Lục Vân Tiên, hiệp sĩ thời nay: Ai bảo vệ?

Hiện nay tại TPHCM xuất hiện nhiều mô hình “hiệp sĩ đường phố” hoạt động săn bắt cướp,... Tuy nhiên các mô hình này đều tự phát, xuất phát từ thấy chuyện bất bình, ra tay nghĩa hiệp, chưa được tổ chức, quản lý và hỗ trợ.

Lục Vân Tiên, hiệp sĩ thời nay: Ai bảo vệ? - 1

“Hiệp sĩ đường phố” TPHCM trong một lần bắt giữ hai đối tượng cướp giật tài sản ở quận 10, TPHCM.

Qua sự việc 2 “hiệp sĩ” của nhóm “hiệp sĩ” Trần Văn Hoàng bị đâm chết khi truy bắt trộm xe máy, “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến mong muốn các “hiệp sĩ” săn bắt cướp ở TPHCM được sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn từ các cơ quan chức năng để anh em có động lực phấn đấu, cống hiến cho xã hội.

Nỗi lòng “hiệp sĩ”

 “Hiệp sĩ” Minh Tiến nói: Hàng chục năm qua, tôi cùng đồng đội phải bỏ tiền túi lang thang khắp các nẻo đường để chống lại cái ác. Sự cực nhọc và hi sinh thì xã hội đã thấy và ghi nhận. Mong muốn anh em được chính quyền mở những buổi huấn luyện võ thuật, truyền đạt kinh nghiệm và cung cấp dụng cụ hỗ trợ. Vì nhiều lúc đối tượng chống trả, anh em chỉ ngoài hai bàn tay trắng, còn tự ý dùng cụng cụ hỗ trợ như còng số 8, hung khí trấn áp đối tượng nếu gây thương vong thì vi phạm pháp luật”.

“Hiệp sĩ” Lâm Hiếu Long, đội trưởng Đội săn bắt cướp TPHCM cho biết, hiện nay các đối tượng trộm cắp, cướp giật manh động, sử dụng hung khí, hàng nóng, xe độ đi gây án nên các “hiệp sĩ” gặp khó khi truy bắt, gặp nhiều nguy hiểm hơn. Anh Long mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ để các nhóm “hiệp sĩ đường phố” hoạt động hiệu quả hơn như có thể đào tạo về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, hỗ trợ công cụ,…

Hoạt động sôi nổi trong những năm gần đây, “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải (trưởng nhóm “hiệp sĩ” Bình Dương) cho biết: “Xét trên bình diện chung thì anh em “hiệp sĩ” ở Bình Dương được chính quyền hỗ trợ tốt hơn các nơi khác. Mỗi tháng chúng tôi được công an tỉnh, chính quyền cung cấp một ít kinh phí, xăng, có những buổi huấn luyện võ thuật…

Chúng tôi hoạt động có sự giám sát của công an sở tại. Nhiều vụ đối tượng manh động, nguy hiểm, anh em kết hợp với lực lượng công an. Sáu năm qua, các “hiệp sĩ” Bình Dương cũng được võ sư Lê Hoàng Mai - Trưởng CLB võ Aikido quận Tân Bình (TPHCM) huấn luyện miễn phí”.

“Khi hay tin về vụ việc 2 “hiệp sĩ” chết và 4 người bị thương, anh em chúng tôi rất buồn, nhưng không có nghĩa là dừng lại công việc mà chúng tôi đã chọn. Tôi cũng đã trấn an anh em trong nhóm phải mạnh mẽ hơn để góp phần bảo vệ bình yên cho người dân”, “hiệp sĩ” Hải nói.

Thiếu hành lang pháp lý

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, hiện nay mô hình “hiệp sĩ đường phố” tại TPHCM hình thành trên cơ sở tự nguyện, tự phát của các thành viên trong nhóm, chưa có cơ sở pháp lý về mô hình này. Thành phố khuyến khích mô hình này như một mô hình phong trào toàn dân phòng chống tội phạm, khi người dân, các “hiệp sĩ” có thành tích bắt trộm cướp… thì động viên, khen thưởng.

Trao đổi với Tiền Phong, đại tá Huỳnh Ngọc Phương, nguyên Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (V28, Bộ Công an), cho biết, hiện nay cả nước chỉ có tỉnh Bình Dương là có mô hình “Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm” hoạt động có tổ chức, có quy định chức năng, quyền hạn và được chính quyền địa phương công nhận, quản lý bằng các quyết định.

Theo ông Phương, hiện nay luật cũng chưa quy định cơ chế, chức năng, quyền hạn, chính sách cho lực lượng “hiệp sĩ đường phố”. Đây là mô hình “đẻ” ra từ thực tiễn của địa phương. Các nhóm “hiệp sĩ đường phố” tại TPHCM thì trước nay chưa có cơ chế thành lập, quản lý mà chỉ hoạt động tự phát.

Tuy nhiên, đại tá Phương cho rằng, mô hình “hiệp sĩ đường phố” tại TPHCM cũng nên đưa vào diện cần có cơ chế quản lý. Nhưng việc này còn tùy vào tình hình địa phương. Do đó, có địa phương triển khai được như ở Bình Dương, còn lại nhiều nơi chưa triển khai được, trong đó có TPHCM.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TPHCM) ủng hộ mô hình này dưới dạng câu lạc bộ tự nguyện.

 “Nhưng cá nhân tôi cho rằng không nên khuyến khích. Tôi mong muốn các mô hình “hiệp sĩ đường phố” sẽ không phát triển thêm hoặc sẽ dần giải tán. Thay vào đó cảnh sát phải tuần tra, kiểm soát ngày đêm để đảm bảo an ninh”, luật sư Chánh nói.

Còn luật sư Lê Quang Vũ, Phó trưởng văn phòng luật sư Người nghèo, cho rằng mô hình “hiệp sĩ đường phố” không cần thiết hợp pháp hóa thành một lực lượng như bảo vệ dân phố. Hiện nay, để bảo vệ trật tự trị an, ngoài công an còn có lực lượng bảo vệ dân phố theo nghị định 38CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ.

Đã bắt giữ một nghi can

Ngày 14/5, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Bình Chánh trước kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã đề nghị đại biểu Ngô Minh Châu, thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an TPHCM thông tin nhanh về vụ trộm xe máy đặc biệt nghiêm trọng vừa diễn ra làm 2 người chết.

Theo thiếu tướng Ngô Minh Châu, vụ trọng án xảy ra trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3). Nhóm trộm xe gồm 4 đối tượng trang bị hung khí đi xe máy dọc các tuyến đường trung tâm để tìm kiếm nạn nhân. Hành vi của các đối tượng lọt vào tầm ngắm của các “hiệp sĩ” đường phố. 

Nhóm “hiệp sĩ” đường phố có 7 người lặng lẽ bám theo các đối tượng khả nghi. Đến đường Cách Mạng Tháng Tám thì một đối tượng nhảy xuống xe tiến đến chiếc xe Honda Sh đậu trên lề và nhanh chóng sử dụng đoản để mở khóa. Ngay lập tức các “hiệp sĩ” ập đến khống chế.

Các đối tượng đã chống trả quyết liệt. Một đối tượng rút dao tự chế đâm liên tiếp làm hai “hiệp sĩ” tử vong; 3 “hiệp sĩ” bị thương nặng. Sau khi gây án, các đối tượng đã bỏ trốn. 

Chiều 14/5, nguồn tin của Tiền Phong cho biết công an quận 3 đang làm việc với một nghi phạm có liên quan đến vụ án.

Theo công an quận 3, qua trích xuất camera an ninh trong khu vực cũng như lấy lời khai nhân chứng, công an đã xác định được một nghi can có nghi vấn liên quan đến vụ án và đã bắt giữ.

Theo luật sư Phạm Minh Tâm - Trưởng văn phòng luật sư Phạm Minh Tâm (Đoàn luật sư TPHCM), về lâu dài, nếu xét thấy cần thiết lãnh đạo TPHCM nên có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, thừa nhận lực lượng “hiệp sĩ” như là lực lượng an ninh nhân dân, bổ trợ cho các lực lượng công an trong việc truy bắt tội phạm, đồng thời, tái lập lực lượng săn bắt cướp hoạt động trên tất cả các quận huyện. Nếu được công nhận, lúc đó “hiệp sĩ” sẽ được trang bị công cụ hỗ trợ và huấn luyện mang tính chuyên nghiệp để chống lại kẻ xấu và bảo vệ bản thân.

Chiều 14/5, tại trụ sở Ban đại diện báo Tiền Phong, đại diện Công ty CP đầu tư Lạc Hồng đã chuyển 100 triệu đồng để thông qua báo trao tặng 5 “hiệp sĩ” thương vong trong quá trình truy bắt nhóm trộm xe tối 13/5. Chiều qua, đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM đã đến thăm hỏi và trao 20 triệu đồng cho gia đình “hiệp sĩ” Nguyễn Hoàng Nam ở xã Suối Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Chủ tịch UBND TPHCM: Sẽ có biện pháp bảo vệ “hiệp sĩ”

Đến thăm các “hiệp sĩ” trong vụ cướp táo tợn vào tối 13/5 bị thương, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TPHCM đã gửi lời cảm ơn đến tập thể anh em “hiệp sĩ đường phố” Sài Gòn với những nghĩa cử cao đẹp, đã không quản nguy hiểm, xả thân bảo vệ tài sản, bảo vệ bình yên cho nhân dân thành phố.

“Nếu như trong tình huống vừa qua, các anh em hiệp sĩ được trang bị, bảo hộ thì đã không có người phải chết, có người bị thương nặng như vậy. Tôi sẽ làm việc với công an thành phố để tìm giải pháp bảo vệ anh em “hiệp sĩ”. Không có lý do gì mà chúng ta không có biện pháp bảo vệ anh em”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Trao đổi với Tiền Phong chiều qua, đại diện BV Thống Nhất TPHCM và bệnh viện Nhân dân 115, nơi 3 “hiệp sĩ” Đinh Phú Quý, Nguyễn Đức Huy và Trần Văn Hoàng đang điều trị cho biết, hiện tại 3 “hiệp sĩ” đã qua cơn nguy kịch. Hầu hết các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng nặng, trong đó bệnh nhân Quý bị mất nhiều máu do vết chém gây đứt động mạch. Bệnh nhân Huy bị đâm thủng phổi, tràn khí lồng ngực và bệnh nhân Trần Văn Hoàng bị đa chấn thương, vết dao đâm sâu 20cm gây lòi ruột.

Hỗ trợ áo giáp cho “hiệp sĩ”

Chiều 14/5, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn công tác của Thành ủy đến thăm, chia sẻ động viên các “hiệp sĩ” Đinh Phú Quý, Nguyễn Đức Huy và Trần Văn Hoàng đang điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất và Nhân dân 115 TPHCM.

 “Thay mặt lãnh đạo TP, chúng tôi rất cám ơn anh và các em trong nhóm của hiệp sĩ Tân Bình. Chúng tôi suy nghĩ là anh em bảo vệ bình yên khu phố nhưng không có công cụ nào trong người, nên sắp tới phải làm sao để vận động mỗi người phải có áo giáp, chứ tay không mà gặp tội phạm có vũ khí thì rất nguy hiểm. TPHCM hiện có hơn 100 hiệp sĩ, TP sẽ vận động các mạnh thường quân hỗ trợ áo giáp cho các hiệp sĩ trong thời gian tới” - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.

Gia đình, làng xóm đau đớn đón linh cữu 'hiệp sĩ' Sài Gòn

Hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam đã được gia đình đưa về quê tại xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai vào chiều nay...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhóm PV (Tiền Phong)
Hai hiệp sĩ bị trộm đâm chết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN