Mỹ sẽ bán vũ khí sát thương nào cho Việt Nam?

Dù không đưa ra các loại vũ khí tấn công hiện đại, song Mỹ có trong tay nhiều vũ khí phòng thủ có thể trang bị cho Việt Nam.

Ngày 2/10, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay nước này đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nhằm giúp Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải sau gần 40 năm áp đặt lệnh cấm này.

Mỹ sẽ bán vũ khí sát thương nào cho Việt Nam? - 1

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (trái) và người đồng cấp Mỹ John Kerry

Với quyết định này của Washington, từ nay các hãng sản xuất vũ khí của Mỹ sẽ có thể lần đầu tiên bán các hệ thống phòng thủ trên biển cho Việt Nam kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975.

Vũ khí thông thường được chia làm 2 loại là vũ khí sát thương và phi sát thương. Theo định nghĩa của NATO, vũ khí phi sát thương là những vũ khí được thiết kế và phát triển nhằm vô hiệu hóa hoặc trấn áp đối phương nhưng gây ra khả năng chết người hoặc bị thương vĩnh viễn thấp, hoặc để vô hiệu hóa thiết bị mà gây ra thiệt hại tối thiểu hay tác động ít nhất tới môi trường.

Những loại vũ khí như lựu đạn hơi cay, lựu đạn choáng, đạn cao su... được xếp vào dạng vũ khí phi sát thương, còn tất cả các loại vũ khí khác như súng, xe tăng, chiến đấu cơ, tên lửa, tàu chiến... được xếp vào dạng vũ khí sát thương.

Trong vũ khí sát thương, người ta lại chia thành 2 loại là vũ khí tấn công và vũ khí phòng thủ. Theo ông Jon Grevatt, chuyên gia của tờ IHS Jane’s, Mỹ sẽ không lập tức bán các loại vũ khí tấn công tối tân cho Việt Nam ngay sau khi dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận đã tồn tại gần 40 năm qua.

Ông nói: “Bước đầu tiên sẽ là các hệ thống phòng thủ biển chứ không phải các loại vũ khí tấn công. Sẽ không có những lô hàng kiểu chiến đấu cơ F-16, điều đó rất khó xảy ra”.

Mỹ sẽ bán vũ khí sát thương nào cho Việt Nam? - 2

Chiến đấu cơ F-16 sẽ không nằm trong danh mục vũ khí Mỹ bán cho Việt Nam?

Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định rằng những loại vũ khí nào bán cho Việt Nam sẽ được phía Mỹ xem xét theo từng trường hợp một và chỉ nhằm mục đích phòng thủ, bảo vệ chủ quyền, an ninh biển.

Tuy nhiên, ngoài các loại vũ khí tấn công, Mỹ còn có rất nhiều loại vũ khí sát thương phục vụ mục đích phòng thủ “đáng sợ” khác. Theo ông Grevatt, nhiều khả năng Việt Nam sẽ nhận được máy bay trinh sát săn ngầm P-3 Orion (không mang vũ khí) và các hệ thống radar Raytheon đầu tiên từ Mỹ trong thời gian tới.

Ông Grevatt cho rằng Việt Nam sẽ mua các loại vũ khí này vì chúng là “những vũ khí phòng thủ tốt nhất trên thế giới”, dù đây chỉ là những phiên bản cũ đã được phát triển từ cách đây khá lâu, và nhiều khả năng Mỹ cũng sẽ không chia sẻ công nghệ với Việt Nam giống như các đối tác ở châu Âu.

P-3 Orion là loại máy bay 4 động cơ cánh quạt được hãng Lockheed Martin chế tạo cho hải quân Mỹ như một loại máy bay trinh sát biển và săn ngầm hiệu quả vào năm 1962, trong thời kỳ nổ ra cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân ở Cuba.

Mỹ sẽ bán vũ khí sát thương nào cho Việt Nam? - 3

"Sát thủ săn ngầm" P-3 Orion của hải quân Mỹ

“Sát thủ săn ngầm” P-3 Orion được trang bị một thiết bị Dò tìm Biến dị Từ trường (MAD) gắn ở sau đuôi chuyên phát hiện các động thái của tàu ngầm dưới mặt biển, cùng hệ thống cảm biến âm thanh hiện đại có thể bắt được âm thanh tàu ngầm phát ra từ độ sâu hơn 300 mét dưới mực nước biển.

Ngoài ra, P-3 Orion còn được tích hợp hệ thống cảm biến ảnh đa chiều hiện đại của hãng Raytheon cùng rất nhiều loại cảm biến tầm xa khác, đến mức cần phải có tới 11 người trong khoang mới vận hành hết các hệ thống này.

Trong suốt 50 năm hoạt động trong quân đội của nhiều nước trên thế giới, P-3 Orion luôn được trang bị những hệ thống trinh sát mới nhất và hiện đại nhất. Trong thực tế, P-3 Orion là một trong những loại máy bay vô cùng hiếm hoi vẫn được lực lượng không quân các nước ưa chuộng sau hơn nửa thế kỷ phục vụ.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ám chỉ rằng trong thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục bán các loại vũ khí hiện đại hơn cho Việt Nam, trong đó có các hệ thống trên không và cả tàu chiến. Điều này phù hợp với mục đích xây dựng “quan hệ đối tác chiến lược” của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà Việt Nam là một trọng tâm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo CNBC) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN