Mại dâm ở TQ: Trừng phạt và cảm thông

Trong khi cảnh sát truy quét gắt gao hoạt động mại dâm ở Đông Quan, nhiều người dân Trung Quốc lại tỏ ra cảm thông với các cô gái bán hoa.

Một cuộc truy quét quyết liệt vào hoạt động mại dâm bất hợp pháp ở “thủ phủ sex” của Trung Quốc gần đây lại một lần nữa làm dấy lên làn sóng tranh cãi trong dư luận nước này.

Tối Chủ nhật vừa qua, hơn 6.700 cảnh sát đã bất ngờ đột kích vào các khách sạn, nhà nghỉ, tiệm mát-xa và quán karaoke ở thành phố Đông Quan, một trung tâm kinh tế và là một “thiên đường giải trí” ở miền nam Trung Quốc nổi tiếng với hoạt động mại dâm tràn lan gần như công khai.

Mại dâm ở TQ: Trừng phạt và cảm thông - 1

Hàng chục cô gái bán dâm bị cảnh sát bắt giữ trong đợt truy quét

Cuộc đột kích này được tổ chức chỉ vài giờ sau khi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng một chương trình phanh phui hoạt động mại dâm bên trong một loạt khách sạn ở Đông Quan. Trong đoạn phóng sự này, các tú bà còn cho một dàn “chân dài” ăn mặc hở hang ra “khoe hàng” trước mặt khách để khách tùy ý lựa chọn, và bên trong các phòng kín là những màn nhảy nhót thoát y đầy khêu gợi.

Đến sáng ngày thứ Hai, 12 “phố đèn đỏ” có các hoạt động mại dâm và kích dục đã bị đóng cửa, 67 người bị bắt giữ để điều tra, và một loạt công an phụ trách khu vực bị đình chỉ chức vụ.

Đợt truy quét gắt gao này ngay lập tức đã làm dấy lên những luồng ý kiến khác nhau trong dư luận Trung Quốc, từ cảm thông cho các cô gái hành nghề mại dâm cho đến ủng hộ sự quyết liệt của cảnh sát ở một đất nước mà hoạt động mại dâm đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật trong hơn 60 năm qua.

Vấn đề nhức nhối

Đây không phải là lần đầu tiên thành phố Đông Quan với 8 triệu dân vốn nổi tiếng với những sòng bạc xa hoa, nhà tắm công cộng và những động mại dâm trá hình trở thành mục tiêu trong các chiến dịch truy quét của cảnh sát để dẹp nạn mại dâm.

Giáo sư Ding Yu, giảng viên khoa Xã hội học tại Đại học Sun Yat-sen cho biết chỉ trong vòng 10 năm qua, cảnh sát đã tiến hành ít nhất 3 đợt truy quét quy mô lớn ở Đông Quan. Giáo sư Ding là người đã nghiên cứu về sự phát triển của ngành công nghiệp tình dục và cuộc sống của các cô gái mại dâm trong hàng chục năm qua.

Mại dâm ở TQ: Trừng phạt và cảm thông - 2

Đông Quan nổi tiếng với biệt danh "thủ đô sex" của Trung Quốc

Một câu hỏi mà dư luận Trung Quốc đặt ra sau đợt truy quét vừa rồi là vì sao hoạt động mại dâm ở Đông Quan lại có thể tồn tại ngang nhiên và hoành hành ngay trước mắt các lực lượng chức năng như vậy. Phải chăng ngành công nghiệp tình dục nổi tiếng ở thành phố này không thể bị loại trừ thực sự vì nó có những “chiếc ô bảo kê” từ chính lực lượng hành pháp ở địa phương?

Giáo sư Ding cho rằng việc xác định hành động khiêu dâm nào vi phạm pháp luật là rất khó khăn, thế nên cảnh sát luôn có tiếng nói rất lớn trong các vụ truy quét mại dâm, tuy nhiên rất có thể họ thiếu nhân lực để trấn áp hoạt động này chứ không nhất thiết họ là những người bảo kê.

Tuy nhiên, những đoạn video do các phóng viên CCTV bí mật quay lại cho thấy các quản lý khách sạn khong hề mảy may lo lắng về nguy cơ bị cảnh sát truy quét. Họ nói với các phóng viên rằng cảnh sát không bao giờ đến làm khó dễ cho họ, nếu không họ đã “bị sập tiệm từ lâu rồi.”

Mặc dù không có chứng cứ cụ thể, nhưng dư luận Trung Quốc vẫn tin rằng chính cảnh sát địa phương ở Đông Quan đã bảo kê cho hoạt động mại dâm hoành hoành, bởi đây chính là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cơ hội việc làm cho địa phương.

Báo chí Trung Quốc ước tính số người tham gia vào ngành công nghiệp tình dục ở Đông Quan ít nhất là 300.000 người, tuy nhiên hiện vẫn chưa có con số thống kê chính thức về số lượng gái mại dâm ở đây.

Trong phóng sự của CCTV, một phóng viên đã 2 lần gọi điện thông báo cho cảnh sát về hoạt động mại dâm ở 2 khách sạn, tuy nhiên đã không có bất cứ một cảnh sát nào đến kiểm tra.

Các quan chức thành phố Đông Quan phủ nhận cáo buộc rằng sự sầm uất của thành phố này là nhờ cả vào ngành công nghiệp tình dục ngầm. Năm 2011, Phó Giám đốc Công an Đông Quan Lu Weiqi đã tuyên bố với báo giới rằng “việc kinh doanh khách sạn nhộn nhịp trong thành phố không đồng nghĩa với ngành công nghiệp tình dục đang nở rộ.”

Sau cuộc truy quét vừa qua, 8 cảnh sát trong đó có một đồn trưởng công an không chịu hành động sau khi nhận được cuộc gọi của phóng viên CCTV đã bị đình chỉ chức vụ. 12 cơ sở kinh doanh giải trí có liên quan đến hoạt động mại dâm trong thành phố này cũng đã bị rút giấy phép kinh doanh.

Công an tỉnh Quảng Đông đã hứa sẽ tổ chức một chiến dịch truy quét hoạt động mại dâm và cờ bạc trên toàn tỉnh, và bất cứ quan chức cảnh sát nào bảo kê cho hoạt động mại dâm sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.

Cảm thông

Kể từ năm 1949, hoạt động mại dâm đã bị coi là vi phạm pháp luật theo quy định của Trung Quốc. Tuy nhiên một số học giả Trung Quốc lại cho rằng nghề kinh doanh cổ xưa nhất thế giới này nên được hợp pháp hóa, với lập luận cho rằng việc hợp pháp hóa mại dâm sẽ tăng nguồn thu thuế cho chính phủ và bảo vệ những phụ nữ hành nghề mại dâm khỏi nạn bạo lực và bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Mặc dù chủ đề hợp pháp hóa mại dâm vẫn là một thứ gì đó “cấm kỵ” theo quan niệm đạo đức của người Trung Quốc, cuộc truy quét gần đây ở Đông Quan đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong dư luận nước này.

Mại dâm ở TQ: Trừng phạt và cảm thông - 3

Nhiều người cho rằng các cô gái bán hoa chỉ là nạn nhân

Một số người bày tỏ sự ủng hộ đối với hành động cứng rắn của chính quyền và cho rằng việc truy quét mại dâm sẽ làm cho Trung Quốc đẹp hơn và văn minh hơn. Trong khi đó, rất nhiều người đã thể hiện sự thông cảm với những cô gái bán hoa ở Đông Quan trên mạng xã hội Sina Weibo.

Một người dùng có tên là Sophie203 viết: “Những người phải bán thân nuôi miệng không đáng trách, chính những kẻ ăn bám sống trên xác thịt của họ và bảo kê cho hoạt động phi pháp này mới đáng trách.”

Thành viên có tên gọi Chongshangwuqing cho rằng chiến dịch truy quét của cảnh sát chỉ khiến cuộc sống của các cô gái bán hoa tồi tệ hơn và kinh tế của Đông Quan sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng.

Rất nhiều thành viên trên mạng Weibo đã chỉ trích CCTV đã phát sóng chương trình này mà không làm mờ gương mặt của các cô gái bán hoa và cho rằng hành động đó đã vi phạm quyền lợi của họ.

Giáo sư Liu Xinyu ở Khoa Báo chí Đại học Fudan nhận xét: “Nhiều cư dân mạng coi quyền tự do tình dục giống như quyền tự do của thị trường sex. Đó là lý do tại sao nhiều người tỏ ra thông cảm với những cô gái bán hoa ở Đông Quan và ủng hộ việc hợp pháp hóa mại dâm.”

Ông nói tiếp: “Tuy nhiên một khi ngành kinh doanh xác thịt còn tồn tại thì những cô gái bán hoa này vẫn luôn luôn là nạn nhân.”   

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Tân Hoa Xã) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN