Nghề buộc phải "gần nhau" trong những ngày cần "xa nhau"

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Theo chân tổ lấy mẫu xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) một ngày mới thấy hết nỗi vất vả, khẩn trương, ẩn chứa nhiều nguy cơ lây nhiễm từ các khu cách ly.

Một ngày lấy hơn 200 mẫu

6h sáng, không gian trước cổng Bệnh viện Đa khoa Can Lộc rất yên ắng bởi rất ít bệnh nhân đến khám bệnh như ngày thường, tổ 3 nhân viên (2 nữ, 1 nam) lặng lẽ rời bệnh viện bằng xe máy với lỉnh kỉnh đồ đạc. 

Họ là tổ lấy mẫu xét nghiệm ở các khu cách ly tập trung. Họ có mặt sớm từ bệnh viện bởi sau mỗi ngày lấy mẫu, họ phải về ở phòng cách riêng tại bệnh viện.

30 phút sau, họ có mặt tại Trường Mầm non Quang Lộc. Trong khi các công dân đang tất bật với bữa sáng thì họ lặng lẽ thay trang phục bảo hộ "đặc chủng". Người lấy bộ kit, người đối chiếu danh sách, người kiểm tra dụng cụ đè lưỡi... Tất cả đều được sắp xếp ngăn nắp, thứ tự.

Anh Quốc Hiệp (bìa trái) trao tặng một số dụng cụ bảo hộ cho tổ xét nghiệm

Anh Quốc Hiệp (bìa trái) trao tặng một số dụng cụ bảo hộ cho tổ xét nghiệm

7h sáng, khi các công dân đã ăn sáng xong, dưới sự giúp sức của cán bộ y tế địa phương và các lực lượng tại chỗ, họ nhanh chóng về khu vực lấy mẫu. Nhìn qua tấm gương chống giọt bắn, ánh mắt tập trung cao độ cho một công việc khá nguy hiểm nhưng rất thân thiện. Khi người phụ trách xướng tên từng lượt, các cán bộ lấy mẫu rất thành thục, rành rọt vừa hướng dẫn vừa thao tác lấy mẫu. 

Nghề không cho phép được đứng xa mà phải tiếp xúc rất gần, phải lấy được mẫu dịch họng bằng tăm bông, phải đưa lên ngắm để chắc chắn là đã lấy được mẫu rồi nhanh chóng bỏ vào lọ thủy tinh, dùng kéo cắt phần thừa của tay cầm rồi đậy nắp, vặn chặt.

 Cứ thế, gần 40 mẫu được nhanh chóng lấy trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ. Các mẫu được niêm phong kín bằng dụng cụ chuyên dụng.

Xong việc, mỗi người một chỗ lột bỏ bộ đồ bảo hộ đúng quy trình, bỏ hết vào túi bóng rồi mang đến thùng rác y tế, cởi bỏ găng tay rồi nhanh chóng sát khuẩn tay. Những giọt mồ hôi lấm tấm nhưng không ai vội lau. Phải đảm bảo tay "vô trùng" tuyệt đối trước khi gạt những giọt mồ hôi và nở nụ cười hiếm hoi.

Họ phải tuân thủ nghiêm ngặt các thao tác chuyên môn.

Họ phải tuân thủ nghiêm ngặt các thao tác chuyên môn.

Họ lại lên đường đến xã Sơn Lộc. Chưa ra khỏi địa phận xã Quang Lộc thì trời bất chợt đổ mưa. Tạt vội ven đường mặc áo mưa rồi họ đi tiếp. Khi chúng tôi đến Sơn Lộc thì họ đã kịp lấy xong hơn 10 mẫu và đã "hành quân" đến Trường Mầm non Đồng Lộc để lấy hơn 10 mẫu xét nghiệm.

Chúng tôi vượt lên Đồng Lộc. Đến nơi, họ đã lấy xong và đang ăn tạm suất cơm hộp mà xã Đồng Lộc chuẩn bị. Chờ họ ăn xong, tặng vội cho họ một số bộ đồ bảo hộ y tế và kính chống giọt bắn rồi lập tức lên đường về xã Mỹ Lộc cách đó chừng 5km. Họ phải đi xuyên trưa bởi phải vào nhà 3 công dân cách ly tại nhà trong buổi trưa, để dành nguyên cả buổi chiều kịp lấy 154 mẫu tại điểm cách ly Trường MN Mỹ Lộc, kịp xét nghiệm sàng lọc trước khi họ được trở về nhà.

Phải an toàn cả trong ý nghĩ

Chị Trần Thị Lan, cử nhân, kĩ thuật viên trưởng cho biết: "Để chuẩn bị cho công tác cách ly, chúng tôi đã được tập huấn lấy mẫu từ CDC Hà Tĩnh, những ngày đầu, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh còn cử cán bộ về cầm tay chỉ việc và giám sát nhưng sau đó chúng tôi có thể tự mình thành thục các thao tác, đảm bảo chuẩn xác 100% các mẫu".

Ông Nguyễn Văn Dũng, cử nhân xét nghiệm cho biết thêm: "Xác định việc lấy mẫu bệnh lây nhiễm với chủng virus SARS-CoV-2 là một công việc nguy hiểm. Với hơn 1.600 mẫu trong toàn huyện phải lấy mà không biết là ai nhiễm ai không nên chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các thao tác chuyên môn như ở phòng thí nghiệm, nhất là quy trình mặc và cởi đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn tuyệt đối không cho virus có cơ hội bám vào quần áo, dụng cụ để phòng tránh lây chéo. Ngay cả trong một điểm cách li, nếu lấy mẫu cho từng nhóm đối tượng cách li khác nhau đều phải có sự phân công cụ thể cho từng thành viên. Nếu bất khả kháng, chị em chúng tôi buộc phải thay bộ đồ bảo hộ khác để an toàn tuyệt đối".

Đây là công việc nguy hiểm

Đây là công việc nguy hiểm

"Phải an toàn ngay cả trong ý nghĩ và tâm lý bởi ngoài việc phải có thao tác, cừ chỉ điệu bộ bộ, lời nói, ánh mắt phải làm cho người được lấy mẫu an tâm nhất. Mặc dù, trong lần xét nghiệm trước đó cho kết quả nghi ngờ và hầu như chắc chắn nhiễm như BN210, khi lấy xét nghiệm lại lần 2, lần 3 thì chúng tôi cũng không để biểu lộ sự khác lạ. Nhiều trường hợp, người được lấy mẫu nôn ọe, ho khi que lấy mẫu làm ngứa họng thì chúng tôi cũng phải rất bình tỉnh xử lý", cử nhân xét nghiệm Lê Thị Thanh Hoài chia sẻ.

Chị Trần Thị Lan cho biết thêm: "Ngoài việc làm an tâm cho người được lấy mẫu, chúng tôi còn thật sự phải biết cách làm an tâm cho những người trong cơ quan, gia đình bởi ai cũng lo lắng cho chúng tôi khi phải tiếp xúc gần với 100% số người cách ly tập trung và tất cả người trở về từ Bệnh viện Bạch Mai cách ly tại nhà".Đồ họa: Hoàng Việt

Đồ họa: Hoàng Việt

Nguồn: [Link nguồn]

Nữ điều dưỡng mắc Covid-19: Đó là quãng thời gian khó khăn nhất tôi từng trải qua

Nữ điều dưỡng tại Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ sự tận tình của đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Việt ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN