâu một tấm xốp lớn dạt đến. Anh vớ lấy, ôm chặt. Cùng lúc đó, Nguyễn Xuân Sơn (thôn Đại Tân, xã Quỳnh Long) bạn chài của Biên xuất hiện. Trên người Sơn có áo phao. Hai người bám lấy tấm xốp bơi đi tìm các đồng nghiệp. Nhưng ngay lúc đó một cơn sóng dữ ập đến, cuốn hai thuyền viên trôi ra xa.

Ngư dân nhường nhau cơ hội sống - 1

Thuyền viên Vũ Văn Biên (trái), người thoát chết thần kỳ

Trong hoang mang tột đỉnh, Vũ Văn Biên ngoái lại nhìn con tàu lần cuối, song chẳng thấy gì ngoài những cột sóng cao ngất và trời thì mưa xối xả. NA 93789-TS là một con tàu lớn đối với ngư dân bãi ngang, trị giá trên 1,3 tỷ đồng, do bốn anh em Bùi Chuân, Lê Híu, Vũ Văn Biên và Trần Thắng cùng trú tại thôn Minh Thành góp vốn. “Tàu có 7 người, do anh Lê Híu (SN 1967) cầm lái. Anh Híu là người lão luyện sông nước, có kinh nghiệm đi biển lâu năm nhưng giữa lúc biển động dữ dội, tàu chết máy, rất khó chống chọi!”, Biên nói. Hai lần đi làm thuê ở Đài Loan về nước, gom góp được ít tiền và kết hợp với nguồn vốn vay mượn thêm, Biên cùng hàng xóm cùng chung đóng con tàu đánh cá làm kế sinh nhai.

Ngư dân nhường nhau cơ hội sống - 2

Chị Hằng mòn mỏi ngóng tin chồng

Màn đêm đen đặc bao trùm trên mặt biển, mưa tiếp tục trút xuống khiến hai thuyền viên lạnh cóng. “Chúng tôi vừa bơi, vừa động viên nhau. Có lúc nản quá, Sơn bật khóc. Nó bảo: Em vừa cưới vợ được dăm tháng, nếu em chết vợ em sẽ rất khổ!”, Vũ Văn Biên nhớ lại phút giây sinh tử, khi hai anh em lạc trong bão tố, bị sóng cuốn trôi đi trong vô định. Với Sơn, đây là chuyến đi đầu tiên trên tàu NA 93789-TS. Trước khi tàu rời bến lạch Quèn, như đã linh cảm điều chẳng lành anh cởi nhẫn cưới, lấy điện thoại giao cho chị Trần Thị Hằng (SN 1994), vợ anh.

20h đêm, trời lại nổi giông tố, gió giật mạnh, xé nát tấm xốp- vật cứu sinh duy nhất của thuyền viên Vũ Văn Biên ra làm 4 mảnh. Chàng ngư phủ luống cuống vơ vội hai mảnh xốp cuộn tròn lại, nằm đè lên, còn hai tấm kia anh nhường cho Sơn, mặc dù bạn chài của anh đã có phao cứu sinh. “Tiếp theo đó là những giờ phút căng thẳng nhất, đòi hỏi hai anh em phải luôn tỉnh táo giữ vững tinh thần, không được nao núng!”, Biên bảo. Để giữ sức, họ luân phiên nhau chợp mắt lấy sức cầm cự chờ trời sáng. Nhưng người này vừa thiếp đi một chốc, người kia đã phải lay dậy. Lúc đã rã rời, khi đã quá mỏi mệt sau gần chục tiếng đồng hồ vật lộn với sóng lớn, có thể giấc ngủ sẽ đưa thuyền viên vào trạng thái bất tỉnh và xuôi theo con nước.

Nhường nhau cơ hội sống

Nửa đêm, hai chàng ngư phủ đột nhiên bừng tỉnh. Họ phát hiện thấy ánh đèn le lói. “Thuyền câu!”, Sơn hét lên. Lập tức, chẳng ai bảo ai, Sơn và Biên đạp sóng bơi về phía ánh đèn. Nhưng giữa trùng khơi trong đêm đen thăm thẳm, ánh đèn lúc ẩn lúc hiện, lập lòe như đóm ma chơi. “Hay mình bị ảo giác?”, Biên tự hỏi. Không. Đó là ngọn đèn có thật. Nhưng càng cố bơi lại gần, ánh sáng càng lùi ra xa như đùa giỡn, như thách thức. Đang mải miết bơi thì họ lại phát hiện thấy một ngọn đèn khác nhấp nháy ở cự ly gần hơn, sáng hơn. “Hai anh em bảo nhau, đó là đèn chớp phao lưới của ngư dân đánh cá, bằng mọi cách phải bơi được đến đó, sẽ được cứu!”, Biên kể. Cắt sóng, lầm lũi bơi từ nửa đêm cho đến sáng ngày 8/8, khi đã cách bờ chừng dăm hải lý thì Biên và Sơn mới té ngửa nhận ra rằng đó là ánh đèn hải đăng trên cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Ngư dân nhường nhau cơ hội sống - 3

Căn nhà nghèo nàn của anh Nguyễn Xuân Sơn

Suốt đêm ôm chặt tấm xốp, bị sóng đánh trồi lên tụt xuống nhiều lần, da thịt thuyền viên lâm nạn rách ra từng mảng, toàn thân đau ê ẩm, các khớp xương có cảm giác sắp rơi rụng. Bình minh lên, mặt biển đã yên ắng trở lại. Thấy Biên mệt, Sơn bảo: “Anh mặc áo phao của em vào đi, để em giữ tấm xốp cũng được!”. Sơn trao áo phao cho Biên, rồi anh nằm úp mặt lên tấm xốp, hai chân buông xuống nước. Họ không còn sức để đạp nước nữa, buông mình theo dòng hải lưu. Mặt trời đứng bóng, Biên lại chủ động cởi áo phao trao lại cho sơn. “Chú mặc vào đi! Chú yếu hơn anh! Anh còn cầm cự được.

Thuyền viên Vũ Văn Biên cho biết, sau khi được thuyền của ngư dân Quảng Trị cứu sống, anh được chuyển sang tàu của Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Nghệ An và anh cùng các chiến sỹ Biên phòng đi tìm kiếm thuyền viên Nguyễn Xuân Sơn. Mười bốn thuyền viên tàu NA 93391-TS, NA 93789-TS sau khi được cứu vớt, đưa vào chăm sóc tại đồn Biên phòng cảng Vũng Áng. Sau khi bình phục, các thuyền viên trở về đoàn tụ với gia đình.

“Em mệt quá rồi, Biên ơi! Em không còn sức nữa! Chết mất thôi”, giọng Sơn thều thào. “Tao cũng đuối quá rồi! Nhưng anh em ta phải cố! Đừng ngủ nhé!”, Biên bảo. Nói rồi anh nhìn sang Sơn, chàng ngư phủ gân guốc giờ héo như tàu lá. Anh lấy một tấm xốp choàng lên đầu Sơn, che nắng. Sợ thiếp đi lúc nào không hay, sợ tuột mất Sơn, Biên choàng tay qua người anh. Lúc này trời đã yên, biển lặng, cánh tay mỏi mệt choàng lên người, họ có thể giữ được nhau. Hai ngư phủ thiếp đi lúc nào chẳng hay.

15h ngày 8/8. Vũ Văn Biên tỉnh dậy, anh quờ tay tìm Sơn, chợt giật mình vì không thấy Sơn đâu. Gượng nhìn ra xung quanh, Sơn đang nổi dập dềnh cách đó không xa. “Sơn ơi! Tuột tay rồi!”, Biên mấp máy. Một phút, hai phút trôi qua. Im lặng. Chợt Sơn ngẩng đầu lên nhìn bạn. Ánh mắt tê dại, khẩn cầu. Lát sau, anh úp mặt xuống tấm xốp, bất động. Biên gắng sức đạp nước bơi về phía bạn. Nhưng anh không thể cử động được nữa. Chỉ vài sải tay thôi nhưng sao thấy xa vô tận.

“Mình kiệt sức rồi. Sóng không lớn, nếu trôi thế này thì hai anh em sẽ ở gần nhau thôi!”, Biên thoáng nghĩ rồi thiếp đi, bất tỉnh. 17h, một chiếc thuyền thả lưới từ đâu ghé đến, vớt Vũ Văn Biên lên thuyền. Lúc đó, anh có thể nhìn thấy, nghe được, nhưng không nói được vì đã kiệt sức sau 24 giờ lênh đênh trên biển. Anh chậm rãi đưa tay ra hiệu còn một người bạn ở dưới nước, đâu đó trong vùng biển này, nhưng không ai hiểu anh muốn nói gì.

“Răng anh chưa về?”

Thuyền cứu sống Vũ Văn Biên là của ông Bùi Đình Dũng (Gio Linh, Quảng Trị). “Không nói được, tôi cố gắng ra hiệu cho chiếc thuyền đánh cá đi tìm Nguyễn Xuân Sơn, nhưng mọi người trên thuyền lắc đầu. Họ bảo: “Đội tàu của chúng tao đã tìm thấy 14 người bị nạn rồi. Đừng lo!”, Biên kể. Nếu chiều 8/8 không được tìm thấy, nếu cứ tiếp tục bị nước cuốn đi khi đã kiệt sức, có thể màn đêm xuống anh cũng sẽ mất tích như đồng nghiệp của mình. Bao nhiêu sức lực, chàng ngư phủ dồn hết trong 24 giờ chống chọi với bão tố, không thể trụ nổi qua đêm tiếp theo nữa, vì đói, vì khát. “Giá như tôi và Sơn cứ cầm cự, đừng phí sức bơi về phía ánh đèn, thì giờ này chắc Sơn đã cùng tôi trở về!”, Biên bật khóc.

Căn nhà nghèo nàn của thuyền viên Nguyễn Xuân Sơn tại thôn Đại Tân (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu), không khí ảm đạm, lo âu bao trùm. Vừa cưới nhau hồi đầu năm 2013, vợ chạy chợ, chồng đánh cá, cuộc sống của đôi bạn trẻ êm đềm chưa được bao năm thì từ biển cả bỗng nổi bão táp, phong ba. Chị Hằng rũ rượi đứng trên bậc thềm mong ngóng tin chồng, nhác thấy bóng anh Vũ Văn Biên đến thăm chị liền lao đến, khóc tức tưởi: “Hai anh cùng đi với nhau, anh thì đã về, răng chồng em chưa thấy về?”.

Đã sáu ngày trôi qua. Sáu ngày vật vã, đớn đau. Hằng vẫn nuôi hy vọng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Long (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN