Mỹ đòi trục xuất nhà ngoại giao Ấn "cởi đồ"
Chính quyền Mỹ đã quyết định truy tố nhà nữ ngoại giao Ấn Độ Khobragade và yêu cầu bà này rời khỏi Mỹ ngay lập tức.
Ngày 9/1, nhà nữ ngoại giao Ấn Độ, tâm điểm của cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Mỹ và Ấn Độ trong hơn một tháng qua sau vụ bắt giữ và “lột đồ” để khám xét ở New York đã bị phía Mỹ truy tố với tội danh làm giả visa và bị chính phủ Mỹ yêu cầu về nước ngay lập tức.
Một quan chức chính phủ Mỹ cho biết Washington đã chấp nhận yêu cầu của phía Ấn Độ phê chuẩn quyết định điều chuyển Phó Tổng lãnh sự Ấn Độ Devyani Khobragade tới sứ bộ Liên Hợp Quốc, tuy nhiên sau đó Mỹ lại yêu cầu Ấn Độ từ bỏ quyền miễn trừ ngoại giao đối với bà này. Phía Ấn Độ từ chối đề nghị đến, và kết quả là Washington đã buộc bà Khobragade phải rời khỏi nước Mỹ ngay lập tức.
Bà Khobragade bị yêu cầu rời khỏi nước Mỹ ngay lập tức
Trong thông báo truy tố bà Khobragade, ban đầu Chưởng lý Preet Bharara đã tuyên bố rằng bà Khobragade đã rời khỏi nước Mỹ, tuy nhiên sau đó người phát ngôn của Bharara khẳng định bà này vẫn chưa về nước. Luật sư của bà Khobragade cũng xác nhận rằng bà đang ở Mỹ cùng với các con.
Hiện đại sứ quán Ấn Độ tại Mỹ và sứ bộ tại Liên Hợp Quốc vẫn chưa có bất cứ bình luận gì về yêu cầu này của phía Mỹ.
Bà Khobragade bị bắt giữ từ hôm 12/12 với cáo buộc làm giả visa và khai man về mức lương mà bà trả cho một người giúp việc. Thông tin về việc bà này bị bắt giữ, còng tay và bị lột truồng khám xét đã khiến dư luận Ấn Độ giận dữ và phản đối quyết liệt. Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Ấn Độ cũng ngày một xấu dần đi khi căng thẳng trong vụ việc này leo thang.
Giận dữ với cách thức nhà chức trách Mỹ đối xử đối với nhân viên ngoại giao của mình, chính phủ Ấn Độ đã tước bỏ nhiều đặc quyền của các nhà ngoại giao Mỹ tại New Delhi và ra lệnh cho đại sứ quán Mỹ đóng cửa một câu lạc bộ dành riêng cho người Mỹ ở đây. Ấn Độ cũng đe dọa sẽ có thêm nhiều biện pháp trừng phạt ngoại giao nữa nếu bà Khobragade phải ra hầu tòa.
Việc bà Khobragade rời nước Mỹ sẽ tháo gỡ vướng mắc trong cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay giữa New Delhi và Washington, tuy nhiên tác động của nó có thể sẽ còn ảnh hưởng lâu dài đến quan hệ giữa hai cường quốc này.
Vụ việc này đã bộc lộ những vấn đề tiềm tàng trong quan hệ giữa hai nước đóng vai trò là “đối tác trong thế kỷ 21” của nhau. Các nhà phê bình đã chỉ trích Tổng thống Obama không quan tâm đến việc giữ quan hệ với Ấn Độ, quốc gia được coi là đối trọng chiến lược đối với sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc ở châu Á.
Ông Daniel Markey, chuyên gia cấp cao chuyên nghiên cứ về tình hình Ấn Độ, Pakistan và Nam Á tại Hội đồng Đối ngoại Mỹ cho rằng vụ Khobragade chứng tỏ chính quyền Obama đã không quan tâm đúng mức đến các vấn đề với Ấn Độ.
Ông nói: “Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao họ không xử lý vụ việc này một cách tinh tế và khôn ngoan hơn, bởi mọi việc có thể được giải quyết hiệu quả hơn nhiều. Vấn đề này có thể đã được tháo gỡ nhanh hơn rất nhiều và gây ra ít sóng gió hơn.”
Trong một hội thảo tổ chức hôm thứ Năm, ông Ron Somers, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Ấn cho rằng chính “sự vụng về của cả hai bên” đã làm phức tạp hóa và trầm trọng hóa vụ Khobragade.
Dù sao đi nữa, vụ việc này cũng là một bài học đắt giá cho cả Mỹ và Ấn Độ rằng để xây dựng quan hệ đối tác chiến lược không chỉ dựa vào những cam kết hay lời nói suông mà phải có lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau trong giải quyết các vấn đề bất đồng.