Lùm xùm cuộc thi gạo ngon: Ban tổ chức lên tiếng

Sự kiện: Tin nóng

Ban tổ chức cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam” cho biết chưa nhận được văn bản khiếu nại từ phía đơn vị dự thi hay cá nhân nào về kết quả cuộc thi.

Ngày 4-11 vừa qua, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam” lần thứ 3 năm 2022. Kết quả giải nhất thuộc về gạo TBR39 của Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, giải nhì là gạo ST24 của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và giải ba là gạo Lộc Trời 28 của Tập đoàn Lộc Trời.

Sau khi cuộc thi kết thúc, trao đổi với báo chí, kỹ sư Hồ Quang Cua nghi ngờ giải nhất gạo thơm TBR39 là ruột gạo ST24 do ông lai tạo. Vì vậy, ông cho biết sẽ có văn bản khiếu nại, đề nghị điều tra lại kết quả cuộc thi.

Trước diễn biến trên, ngày 11-11, Ban tổ chức cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam” lần thứ 3 năm 2022 đã tổ chức họp báo về những thông tin liên quan.

Chưa nhận được khiếu nại của ông Hồ Quang Cua

Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), khẳng định: Cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam” năm nay diễn ra theo đúng thể lệ, quy chế. Đến nay, ban tổ chức vẫn chưa nhận được văn bản khiếu nại nào từ ông Hồ Quang Cua, phía đơn vị dự thi. Những phản ánh của ông Cua chủ yếu được thông tin trên báo chí.

“Phía anh Cua có gọi điện một lần cho tôi. Anh Cua nói chỉ nghi ngờ kết quả cuộc thi chứ không nói gì thêm” - ông Nam chia sẻ.

Cũng theo ông Nam, hồ sơ dự thi của các đơn vị tham dự phải đúng thể lệ, phải có tổ hợp lai, chứng nhận khảo nghiệm của Trung tâm Khảo nghiệm giống quốc gia. Giống gạo TBR39 đáp ứng yêu cầu dự thi.

Ông Trần Ngọc Trung, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi, thông tin thêm có bảy giám khảo làm việc độc lập với ban tổ chức. Các loại gạo dự thi được đánh mã số. Ban giám khảo là các đầu bếp lấy từng túi gạo được ban tổ chức đánh số vào phòng nấu có camera giám sát. Sau khi nấu chín, chờ cơm có độ nguội vừa đủ mới nếm thử và chấm điểm.

Ông Trần Ngọc Trung, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam”, khẳng định: Ban giám khảo chấm đúng quy định, minh bạch, khách quan. Ảnh: QH

Ông Trần Ngọc Trung, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam”, khẳng định: Ban giám khảo chấm đúng quy định, minh bạch, khách quan. Ảnh: QH

“Chấm độ dẻo, mềm ngọt, mùi thơm, hạt nguyên sau khi nấu…, có thang điểm đầy đủ. Sau đó sẽ có người tổng hợp các bảng chấm của ban giám khảo. Người cộng điểm là người khác, không phải ban giám khảo. Ban giám khảo chấm đúng quy định, minh bạch, khách quan” - ông Trung nói.

Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, cũng cho hay đơn vị đem mẫu gạo dự thi phải chịu trách nhiệm về loại mẫu gạo dự thi. Ban tổ chức sẽ lưu mẫu gạo các đơn vị dự thi. Loại gạo dự thi phải được trồng khảo nghiệm ba vụ giống lúa đó tại nhiều điểm sinh thái khác nhau, có chứng nhận khảo nghiệm từ Trung tâm Khảo nghiệm giống quốc gia là được.

“Vì từ khảo nghiệm đến khi giống lúa lưu hành mất rất nhiều thời gian nên cuộc thi chỉ quy định giống đó được chứng nhận khảo nghiệm là đủ điều kiện thi nhằm khuyến khích nhiều giống lúa mới lai tạo dự thi” - ông Tùng chia sẻ thêm.

Giải mã gen sẽ rõ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM trước đó, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết nếu ông Hồ Quang Cua có văn bản khiếu nại về kết quả cuộc thi thì cục sẽ đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam mời những đơn vị trong ban tổ chức cuộc thi, ông Hồ Quang Cua và Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed... cùng có một buổi làm việc về vấn đề này. Sau đó mang hai mẫu ST24 và TBR39 đi phân tích di truyền.

Ông Cường cho biết các mẫu gạo khi tham gia cuộc thi đều được ban tổ chức lưu mẫu. “Nếu kết quả di truyền của hai giống này là một thì kết quả đứng thứ nhất của gạo TBR39 sẽ bị hủy, gạo ST24 sẽ ở hạng nhất. Còn nếu kết quả di truyền có sự khác biệt thì phải chấp nhận kết quả đó” - ông Cường nói.

GS-TS Nông Văn Hải, Viện Nghiên cứu hệ gen (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cũng cho biết có thể xác định giống này liệu có xuất xứ từ giống kia hay không bằng cách giải mã hệ gen hai giống hoặc dùng các mã vạch phân tử ADN cho các giống đó. Nếu làm mã vạch phân tử thì cho kết quả nhanh hơn nhưng chính xác nhất vẫn là giải mã hệ gen.

Hiện nay, các viện nghiên cứu như: Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Công nghệ sinh học, Viện Di truyền nông nghiệp… đều có các phòng thí nghiệm và đội ngũ các nhà khoa học có thể thực hiện tốt việc phân tích mã vạch phân tử ADN hay giải mã hệ gen các giống lúa.

Tương lai sẽ có gạo ngon hơn TBR39

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Văn Hoàn, Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed - đơn vị sở hữu loại gạo thơm TBR39 vừa đoạt giải nhất cuộc thi, khẳng định: Công ty có hơn 50 năm hoạt động chủ yếu ở thị trường phía Bắc. Uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp đã được khẳng định.

Nói về loại gạo thơm TBR39 vừa đoạt giải nhất, ông Hoàn cho biết đây là giống lúa mới được các nhà khoa học lai tạo thành công, ThaiBinh Seed mua bản quyền từ năm 2019 và tổ chức khảo nghiệm. Giống lúa đã qua khảo nghiệm sáu vụ tại nhiều địa phương phía Nam. Loại gạo TBR39 đã được bán trên thị trường từ đầu năm 2022. “Tôi cho rằng trong tương lai sẽ có giống gạo ngon hơn cả TBR39...” - ông Hoàn nói.

Đầu bếp đang thử nếm tại cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam” lần thứ 3 năm 2022. Ảnh: QH

Đầu bếp đang thử nếm tại cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam” lần thứ 3 năm 2022. Ảnh: QH

Nguồn: [Link nguồn]

Lúa gạo đổi màu đen

Dù đã thu hoạch lúa từ vụ mùa đông xuân, nhưng nông dân thôn Phước Thuận - Phước Hậu xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) không dám lấy gạo ăn vì lúa, gạo sau...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo QUANG HUY ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN