Nga sắp mở lại siêu căn cứ ở Cuba để do thám Mỹ?

Căn cứ tình báo ngay sát nách nước Mỹ có thể chặn được rất nhiều tín hiệu mật của Washington.

Ngày 16/7, tờ Kommersant của Nga dẫn lời các nguồn tin chính phủ cho biết Nga và Cuba vừa đạt được một thỏa thuận mở lại căn cứ tình báo điện tử lớn nhất một thời ở Lourdes (Cuba) vốn bị đóng cửa vào năm 2001 do các khó khăn về tài chính và bị Mỹ gây sức ép.

Sau khi đi vào hoạt động, căn cứ tình báo điện tử này sẽ là nơi hoạt động của hàng ngàn nhân viên tình báo và quân sự Nga, những người có nhiệm vụ nghe lén các tín hiệu mà Mỹ gửi đi hoặc nhận được, đồng thời cung cấp tín hiệu liên lạc cho các tàu thuyền Nga hoạt động ở tây bán cầu.

Nga sắp mở lại siêu căn cứ ở Cuba để do thám Mỹ? - 1

Ảnh vệ tinh của căn cứ tình báo Lourdes

Nga đã từng xem xét việc mở lại căn cứ Lourdes vào năm 2004, tuy nhiên mãi tới tuần trước, họ mới đạt được thỏa thuận với Cuba trong khuôn khổ chuyến công du của Tổng thống Vladimir Putin tới quốc đảo này.

Một nguồn tin chính phủ Nga xác nhận thông tin này và cho biết tầm quan trọng của thỏa thuận trên là khó có thể đo đếm được.

Căn cứ tình báo điện tử Lourdes ở ngoại ô thủ đô Havana chỉ nằm cách đất liền nước Mỹ 250 km và được Liên Xô xây dựng vào năm 1967. Trong thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh, nó là trung tâm tình báo điện tử lớn nhất của Liên Xô hoạt động ở nước ngoài với 3.000 nhân viên vận hành.

Từ căn cứ này, tình báo Nga có thể chặn các cuộc liên lạc trên gần như toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ, trong đó có cả những tín hiệu mật giữa các trạm điều khiển ở Florida với các tàu vũ trụ Mỹ.

Năm 1993, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Cuba Raoul Castro tiết lộ rằng Nga đã chặn được 75% các tín hiệu tình báo của Mỹ thông qua căn cứ Lourdes.

Nga sắp mở lại siêu căn cứ ở Cuba để do thám Mỹ? - 2

Một ăng-ten khổng lồ trong căn cứ Lourdes hướng về phía nước Mỹ

Sau khi Liên Xô sụp đổ, quy mô của siêu căn cứ này dần bị thu hẹp lại nhưng vẫn tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, khi Nga trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1998, Moscow bắt đầu gặp khó khăn trong việc trả hàng trăm triệu dollar tiền thuê căn cứ Lourdes mỗi năm cho Cuba.

Đến năm 2000, khi Hạ viện Mỹ thông qua Đạo luật Tín nhiệm và Hợp tác Mỹ-Nga ra điều kiện Mỹ không xóa bất cứ khoản nợ nào cho Nga nếu căn cứ Lourdes không bị đóng cửa. Trước các sức ép trên, Nga buộc phải đóng cửa căn cứ này vào năm 2001.

Dự kiến căn cứ Lourdes sau khi được mở cửa trở lại sẽ cần ít nhân lực vận hành hơn, bởi nó sẽ được trang bị các thiết bị trinh sát, do thám hiện đại được tự động hóa cao.

Chuyên gia phân tích quân sự Viktor Murakhovsky nhận định: “Việc Nga quay trở lại căn cứ Lourdes có ý nghĩa rất quan trọng. Với tiền đồn ngay sát nách Mỹ như thế này, quân đội Nga có thể thực hiện nhiệm vụ tốt hơn mà không cần phải dàn ra một loạt vệ tinh do thám trên bầu trời.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo RT) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN