Mưa bão, có nên cho người lao động nghỉ làm?

Sự kiện: Bão số 1

Để người dân nghỉ làm trong ngày mưa to, gió lớn sẽ tránh tình trạng ùn tắc, hạn chế tai nạn do cây đổ, tôn rơi.

Mưa bão, có nên cho người lao động nghỉ làm? - 1

7h sáng 28/7, cây xà cừ đổ đè lên xe của anh Trần Quang Thạch khi anh đang chở con gái đi học qua ngã ba Núi Trúc - Giảng Võ (Hà Nội)

Sáng 28/7, cơn bão số 1 – bão Mirinae ảnh hưởng đến khu vực Hà Nội đúng vào giờ cao điểm người dân đi làm. Hàng chục cây cổ thụ bật gốc, đè vào người đi đường. Dưới chân các khu nhà cao tầng, người đi xe máy bị gió thổi ngã sõng soài.

Một số công ty đã cho nhân viên tạm thời nghỉ làm, nhưng vẫn có không ít người phải luồn lách qua những đoạn đường cây đổ, gió to để đi làm đúng giờ.

Chạy xe máy trên đường Phạm Hùng đoạn gần tòa nhà Keangnam, chị Lê Kim Chi (28 tuổi, Khương Đình, Thanh Xuân, HN) ngã lăn giữa đường vì gió lớn. Chị cố dựng xe lên đi tiếp nhưng lại ngã dúi dụi. Chị Chi cho hay, chị làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu trên đường Hoàng Quốc Việt.

“Mấy lần tôi bị ngã trầy gối ở đoạn đường này rồi, biết tin bão lớn, nhưng công ty không thông báo nghỉ nên tôi vẫn đi làm như mọi ngày. Không ngờ ra ngoài đường gió lớn đến thế, vừa đi vừa sợ có thứ gì bay trúng người. Tôi gọi điện cho đồng nghiệp thì được biết nhiều người đã xin nghỉ ở nhà”, chị Chi nói.

Mưa bão, có nên cho người lao động nghỉ làm? - 2

Nhiều người bị ngã khi đi làm giữa lúc gió bão (Ảnh: Hồng Phú) 

Theo ông Lưu Quang Tuấn, Phó viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội, trong Luật Lao động có quy định về thời gian nghỉ hưởng nguyên lương. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định người lao động được nghỉ làm vì lý do thời tiết bất lợi.

Ông Tuấn cho rằng để đưa ra quy định chi tiết, trong điều kiện thời tiết như thế nào người lao động sẽ được nghỉ việc rất khó. Bởi trên một địa bàn ảnh hưởng thời tiết xấu, có nhiều nhóm lao động ngành nghề, điều kiện làm việc khác nhau.

Ví dụ một doanh nghiệp vận tải hàng hóa có thể cho lái xe tạm nghỉ ngày mưa to, gió lớn. Trong khi, các công ty kinh doanh không chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi thời tiết vẫn có thể duy trì hoạt động.

“Để người lao động nghỉ việc trong ngày mưa bão như hôm nay có thể ảnh hưởng đôi chút đến hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng bù lại, hạn chế được số người ra đường lúc bão về, tránh tắc đường, giảm thiểu thiệt hại.

Tôi nghĩ cần có một quy định chung, linh động về các trường hợp thời tiết bất lợi, người lao động được nghỉ làm. Lãnh đạo tỉnh, thành phố, các công ty sẽ dựa theo cảnh báo thời tiết để quyết định”, ông Tuấn cho hay. 

Ông Văn Phú Chính, Chánh văn phòng Ban chỉ đạoTrung ương về phòng chống thiên tai cho biết, việc quyết định cho học sinh nghỉ học, khuyến cáo người dân từng khu vực ứng phó lụt, bão sẽ do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định, tùy theo điều kiện thời tiết dự báo.

Đêm qua 27.7, bão số 1 đã đổ bộ và càn quét ở các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng. Gió rất to làm nhiều nhà dân bị tốc mái, cây cối đổ la liệt ngoài đường.

Tại Hà Nội, theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an TP. Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 667 cây xanh đổ, trong đó có 4 cây đổ vào xe ô tô, 2 cây đổ vào 5 xe máy và 3 cây đổ chắn ngang đường sắt. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 10 điểm ngập úng, 2 cột điện đổ gãy và 19 nút đèn tín hiệu giao thông gặp sự cố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Định - Minh Tâm ([Tên nguồn])
Bão số 1 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN