Metro ga Hà Nội - Hoàng Mai hơn 40.000 tỷ đồng chở được bao khách một ngày?

Sáng 5/4, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã thông tin về việc chuẩn bị các bước đầu tư dự án đường sắt đô thị (metro) số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai (tuyến 3.2). MRB cho biết, sau khi hoàn thành, các đoàn tàu của tuyến 3.2 sẽ chở được 124 nghìn khách/ngày.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban MRB cho biết, theo quy hoạch của Chính phủ, tuyến metro 3.2 là một trong những tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) “lõi”, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đường sắt đô thị của Thủ đô. Tuyến 3.2 này sẽ nối dài tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (tuyến 3.1) ở Ga Trung tâm, kết nối với tuyến ĐSĐT số 1, tuyến ĐSĐT số 2 tại ga Hàng Bài, tuyến đường sắt số 4 tại Vành đai 2.5 và tuyến ĐSĐT số 8, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ của mạng lưới ĐSĐT, giải quyết vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn tại khu vực đô thị trung tâm và giảm lưu lượng giao thông bằng phương tiện cá nhân, từ đó giảm thiểu đáng kể việc ách tắc giao thông, bảo vệ môi trường.

Về lưu lượng chở khách, ông Hiếu cho biết, sau khi tuyến 3.2 hoàn thành, toàn bộ 21 km của tuyến ĐSĐT số 3, từ Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai sẽ nối khu vực phía Tây qua trung tâm thành phố với khu vực phía Nam.

“Dự kiến đến năm 2030, lưu lượng hành khách của Tuyến 3.2 sẽ vận chuyển được 124.000 hành khách/ngày. Tuyến ĐSĐT số 3 từ Nhổn - Ga Hà Nội - Hoàng Mai sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ trong việc xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, tái cấu trúc đô thị”, lãnh đạo MRB thông tin.

Đoàn tàu metro tại tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội

Đoàn tàu metro tại tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội

Lý giải việc tuyến đi ngầm gần như toàn bộ cho dù việc thi công ngầm tại Hà Nội đang rất khó khăn, lãnh đạo MRB cho rằng: Quỹ đất của thành phố Hà Nội dành cho giao thông rất hạn hẹp. Do vậy, các tuyến ĐSĐT đi ngầm là phương án tối ưu để giải quyết các vấn đề giao thông nan giải của Thủ đô. Tuy nhiên, việc đi ngầm toàn bộ tuyến cũng có những ưu và nhược điểm đi kèm.

Về ưu điểm, việc đi ngầm toàn tuyến giúp giảm thiểu diện tích GPMB, tiết kiệm đất xây dựng; Giảm xung đột với các công trình dân dụng, giao thông trên mặt đất; Tăng khả năng kết nối với các tòa nhà và công trình ngầm xung quanh các nhà ga; Không phá vỡ cảnh quan đô thị dọc theo tuyến, cũng như tạo điều kiện phát triển không gian phía trên mặt đất với các công trình đô thị, giao thông, cầu vượt và các loại hình giao thông công cộng khác; Hạn chế chiếm dụng đất và cản trở giao thông trong quá trình thi công xây dựng; Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kinh tế xã hội đối với khu dân cư dọc theo tuyến.

Về nhược điểm, việc đi ngầm toàn tuyến sẽ khiến chi phí đầu tư xây dựng cao; Quá trình thi công công trình ngầm phức tạp, đòi hỏi công nghệ thi công xây dựng tiến tiến.

Tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị đầu tư Dự án theo tờ trình của UBND thành phố Hà Nội.

Lộ trình đoạn tuyến chủ yếu đi ngầm theo lộ trình: Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh. Kết cấu đoạn đi ngầm là ống hầm kép đi song song, ngầm qua nút giao Ô Đống Mác, Mai Động và kết thúc phía sau Vành đai 3 với 7 ga ngầm (Hàng Bài, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở), 1 khu lập tàu (phía sau, sát Trạm bơm Yên Sở). Tuyến đi qua các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai.

Về tiến độ thực hiện, tờ trình cũng nêu rõ, đoạn Ga Hà Nội – Hoàng Mai có thời thi công trong giai đoạn 2020-2030 (10 năm), tổng mức đầu tư cho đoạn tuyến này khoảng 1.700 triệu USD, tương đương 40.500 tỷ đồng, nguồn vốn vay ODA.

Nguồn: [Link nguồn]

Đầu tư kéo dài tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội đến Hoàng Mai

Theo tin từ Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị dự...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Trọng ([Tên nguồn])
Đường sắt trên cao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN