Lý do giảm tiền phạt cho người vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Ủng hộ đề xuất giảm tiền phạt với tài xế vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu, chuyên gia cho rằng, việc này không có nghĩa nương nhẹ cho người vi phạm vì cơ quan chức năng còn có hình thức phạt bổ sung.

Bộ Công an đang lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất hạ thấp mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở (mức tối thiểu - PV), để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Cụ thể, tài xế vi phạm nồng độ cồn mức trên khi điều khiển ô tô, sẽ bị xử phạt từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng, bị trừ 2 điểm trong GPLX; khi điều khiển xe máy, sẽ bị phạt từ 400 - 600 nghìn đồng, bị trừ 2 điểm trong GPLX; khi điều khiển xe máy chuyên dùng, sẽ bị phạt từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng.

Như vậy, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu đã thấp hơn hẳn so với quy định tại Nghị định 100 hiện hành.

Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Đình Hiếu

Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Đình Hiếu

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ rất đồng tình với đề xuất trên.

Theo ông Quyền, trong nhóm vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu, có người uống 1 chén rượu sau 3 giờ đã hết cồn trong hơi thở nhưng có người thì vẫn còn. Điều này tùy thuộc vào khả năng đào thải cồn của mỗi người.

Ngoài ra, còn có các loại rượu mạnh hoặc nhẹ khác nhau, có trường hợp cồn nội sinh... nên những người vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu không phải ai cũng cố tình vi phạm.

Ông Quyền cho rằng, nhóm người vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu thì nguy cơ gây tai nạn rất thấp. Do đó, mức xử phạt ở nhóm này nên giảm.

"Chúng ta không nên quy định mức phạt cao với nhóm này vì gây phản ứng trong xã hội. Tôi rất đồng tình với đề xuất của Bộ Công an khi đưa ra mức xử phạt mới đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu”, ông Quyền nhìn nhận.

Chia sẻ thêm về nội dung này, PGS.TS Phạm Việt Cường (Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế Công cộng) cho rằng, cơ quan soạn thảo phải có căn cứ mới đưa ra đề xuất điều chỉnh giảm mức xử phạt với người vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu.

“Trước đây, tài xế vi phạm nồng độ cồn mức này sẽ bị phạt tiền và giữ GPLX có thời hạn. Theo đề xuất mới, cơ quan soạn thảo thay đổi mức phạt tiền, bổ sung hình thức trừ điểm trên GPLX cũng là biện pháp xử phạt thích đáng.

Ví dụ 1 năm anh có 12 điểm trên GPLX, khi vi phạm nồng độ cồn dù được giảm tiền phạt nhưng vẫn bị trừ điểm GPLX. Như vậy, tổng hình phạt vẫn không hề nhẹ”, PGS.TS Phạm Việt Cường nói.

Ủng hộ đề xuất giảm mức phạt tiền, PGS.TS Phạm Việt Cường mong muốn Bộ Công an tăng cường tuyên truyền cho người dân về việc tuân thủ nghiêm túc quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe.

“Cần tuyên truyền để người dân hiểu việc thay đổi hình thức phạt không có nghĩa nương nhẹ cho người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Bởi vì, cơ quan quản lý có rất nhiều hình thức phạt bổ trợ, kết hợp nhằm đảm bảo quy định nồng độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông được thực thi một cách nghiêm túc”, PGS.TS Phạm Việt Cường khẳng định.

Nguồn: [Link nguồn]

Hạ mức phạt tiền vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 miligam/ 1 lít khí thở là đề xuất mới của Bộ Công an tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT, trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N. Huyền ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN