Metro Nhổn - ga Hà Nội vượt "bão" Covid-19 khai thác cuối 2022 thế nào?

Nhiều gói thầu dự án Nhổn - ga Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19, nhất là các gói thầu nhập khẩu thiết bị kỹ thuật...

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dự kiến đưa vào khai thác 8,5km đoạn trên cao vào cuối năm 2021, song hiện phải lùi đến cuối năm sau. Trong khi đó, đến nay vẫn có gói thầu còn tới 30 - 50% khối lượng chưa hoàn thành.

Vừa thử nghiệm vừa thi công Depot

Những ngày gần đây, người dân trên trục đường QL32 cũ đến Cầu Giấy thường xuyên gặp các chuyến tàu của tuyến đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội chạy ngược xuôi trên đoạn trên cao 8,5km từ ga Nhổn đến ga Cầu Giấy và dừng tại các ga.

Trước đó, từ tháng 7/2021, thi thoảng có các chuyến tàu vận hành với tốc độ chậm hơn.

Đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu được vận hành ở chế độ tự động với tốc độ 80km/h

Đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu được vận hành ở chế độ tự động với tốc độ 80km/h

Ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu được vận hành ở chế độ tự động với tốc độ 80km/h (tốc độ lớn nhất theo thiết kế) từ ngày 6/12 và kiểm tra, đánh giá chất lượng.

Sau đó sẽ chuyển sang bước thử nghiệm chạy thử (test run) để kiểm tra, nghiệm thu tổng thể hệ thống thiết bị.

“Trước khi các đoàn tàu đưa về dự án đã được nhà sản xuất chạy thử 10.000km tại Pháp để căn chỉnh theo các thông số kỹ thuật thiết kế. Khi tàu được đưa về dự án tiếp tục được chạy thử 1.000km nữa. Sau khi đánh giá đạt đủ tiêu chuẩn theo thiết kế mới đưa vào vận hành khai thác. Giai đoạn thử nghiệm chế độ tự động ở tốc độ cao nhất là bước quan trọng để chuẩn bị cho đăng kiểm, kiểm tra nghiệm thu chạy thử và đánh giá độc lập về an toàn vận hành đoàn tàu”, MRB thông tin.

Liên quan đến việc kiểm định đoàn tàu, Phòng Đường sắt, Cục Đăng kiểm VN cho biết, đã nhận được đề nghị đăng kiểm các đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội.

Đơn vị này sẽ tiến hành kiểm định ngay khi dự án sẵn sàng các điều kiện hạ tầng kỹ thuật của tuyến trên cao để phục vụ kiểm định phương tiện ở trạng thái tĩnh và vận hành.

Đại diện MRB cho biết, đến nay dự án không kịp đưa vào khai thác trước 8,5km trên cao vào cuối năm 2021 như dự kiến và phải lùi đến cuối năm 2022.

“Năm 2020 - 2021 ảnh hưởng dịch Covid-19 gây chậm nhập khẩu thiết bị, huy động chuyên gia và một số khó khăn, vướng mắc kéo dài trước đó khiến dự án chậm tiến độ. Dự án sẽ hoàn thành, khai thác trước đoạn trên cao vào cuối năm 2022 và toàn tuyến vào năm 2025. Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đi kiểm tra dự án, chỉ đạo các đơn vị liên quan quyết tâm thực hiện mục tiêu trên”, Phó trưởng ban MRB Lê Trung Hiếu nói.

Theo MRB, hiện tuyến trên cao đạt 89,5% tiến độ tổng thể (toàn dự án đạt khoảng 74%), với 2/9 gói thầu xây lắp, thiết bị đã thi công xong (đoạn trên cao và hạ tầng kỹ thuật Depot).

Hiện một số gói thầu còn 1 - 8% khối lượng công việc, song vẫn có gói thầu khối lượng công việc khá lớn, trong đó gói thầu CP05 (kiến trúc Depot) còn 30% khối lượng, gói CP09 (hệ thống thẻ vé tự động) còn tới 49%.

Một gói thầu chậm ảnh hưởng cả hệ thống

Đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội

Đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội

Theo chuyên gia đường sắt Nguyễn Ân, việc metro Nhổn - ga Hà Nội “tách” tiến độ, đưa vào khai thác, vận hành trước 8,5km đoạn trên cao, sau đó khai thác tiếp thêm đoạn 4km đi ngầm là khả thi về mặt kỹ thuật.

Chỉ khi đến thử nghiệm vận hành toàn tuyến mới có thể phát sinh những khó khăn kỹ thuật, nhất là đối với đoạn bắt đầu tiếp nối giữa đoạn trên cao và dốc vào đoạn tuyến đi ngầm.

“Tuy nhiên, các gói thầu liên quan đến hạ tầng, đoàn tàu, thiết bị đoạn trên cao hay hệ thống điều khiển chạy tàu buộc phải hoàn thành mới có thể khai thác trước đoạn trên cao”, ông Ân nói.

Theo MRB, các gói thầu trên có sự giao thoa với nhau, nên chỉ cần một gói thầu chậm cũng có thể khiến ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành, khai thác vận hành đoạn trên cao vào cuối năm sau.

“Gói thầu CP05 (công trình kiến trúc khu Depot, nhà thầu Hancorp) có mốc tiến độ ban đầu hoàn thành vào tháng 2/2018, song đến này còn tới 30% khối lượng. Việc chậm trễ của gói thầu này kéo theo các gói thầu hệ thống thiết bị CP06, CP07, CP08 cũng chậm. Hiện MRB đang đàm phán với nhà thầu để tháo gỡ vướng mắc, đồng thời rà soát để xử lý nhà thầu Hancorp theo quy định của hợp đồng”, ông Lê Trung Hiếu thông tin.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Quang Bộ, kỹ sư Ban điều hành gói thầu CP05 (nhà thầu Hancorp) cho biết, dự kiến đến cuối năm 2022 mới có thể hoàn thành gói thầu này.

“Hiện chúng tôi đang nỗ lực thi công để lấy lại tiến độ bị chậm. Tuy nhiên, hiện chưa thể tổ chức thi công đồng loạt do phải chờ thiết bị hạng mục cơ điện các tòa nhà nhập từ nước ngoài về. Hơn nữa, gói thầu chờ được giải quyết vướng mắc phần việc giao thoa với gói thầu khác; điều chỉnh chi phí do bổ sung thiết kế phần cơ điện và phòng cháy, chữa cháy… TP Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện mốc tiến độ trên nên nhất định chúng tôi sẽ hoàn thành gói thầu vào cuối năm 2022”, ông Bộ nói.

Ông Nguyễn Thế Sơn, cán bộ chỉ huy tại gói thầu trên cho biết thêm, hiện có sự tiến triển tốt trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật.

Sắp tới, nhà thầu huy động thêm gần 100 nhân sự để thi công, tăng gấp đôi so với hiện nay để đấy nhanh tiến độ.

“Đối với gói thầu hệ thống thẻ còn tới 49% khối lượng đoạn trên cao, nhưng đến nay toàn bộ các thiết bị đã được đưa về dự án và chuẩn bị lắp đặt. Do gói thầu mới ký hợp đồng nên sẽ không ảnh hưởng đến tiến độ vận hành đoạn trên cao, mà chỉ ảnh hưởng đối với đoạn đi ngầm do chậm được tiếp cận công trường để thi công, lắp đặt thiết bị”, theo MRB.

Dừng thi công đoạn ngầm không ảnh hưởng trên cao

Hiện Liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella thi công ga ngầm và đoạn 4km tuyến ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội đang dừng thi công để chờ GPMB và đòi bồi thường 114,7 triệu USD (do chậm bàn giao mặt bằng thi công). Theo MRB, việc dừng thi công đoạn ngầm không gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công, vận hành đoạn 8,5km trên cao.

UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo sát sao việc giải quyết dứt điểm các vướng mắc GPMB đoạn đi ngầm và yêu cầu đòi bồi thường của nhà thầu, vướng mắc về điều chỉnh trượt giá các gói thầu CP07 (công trình kiến trúc Depot), CP08 (đầu máy, toa xe, thông tin tín hiệu, trung tâm OCC…) để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngày mai (6/12), vận hành thử đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội ở tốc độ tối đa

Ngày mai (6/12), dự án metro Nhổn - ga Hà Nội vận hành liên tiếp các đoàn tàu với tốc độ 80km/h ở chế độ tự động...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Lộc ([Tên nguồn])
Đường sắt trên cao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN