Mưu sinh trên hồ Hòa Bình, bài 4: Làm du lịch ở bản Mường

Sự kiện: 24h vạn dặm

Có một sự hòa quyện tuyệt vời giữa vẻ đẹp nên thơ, thoáng đạt của hồ Hòa Bình với sự nhiệt tình, hiếu khách một cách dung dị của người Mường. Những cái tên như bản Đá Bia, xã Tiền Phong; xóm Ké, xã Hiền Lương, xóm Sưng, xã Cao Sơn… (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) là những địa chỉ đáng để ghé thăm trên hành trình đến với hồ Hòa Bình.

Bản Mường bên mép hồ

Từ Hà Nội, ngược theo QL 6 hơn 60km, rồi rẽ về quốc lộ 21A sẽ đến thị trấn Đà Bắc. Tiếp tục quanh co theo tỉnh lộ 433 uốn lượn ven hồ Hòa Bình hơn 40km nữa, chúng tôi đến được làng homestay - bản Đá Bia (xóm Đức Phong, xã Tiền Phong). Thiên nhiên ban tặng cho nơi đây phong cảnh đẹp nên thơ, cùng với con người thật thà, dung dị, mến khách. Đặc biệt, nơi đây còn rất nhiều những ngôi nhà sàn cổ, những phong tục tập quán còn mang đậm nét nguyên sơ của đồng bào dân tộc Mường.

Đến với bản Đá Bia, du khách có thể đi bộ, đạp xe xuyên rừng qua các con suối nước trong vắt, thưởng thức không khí trong lành...

Đến với bản Đá Bia, du khách có thể đi bộ, đạp xe xuyên rừng qua các con suối nước trong vắt, thưởng thức không khí trong lành...

Vừa thấy khách đến nhà, cô chủ homestay Quang Thọ, Lò Thị Thúy đang lau dọn bàn ghế liền dừng tay, rót nước mời khách. “Đá Bia chúng em có 5 hộ kinh doanh homestay. Nhà của em có 1 sàn đón được 12 khách. Hiện tại, vào cuối tuần bản kín khách, tất cả các hộ kinh doanh homestay đều có sự chia sẻ kết nối với nhau, nhà này khách đông chia sẻ cho các nhà khác” - Thúy chủ động giới thiệu về bản Đá Bia.

Theo ông Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, mỗi năm, huyện đón gần 100 nghìn lượt khách, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân sinh sống ven hồ. “Huyện đã xây dựng Đề án phát triển du lịch huyện Đà Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của đề án nhằm cụ thể hóa các định hướng quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh, đưa Đà Bắc trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập của cộng đồng dân cư và tăng thu cho ngân sách Nhà nước”, ông Lường Văn Thi nói.

Thúy cho biết, mới đây, mỗi hộ dân làm du lịch được hỗ trợ 100 triệu đồng từ dự án của AOP (Action on Poverty - một tổ chức phi chính phủ của Úc) để sửa sang nhà, đầu tư trang thiết bị. Từ tiền hỗ trợ, các hộ dân sửa lại nhà sàn, tạo nên không gian sinh hoạt chung của người Mường. Khách được bố trí theo từng gian, có rèm che ngay ngắn. Mỗi người được trang bị đệm, gối, chăn, màn và một chiếc đèn tre nhỏ xinh đầu giường. “Đến nghỉ dưỡng nơi đây, mỗi khách chỉ phải trả 100 nghìn đồng tiền phòng và suất ăn từ 100 đến 120 nghìn đồng”, Thúy chia sẻ.

Mô hình quán tự giác tại xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc

Mô hình quán tự giác tại xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc

Sau khi tham quan xong nhà sàn, Thúy dẫn chúng tôi xuống bến thuyền và giới thiệu về cung đường đến với bản Đá Bia. “Đến với bản Đá Bia, du khách có thể đi theo đường thủy hoặc đường bộ đều rất thuận tiện. Đi đường thủy lên với bản Đá Bia khách được ngắm vẻ kỳ vĩ huyền ảo của hồ Hòa Bình với làn nước trong xanh thơ mộng. Còn đi đường bộ, được trải nghiệm qua từng cung đường quanh co ven hồ rợp bóng cây xanh, cỏ hoa, một bên là hồ mênh mang thăm thẳm…”, Thúy giới thiệu một cách thuần thục, đầy cảm xúc.

Bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch

Để có sự trải nghiệm đầy đủ về vùng đất Đá Bia, chúng tôi men theo con đường lát đá nhuốm màu rêu phong của núi rừng để đến homestay Ngọc Nhềm. Cô chủ Bùi Thị Nhềm là một trong những người đầu tiên làm du lịch cộng đồng ở Đá Bia. Nhềm nói, trước đây, Đá Bia là một xóm nhỏ với vài chục hộ dân. Khi chưa có đường, nơi đây là một ốc đảo biệt lập bởi núi rừng và sông nước. Các cơ quan Nhà nước và các tổ chức quốc tế đã nhận thấy tiềm năng du lịch cộng đồng nên đã hỗ trợ người dân trong bản sửa chữa nhà để kinh doanh phát triển du lịch. “Dù được cải tạo lại nhưng nhà của các hộ dân trong bản vẫn giữ nguyên kiến trúc nhà sàn truyền thống”, chị Nhềm cho hay.

Vẻ đẹp của bản Đá Bia

Vẻ đẹp của bản Đá Bia

Có nhà làm du lịch phù hợp rồi, các hoạt động nghỉ dưỡng, trải nghiệm của khách cũng được tính toán kỹ lưỡng. “Đặc trưng của homestay ở đây là để du khách trải nghiệm, hòa trong không khí thiên nhiên, văn hóa đặc trưng của người Mường. Du khách có thể làm nương, làm rẫy, bắt cá suối… với gia đình chúng tôi. Món ăn làm từ cá, thịt rất tự nhiên cùng hạt dổi, vị ngọt ngào của măng rừng, vị đắng đắng là lạ của các loại rau rừng...”, chị Nhềm giới thiệu.

Không chỉ có những món ăn ngon, cảnh đẹp, đồng bào Mường ở đây đang phát huy những nét đặc sắc của văn hóa, tạo thêm sự trải nghiệm cho du khách. “Chúng tôi đang phục hồi lại những nét văn hóa của người Mường, những làn điệu múa, hát, nhảy sạp đặc trưng. Trong đó, phục hồi mô hình “Quán tự giác” - một nét văn hóa xưa của người Mường”, chị Nhềm cho biết.

Gọi là “Quán tự giác” vì quán không có người ngồi bán hàng. Mọi người đến mua hàng tự trả tiền vào sọt theo giá niêm yết. “Các cụ trong bản kể rằng, có nhiều khách đến tham quan thấy quán bày bán nhiều đồ đặc sản quý mà lại không có người trông, nảy lòng tham, lấy mà không trả tiền. Những người khách đó cứ quẩn quanh trong xóm không thể về được. Khi biết được, tự giác mang tiền lên trả vào sọt thì mới đi được...”, chị Nhềm hóm hỉnh kể.

Khi chưa có hồ Hòa Bình, quốc lộ 6 đi qua đây, “Quán tự giác” bán được rất nhiều hàng hóa. Cứ buổi sáng, bà con có sản vật gì thì ghi giá mang ra quán để. Đến chiều, bà con ra quán thu tiền về. Nhưng sau khi đắp đập thủy điện Hòa Bình, nước dâng lên và quốc lộ 6 cũ chìm trong nước, “Quán tự giác” cũng mất đi từ đó. “Nay khách đã bắt đầu đến, chúng tôi khôi phục lại, làm đa dạng thêm văn hóa của người Mường Ao”, chị Nhềm nói.

Rời bản Đá Bia, chúng tôi xuôi về xóm Ké, xã Hiền Lương. Nơi đây có 3 gia đình làm du lịch cộng đồng. Dù mới hoạt động, nhưng đã có những sản phẩm du lịch rất thú vị. Anh Đinh Bảo Chung, chủ homestay Sắc Luyến vừa nướng thịt để đón đoàn khách 40 người vào tối thứ 7 vừa tiếp chuyện: “Vào cuối tuần gia đình tôi có thể đón 50 khách. Sau dịch COVID-19, cuộc sống trở lại bình thường mới, các phòng của 3 hộ làm du lịch cộng đồng đều đón kín khách và cho thu nhập ổn định.

Anh Chung tâm sự, sau khi bôn ba khắp nơi, năm 2016 anh trở về quê lấy vợ và làm homestay. Nắm bắt được xu hướng phát triển du lịch, năm ngoái, anh vay vốn gần 1 tỷ đồng xây dựng thêm một căn nhà sàn nữa, có phòng kép kín, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách. “Cảnh đẹp lòng hồ, ven hồ đủ để mời khách đến, nhưng chúng tôi sẽ làm khách hài lòng, quay trở lại vì sự hiếu khách, vì những nét văn hóa, món ăn đặc sắc nơi đây”- anh Chung nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Mưu sinh trên hồ Hòa Bình: Gặp 'vua' Đảo Dừa

Ông từng là tay buôn gỗ nổi tiếng, nhưng rồi sa vào đỏ đen dẫn đến phá sản. Để cai cờ bạc, ông quyết chọn một nơi yên tĩnh giữa lòng hồ làm chốn nương thân, trồng rừng,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Viết Hà ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN