Mối đe dọa tên lửa hành trình ở châu Á (Kỳ 3)
Tính lưỡng dụng của tên lửa hành trình làm gia tăng nguy cơ nổ ra xung đột hạt nhân giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ở châu Á.
Tháng trước, Bộ Tư lệnh Không quân Tấn công Toàn cầu Mỹ cho hay cả Trung Quốc và Triều Tiên đều đang triển khai tên lửa hành trình có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Cả Ấn Độ và Pakistan cũng đang triển khai loại tên lửa này. Các quốc gia này đều đang trang bị hoặc thử nghiệm nhiều loại tên lửa hành trình khác nhau với tầm bắn khác nhau.
Hôm 7/5, trung tướng James Kowalski, Tư lệnh lực lượng Không quân Tấn công Toàn cầu Mỹ đưa ra danh sách về các loại tên lửa hành trình của Trung Quốc và Triều Tiên trong một buổi họp báo công khai. Danh sách này cho thấy hoạt động hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của 8 trong số 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới, ngoại trừ Israel.
Theo đó, tên lửa hành trình tân tiến nhất của Trung Quốc là CJ-20 được trang bị trên oanh tạc cơ tầm xa H-6. Chuyên gia vũ khí hạt nhân Hans Kristensen thuộc Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ cho rằng đây là lần đầu tiên ông nhìn thấy một văn bản chính thức của Mỹ đề cập đến tên lửa hành trình phóng từ máy bay có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc.
Oanh tạc cơ H-6 trang bị tên lửa CJ-20 có thể tấn công đảo Guam của Mỹ
Các quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng oanh tạc cơ tầm xa H-6 của Trung Quốc được trang bị tên lửa CJ-20 có thể tấn công các mục tiêu trên toàn châu Á và miền đông nước Nga cũng như tổ hợp căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam ở tây Thái Bình Dương.
Còn tên lửa hành trình có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên được đưa ra trong danh sách này là loại tên lửa phòng thủ duyên hải KN-09 được cho là có tầm bắn khoảng 100 đến 120 km.
Về tốc độ, trong khi tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân AGM-86 của Mỹ chỉ bay với vận tốc bằng 2/3 vận tốc âm thanh thì Ấn Độ đang chuẩn bị cho ra lò tên lửa siêu thanh Brahmos hợp tác sản xuất với Nga, loại vũ khí chủ chốt sẽ tạo ra lợi thế về mặt chiến lược so với nước láng giềng Pakistan.
Tên lửa hành trình siêu thanh Bramos của Ấn Độ
Brahmos là loại tên lửa hành trình siêu thanh duy nhất thế giới được trang bị trong quân đội. Nhà thiết kế BrahMos Aeorospace của Nga cho biết tên lửa này bay với vận tốc gấp 2 đến 3 lần vận tốc âm thanh, tương đương 1 km/s.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Ấn Độ và Nga đã nhất trí sản xuất hơn 1000 tên lửa Brahmos cho hải quân, không quân và lục quân Ấn Độ. Hai bên cũng quyết định sẽ cùng nhau chế tạo một phiên bản siêu thanh của loại tên lửa này có tốc độ nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh.
Tên lửa Brahmos của Ấn Độ có thể được phóng trên biển, trên không hay trên đất liền này có tầm bắn khoảng 300 km và có thể mang theo đầu đạn thường hoặc đầu đạn hạt nhân. Vận tốc lớn giúp tên lửa hành trình Brahmos có khả năng tiến hành những cuộc tấn công chớp nhoáng vào các căn cứ của những kẻ cực đoan trên đất Pakistan trước khi quân đội Ấn Độ tiến quân thực hiện đòn trừng phạt.
Trước sức mạnh hùng hậu như vậy của người láng giềng Ấn Độ, Pakistan phải phát triển các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn mang theo đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ để phòng ngừa các vụ tấn công kiểu như trên. Pakistan tuyên bố họ cũng đang sở hữu những đầu đạn hạt nhân mini có thể gắn vừa trên các tên lửa hành trình giống như Ấn Độ.
Tên lửa hành trình tàng hình của Pakistan đối phó với Ấn Độ
Với thời gian cảnh báo rất ngắn khi một trong hai quốc gia này sử dụng tên lửa hành trình để tấn công nước kia, nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện giữa hai quốc gia hạt nhân này ngày càng tăng lên.
Hồi tháng 4, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Shyam Saran tuyên bố rằng nước này sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước trong tình huống khủng hoảng với Pakistan. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo rằng trong trường hợp Ấn Độ bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân dù là loại chiến thuật hoặc cỡ nhỏ, nước này cũng sẽ “phản công hạt nhân toàn diện với mục tiêu gây ra tổn thất không thể chấp nhận được cho đối phương.”
Đó cũng là một lời cảnh báo cho tất cả những quốc gia châu Á hiện đang sở hữu hoặc có kế hoạch trang bị tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo mang theo đầu đạn hạt nhân. Nếu bị đem ra sử dụng, những tên lửa này có thể mở ra chiếc hộp Pandora với những hậu quả thảm khốc không thể lường trước.