Mùng 6 Tết, TNGT cướp đi sinh mạng 28 người

Tai nạn giao thông ngày mùng 6 Tết Bính Thân 2016 (13-2) đã cướp đi sinh mạng của 28 người, làm 56 người khác bị thương.

Mùng 6 Tết, TNGT cướp đi sinh mạng 28 người - 1

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng

Chiều 13-2, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an về tình hình tai nạn giao thông ngày 13-2 (mùng 6 Tết Bính Thân 2016) cả nước xảy ra 50 vụ tai nạn giao thông, làm chết 28 người, bị thương 56 người. Tất cả đều là tai nạn giao thông đường bộ.

Lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 4.290 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, thu nộp kho bạc nhà nước 1,097 tỉ đồng; tạm giữ 7 xe ô tô, 957 xe mô tô, tước 62 giấy phép lái xe.

Cũng trong ngày 13-2, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia nhận được 40 cuộc gọi và 4 tin nhắn của người dân phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Nội dung các cuộc gọi hầu hết phản ánh về tình trạng tự ý tăng giá vé, nhồi nhét khách.

Cụ thể, xe Vương Chi của nhà xe Cao Nguyên mang BKS 47V-2455 chạy tuyến Đắk Lắk - Hà Nội đã chở quá số người quy định; xe khách mang BKS 47B-015.42 của nhà xe Phương Thi chạy tuyến Krông Năng (Đắk Lắk) - Bến xe miền Đông (TP HCM) đã tự ý tăng giá vé (từ 215.000 đồng tăng lên 450.000 đồng) và chở quá số người quy định; xe Quang Hạnh chạy tuyến Tuyên Quang - Kim Sơn (Ninh Bình) nhồi nhét khách quá nhiều.

"Sau khi nhận được thông tin, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý triệt để nội dung các thông tin được phản ánh" - ông Thái cho biết.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có công văn gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT các tỉnh, thành phố về việc tăng cường chỉ đạo, đôn đốc hoạt động vận tải phục vụ Tết Nguyên đán. Theo đó, yêu cầu Sở GTVT kiểm tra, nhắc nhở lái xe không chở quá số người quy định, quá tải trọng cho phép, chấp hành nghiêm quy định không uống rượu, bia; chú trọng công tác kiểm tra, phân luồng tổ chức giao thông để khắc phục tình trạng ùn tắc kéo dài trên các trục đường chính vào trung tâm tỉnh, thành phố vào các ngày mùng 6 và mùng 7 Tết (tức ngày 13, 14-2).

Bên cạnh đó, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, nhà đầu tư các dự án chỉ đạo các đơn vị thu phí trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ tăng cường nhân viên và có giải pháp phù hợp để khắc phục hiện tượng ùn ứ phương tiện tại các trạm thu phí.

Từ ngày hôm qua (mồng 5 Tết), người dân bắt đầu quay trở lại các thành phố và đô thị lớn. Nhìn chung, tuy lượng hành khách từ các tỉnh đổ về các bến xe Hà Nội đã bắt đầu đông nhưng tình hình bên ngoài các bến xe, những đoạn đường dẫn có nhiều xe khách đi qua không bị ùn ứ như mọi năm, các phương tiện vẫn đi lại thông suốt. Một số hành khách đánh giá chất lượng dịch vụ vận tải năm nay đã tốt hơn các năm trước.

Tại Cảng Hàng không Quốc tế Vinh (tỉnh Nghệ An), hãng hàng không Vietjet Air nhiều lần hoãn rồi huỷ chuyến bay làm người dân bức xúc. Theo hành khách phản ánh, vào ngày 11-2, chỉ khi tới làm thủ tục thì hành khách mới được nhân viên thông báo tất cả 3 chuyến bay (VJ277, VJ279, VJ2271) của hãng hàng không Vietjet Air từ Vinh đi TP HCM đều bị chậm 4 tiếng so với thời gian dự kiến vì lý do thời tiết.

Sau đó, nhân viên trả lại hành lý và thông báo cho hành khách cả 3 chuyến bay của hãng cần quay lại vào 8 giờ sáng hôm sau (ngày 12-2, tức mùng 5 Tết) để làm thủ tục và tự lo chỗ ở do máy bay không thể cất cánh. Đến 9 giờ sáng ngày 12-2, hãng Vietjet Air lại tiếp tục thông báo chậm chuyến.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Duẩn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN