Món cầy tơ của người Việt lên báo nước ngoài

"Chúng tôi không bao giờ giết con chó của mình để lấy thịt. Ở đây, tôi đang ăn trong một nhà hàng, vậy nên tôi không cần phải quan tâm xem những con chó là của ai, hoặc bị giết như thế nào".

Mới đây, hãng thông tấn AFP đã đăng tải một bài viết có tiêu đề: “Những chú chó vừa là món ăn ngon, vừa là người bạn tốt nhất ở Việt Nam”.

Dưới đây là nội dung chính của bài viết:

Đến nhà hàng để ăn thịt chó vào những ngày cuối tháng âm lịch là thói quen của rất nhiều người sinh sống ở thủ đô Hà Nội.

Từ rất lâu, thịt chó đã trở thành một món ăn phổ biến ở Việt Nam. Ngày nay cũng vậy, mặc dù tình yêu thương dành cho loài chó của người Việt đã tăng lên rất nhiều, nhưng không có nghĩa là những người nuôi chó từ bỏ món ăn này. Họ vẫn ăn, miễn là món ăn được chế biến từ chó “của người khác” chứ không phải chú chó cưng của mình.

"Chúng tôi không bao giờ giết con chó của mình để lấy thịt. Ở đây, tôi đang ăn trong một nhà hàng, vậy nên tôi không cần phải quan tâm xem những con chó là của ai, hoặc bị giết như thế nào", ông Phạm Đăng Tiến, 53 tuổi, vừa nói vừa nhai một miếng thịt chó luộc .

Món cầy tơ của người Việt lên báo nước ngoài - 1

Nhiều người Việt Nam vừa yêu con chó mình nuôi, vừa thích ăn thịt chó

Cũng như nhiều người khác, ông Tiến tin rằng thịt chó tốt cho sức khỏe và sự cường dương. Theo ông không có sự mâu thuẫn nào giữa việc ăn thịt chó hằng tháng với việc nuôi một chú chó yêu quý trong gia đình suốt 20 năm.

Phần lớn người Việt Nam lớn tuổi vừa coi chó là một phần thiết yếu trong danh sách các món ăn truyền thống. Những con chó thường bị đánh chết trước khi trở thành những món ăn được dọn ra trên mâm.

Trong thời kỳ khó khăn sau chiến tranh, từng có lúc quyền sở hữu vật nuôi ở các thành phố lớn tại Việt Nam bị giới hạn. Tuy nhiên, với sự tăng trưởng của nền kinh tế và nâng cao mức sống, việc nuôi các con vật cưng ngày càng phổ biến. Điều này cũng dẫn đến sự thay đổi nhận thức trong những người trẻ tuổi, ví dụ như cô Nguyễn Ánh Hồng, 16 tuổi, cho biết: “Tôi không hiểu nổi làm thế nào mọi người lại có thể ăn thịt chó - chúng là những vật nuôi đáng yêu".

Một hệ quả dễ nhận ra từ thói quen ăn thịt chó là sự xuất hiện của những tên trộm chó, từ các thành phố lớn cho đến khu vực nông thôn của Việt Nam. Những người này bắt trộm chó của người dân để bán cho các nhà hàng.

Mặc dù giá trị của các vụ trộm cắp là không lớn và không đến mức để lực lượng công an phải can thiệp (thịt chó có giá khoảng 6USD/kg), nhưng việc mất một vật nuôi thân thiết vào tay những đồ tể nhà hàng luôn gây nên sự phẫn nộ rất lớn. Nhiều vụ bạo lực tập thể liên quan đến trộm chó đã được ghi nhận trong vài năm qua.

Món cầy tơ của người Việt lên báo nước ngoài - 2

Với chủ nuôi, những chú chó không có giá trị tài sản cao, nhưng giá trị tình cảm thì rất lớn

Trong tháng 6 vừa rồi, một người đàn ông đã bị đánh đến chết ở Nghệ An sau khi cố gắng ăn trộm một con chó và bị hàng trăm dân làng vây bắt. Trên các trang mạng, nhiều người bảy tỏ sự ủng hộ dành cho sự trừng phạt khắt khe với kẻ trộm chó. "Đánh chết người là một điều xấu xa, nhưng bất cứ ai trong tình huống này cũng sẽ làm như vậy", một thành viên mạng, người từng bị mất một con vật cưng để vào tay bọn cướp đã bình luận như vậy.

Trong Công viên Thống Nhất ở Hà Nội, hàng trăm người dắt chú chó cưng của mình đi dạo mỗi ngày. Có thể tìm thấy ở đây rất nhiều giống chó nổi tiếng của nước ngoài, như Chihuahua hay Huskies, những giống chó rất được ưa chuộng ở thành phố này. "Ở Việt Nam, nuôi chó đã trở thành mốt. Thế hệ trẻ bây giờ yêu động vật nhiều hơn trước", anh Cù Anh Tú, 20 tuổi, sinh viên đại học, đồng thời cũng là một người nuôi chó cho biết.

Ở nông thôn, người dân thường nuôi chó để giữ nhà. Đây là địa bàn mà những kẻ cướp chó dễ ra tay nhất. Hầu hết những con chó phục vụ trong nhà hàng Hoàng Giang là giống chó ta, loại chó thường được dùng để ăn. Đây cũng là giống chó được nuôi phổ biến ở vùng nông thôn. Quả thực, rất khó để biết những chú chó bị biến thành thức ăn có phải là nạn nhận của các vụ trộm chó hay không.

“Người Việt Nam thường ăn thịt chó vào cuối tháng âm lịch để giải xui, đặc biệt là những người hoạt động kinh doanh ", ông Giang, một đầu bếp chuyên chế biến thịt chó, 30 tuổi, cho biết.

Trong khi chuẩn bị một đĩa thịt chó trong gian bếp của nhà bận rộn, Giang nói với AFP rằng cơ sở nhỏ của mình phục vụ khoảng 7 con chó một ngày vào dịp cuối tháng, đó là khoản lợi nhuận quan trọng của nhà hàng. Thịt chó có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau, từ luộc cho đến nướng, hoặc nấu với mỳ gạo và các loại thảo mộc, Giang cho hay.

Đối với Nguyễn Bảo Sinh, chủ sở hữu một trung tâm nuôi chó mèo sang trọng duy nhất tại Hà Nội, người Việt Nam cần phải chuyển hóa từ tình yêu truyền thống dành cho thịt chó sang một tình yêu không liên quan tới cái dạ dày, như nhiều nền văn hóa khác. "Họ (người phương Tây) rất yêu thương chó trong cuộc sống này, quan điểm đó là rất tốt ... Chúng ta phải yêu thương các con chó ở đây và ngay bây giờ trong cuộc đời này. Chúng ta không nên giết chúng hoặc đánh đập chúng một cách dã man" ông sinh nói.

Theo ông Sinh, sự quan tâm của người Việt dành cho các con vật cưng đã tăng lên nhanh chóng. Cơ sở của ông cung cấp dịch vụ “khách sạn” dành cho chó mèo đối với những vật nuôi mà chủ đi vắng bì bận kinh doanh hoặc nghỉ lễ. Thậm chí, ông còn mở cả một nghĩa trang dành cho chó mèo, nơi hàng trăm vật nuôi đã được chộn cất và có các nhà tu cầu nguyện hằng năm.

"Sẽ tốt hơn nếu Nhà nước có luật cấm ăn thịt chó. Tuy nhiên, chúng ta không nên phân biệt đối xử hoặc coi thường những người ăn thịt chó. Cần phải dần dần thuyết phục được công chúng tôn trọng và yêu các loài động vật", ông Sinh nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo (Theo Đất Việt/AFP)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN