Ly kỳ chuyện sản phụ vượt cạn trên xe công nông

Đến lúc này, anh Phâng, chồng chị Hyo (23 tuổi) trú thôn Ktăng, xã Kdang (Đak Đoa, Gia Lai) vẫn nhớ như in cái cảm giác rụng rời tay chân khi chứng kiến cảnh vợ vượt cạn ngay trên xe công nông. Nhìn đứa con đỏ hỏn rớt ra, vợ máu chảy đầy, Phâng choáng váng.

Đẻ rớt vì chờ… người làng

Từ chiều hôm trước (hôm 12.5), chị Hyo đã bắt đầu đau nhẹ. Mới tờ mờ sáng, anh Phâng - chồng chị đã dậy sớm để chuẩn bị chở vợ đến bệnh viện sinh. Nhưng, theo tục lệ của đồng bào Bahnar, phải có người làng đi cùng đến bệnh viện.

Chờ mãi mới đủ người. Lúc này, Hliêm - anh cột chèo của Phâng lái chiếc công nông chở vợ chồng Phâng-Hyo cùng 4 người làng từ làng Ktăng xã Kdang để đến Trung tâm y tế huyện Đak Đoa (Gia Lai).

Chiếc xe công nông đến cổng bệnh viện lúc 7h30 sáng. Lúc này, chị Hyo đau bụng dữ dội, chuyển dạ và đã xinh con ngay trên thùng xe công nông. Nhìn người vợ đầy máu bên đứa con đỏ hỏn, bụng Phâng cứ nghĩ lung tung, sợ vợ gặp chuyện chẳng lành.

“Lúc đó, mình chỉ biết ôm vợ thôi, không biết làm gì, thấy người vợ đầy máu, mình sợ lắm, sợ Yang bắt vợ với con mình đi”-anh Phâng kể.

Ly kỳ chuyện sản phụ vượt cạn trên xe công nông - 1
Ly kỳ chuyện sản phụ vượt cạn trên xe công nông - 2
Anh Phâng chỉ biết ôm chị Hyo trong khi bác sĩ, hộ sinh xử lý kẹp, cắt rốn cho bé ngay trên thùng xe công nông 

Mà quả thế, chính Hliêm là người chạy vào bệnh viện thông báo cho y bác sĩ về trường hợp đẻ rơi trên xe công nông của chị Hyo. Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết cùng hộ sinh Thái Thị Ánh Hồng vội chạy ra, xử lý ngay trên thùng xe công nông, kẹp, cắt rốn, ủ ấm cho bé trước khi đưa sản phụ và em bé vào phòng sinh để xử lý bánh nhau.

Sau ca vượt cạn, sức khỏe hai mẹ con sản phụ Hyo đều trong tình trạng tốt, ổn định. Bé gái chào đời với cân nặng khoảng 2,9kg.

Ly kỳ chuyện sản phụ vượt cạn trên xe công nông - 3
Sức khỏe chị Hyo và bé sơ sinh đã bình thường 

Suýt bị phạt vạ

Vợ chồng anh Phâng - chị Hyo lấy nhau từ năm 2010. Năm 2012, chị Hyo sinh một bé trai, bây giờ chị sinh thêm một bé gái.

Khi được hỏi sao không chờ vào bệnh viện rồi đẻ? Chị Hyo cười bẽn lẽn trả lời “Mình đau quá nên rặn đẻ luôn”. Khi được hỏi việc đẻ trên xe công nông có bị làng phạt vạ không? Anh Phâng trả lời, xe mình nên không bị phạt. Nếu xe của người khác thì mình phải mất một con heo, một con gà, một ghè rượu cần để nộp cho chủ xe.

Theo hộ sinh Đặng Thị Thu Nga, người đang trực tiếp chăm sóc cho sản phụ Hyo, việc đẻ rơi không phải hiếm, năm nào cũng có. Trường hợp này thường xảy ra với người đồng bào dân tộc thiểu số vì họ chờ cho đến khi đau đẻ mới chở sản phụ đến bệnh viện. Năm 2014, chính chị Nga cũng đã cấp cứu, xử lý một trường hợp đẻ ngay trên taxi, tại sân của bệnh viện.

Ly kỳ chuyện sản phụ vượt cạn trên xe công nông - 4
Anh Phâng vô cùng hạnh phúc khi vợ đã vượt cạn an toàn, “mẹ tròn con vuông”

Khi được hỏi đến việc có đặt tên con gái là Công Nông để kỷ niệm cho việc vợ đẻ rơi trên thùng xe công nông không? Anh Phâng lắc đầu và bảo khi đem vợ con về nhà mới nghĩ đến chuyện đặt tên con. Anh Phâng cho biết rất biết ơn các bác sĩ đã kịp thời cứu vợ con anh.

Không phải lần này anh Phâng mới đưa vợ đi bệnh viện để sinh, từ đứa con trước, anh cũng đã đưa vợ đi bệnh viện để sinh rồi. Người làng Ktăng giờ đây sinh con đều đưa đến bệnh viện hết. “Trước đây, đời ông bà, bố mẹ mình, sinh toàn để ở làng không à. Nếu gặp chuyện, chắc chỉ có chết thôi. Giờ đi bệnh viện đều có bác sĩ rồi.” anh Phâng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Dinh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN