Lũ dữ miền Trung: Tang thương xóm nghèo dưới “tử địa” lở núi

Chỉ trong tích tắc, 5 người ở những ngôi làng dưới ngọn núi thôn Đàng Bộ đã bị chôn vùi, thiệt mạng.

Lũ dữ miền Trung: Tang thương xóm nghèo dưới “tử địa” lở núi - 1

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Lê Đình Thọ, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiểm tra hiện trường “điểm nóng” sạt lở ở thôn Đàng Bộ (thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My) khiến 5 người tử vong - Ảnh: Dương Nguyễn

Không phải tâm bão số 12 đổ bộ nhưng mưa lũ hoành hành khiến Quảng Nam cùng nhiều địa phương miền Trung thiệt hại nặng nề. Tang thương phủ theo biển nước.

Đại tang xóm núi

Mưa bao phủ khắp đất trời Trà My. Đường vào xóm nhỏ Đàng Bộ thêm trơn trượt, nhếch nhác. Đầu làng, tiếng khóc vang vọng, hòa tiếng chiêng bi ai xen cùng tiếng mưa như trút. Chỉ trong tích tắc, vụ sạt lở kinh hoàng tối 5/11 đã khiến 9 nạn nhân bị vùi lấp. Bốn người may mắn được cứu thoát. Nhưng 5 mạng người xấu số trong 2 gia đình mãi mãi ra đi dưới các lớp bùn đất như mang theo cơn thịnh nộ của thiên nhiên gồm: Hồ Thị Ái (SN 1983), Võ Thị Hồng (SN 1951), Nguyễn Thành Phương (SN 1991), Nguyễn Thị Đắc (SN 1972), Đỗ Mỹ (cùng trú thôn Đàng Bộ). Riêng ông Đỗ Mỹ phải đến trưa 6/11 mới tìm thấy thi thể đưa về mai táng.

Nước mắt hòa nước mưa, anh Nguyễn Thanh Bình thẫn thờ nhìn ba cỗ quan tài của vợ (chị Hồ Ái), cùng mẹ (bà Hồng) và em trai (Thành Phương) trong tận cùng nỗi đau mất mát. Theo anh Bình, tối đó, anh được phân công vào tổ trực kiểm tra khai thác khoáng sản trái phép của huyện ở núi Nước Oa. Khi về đến nhà mới hay tin đã mất 3 người thân. “Tối đó, không hiểu sao tôi nóng ruột lắm, nói với mấy anh em trong tổ là mai nhất định phải về nhà xem mưa gió thế nào. Giờ ngồi trước mẹ, em và vợ, thật chẳng biết làm sao”, nói rồi anh quay vội. Anh Đỗ Hạnh cũng một lúc mất cả cha (ông Đỗ Mỹ) và vợ (Nguyễn Thị Đắc), không khỏi bàng hoàng, đau xót: Tôi nghe tiếng nổ lớn. Ngay sau đó, đất đá, nước cứ ầm ầm chảy xuống. Mọi người tá hỏa phi thân ra ngoài nhưng cha và vợ không kịp.

Hai ngày qua, các lực lượng chức năng Quảng Nam, Bắc Trà My dốc toàn lực triển khai công tác ứng cứu. Tuy nhiên, sau những lớp bùn đất nhầy nhụa, từng thi thể được đưa lên khiến mọi người thêm đau xót. Thượng tá Trần Cao Thái, Chỉ huy trưởng BCH quân sự huyện Bắc Trà My cho biết: Đây là khu vực đồi núi, dốc và trong điều kiện mưa gió, tối tăm nhưng các công tác cứu hộ, cứu nạn tập trung cao nhất. Chỉ tiếc các nạn nhân đều đã tử vong. Hơn 12 tiếng đồng hồ vật lộn với bùn đất, thi thể cuối cùng cũng được tìm thấy. Hay tin hàng xóm gặp chuyện xấu, bà Đoàn Thị Thoa (thôn Đàng Bộ, thị trấn Trà My) tất tưởi qua thăm hỏi. Theo bà Thoa, sống dưới triền núi, nhiều hộ dân nơm nớp mỗi khi bão lũ về, nhưng không ngờ tang thương này lại quá lớn.

Lũ dữ miền Trung: Tang thương xóm nghèo dưới “tử địa” lở núi - 2

Người thân gia đình anh Bình, anh Hạnh vẫn bàng hoàng khi kể lại vụ sạt lở núi kinh hoàng cướp đi 5 mạng người tại thôn Đàng Bộ (thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) - Ảnh:Dương Nguyễn

Ngay ngáy vấn nạn sạt lở

Đến tối muộn 6/11, gần 200 người thuộc các lực lượng chức năng vẫn tích cực tìm kiếm 4 nạn nhân bị chôn vùi trong vụ sạt lở đất trên QL14E đoạn qua xã Phước Hòa (huyện Phước Sơn, Quảng Nam). Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Đình Tùng, Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm các nạn nhân. Ước tính, có hơn 5.000m3 đất đá sạt lở, cắt đường đoạn tuyến QL14E này.

Theo các hộ dân, vụ việc xảy ra từ khoảng 11h trưa 5/11, trên tuyến đường 14E đoạn qua xã Phước Hòa. Thời điểm này có 4 người đi trên 2 xe máy bị mắc lầy. Thấy vậy, anh Hồ Văn Chước là cán bộ kiểm lâm và một người nhà ở gần đó chạy đến hỗ trợ người mắc lầy. Liền lúc đó, một quả đồi từ taluy trên đường đổ sập xuống làm 4 người bị vùi lấp hoàn toàn. 2 người tham gia ứng cứu đều bị thương.

Ông Hồ Công Điểm, Chánh văn phòng UBND huyện Phước Sơn cho biết: Hiện, danh tính các nạn nhân đã được cơ quan chức năng xác định. Cả 4 nạn nhân đều là người dân tộc thiểu số tại huyện Phước Sơn. Ngay sau khi tiếp nhận sự việc, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng lãnh đạo UBND huyện Phước Sơn lập tức huy động lực lượng công an, quân sự và các lực lượng khác tiếp cận hiện trường tìm kiếm nạn nhân. Tuy nhiên, với diễn biến mưa lũ hiện nay, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn do sạt lở, ngập úng kéo dài.

Đến chiều 6/11, theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh hiện đã có 10 người chết, 15 người bị thương. Mưa to và gió lớn đã làm 3 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn; 107 nhà bị thiệt hại từ 50-70%; khoảng 8.000m kênh mương bị sạt lở; 70m kè sông bị sạt lở và hơn 2.000m bờ sông sạt lở nghiêm trọng; 1.100m bờ biển Cửa Đại, TP Hội An bị sạt lở; 500m bờ biển Cửa Lở (huyện Núi Thành); 42 vị trí trên các tuyến quốc lộ (40B, 14B, 14D, 14E, 40B và 24C) bị sạt lở với tổng khối lượng khoảng 10.902m3. Đường tỉnh lộ có 200m chiều dài bị sạt lở với khoảng 5.330m3; 5 cầu, cống qua đường bị hư hỏng. Đặc biệt, cầu Hà Tân (huyện Duy Xuyên) đã bị sụt lún nghiêm trọng.

Tập trung cứu người là trách nhiệm cao nhất

Trong ngày 6/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ… cùng lãnh đạo các đơn vị chức năng trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đoàn đến “điểm nóng” sạt lở Bắc Trà My chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân vụ sạt lở kinh hoàng tối 5/11 khiến gần 10 người thương vong. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tìm kiếm người mất tích là trách nhiệm chung của chúng ta. Các lực lượng cứu hộ khẩn trương tìm kiếm người mất tích; ngành Công an huy động lực lượng bảo đảm ATGT, an toàn tài sản Nhà nước và nhân dân...

Thăm hỏi, chia sẻ mất mát người dân vùng lũ Bắc Trà My (Quảng Nam), Bình Sơn (Quảng Ngãi), Phó Thủ tướng chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các hoạt động cứu trợ, cung cấp thực phẩm, nước uống, thuốc men..., đảm bảo đời sống cho bà con; đề nghị địa phương kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu ngành GTVT rà soát, có biện pháp khắc phục, phân luồng, đảm bảo giao thông, tuyệt đối không để người dân lưu thông trong điều kiện nước ngập đường, các đoạn tuyến nguy cơ sạt lở…VPMT

Mưa to, lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Định có khả năng lên lại

Theo cơ quan khí tượng, mực nước trên các sông ở Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên đang lên lại; các sông ở Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam và Bình Định, Khánh Hòa đang xuống. Mực nước lúc 19h hôm qua (6/11) trên một số sông như sau: Sông Bồ (Thừa Thiên - Huế) tại Phú Ốc 3,64m, trên BĐ2 0,64m; Sông Hương (Thừa Thiên - Huế) tại Kim Long 2,72m, dưới BĐ3 0,72m; Sông Vu Gia (Quảng Nam) tại Ái Nghĩa 9,19m, trên BĐ3 0,19m... Trong 12 giờ tới, lũ trên các sông ở Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên tiếp tục lên. Trong 24 giờ tiếp theo trên địa phận từ Quảng Trị đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên tiếp tục có mưa to đến rất to. Lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Định có khả năng lên lại. 

Ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng tiếp tục xảy ra ở vùng trũng thấp tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định...

H.Minh

Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ

Chiều 6/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến khắc phục hậu quả tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của bão số 12.

Sau khi nghe các bộ, ngành liên quan báo cáo, phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại; các cơ quan chức năng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện; lực lượng Quân khu 5 dừng việc huấn luyện để tập trung khắc phục giúp nhân dân; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương trong vùng bão lũ... Bên cạnh đó, các bộ có chức năng phải trực tiếp xuống các địa phương để kiểm tra, xử lý, giải quyết những vấn đề đặt ra ở địa phương. “Phải giải quyết gạo đến dân kịp thời nhất, cơ số thuốc mà Bộ Y tế giải quyết cho các địa phương phải đưa đến dân sớm nhất. Đề phòng dịch bệnh sau lũ cần phải làm ngay, chứ không phải có dịch bệnh rồi mới làm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hoài Vũ

QL1 thông, nhiều tuyến quốc lộ khác bị cắt đường

Chiều tối 6/11, theo lãnh đạo Cục QLĐB III (Tổng cục Đường bộ VN), hiện việc lưu thông trên tuyến QL1 cơ bản đảm bảo. Các vị trí bị ngập nước, ách tắc lưu thông cục bộ được xử lý, phương tiện có thể thông suốt khi nước rút từ chiều cùng ngày (6/11). Tuy nhiên, theo thống kê của Cục QLĐB III, hàng loạt vị trí hư hại, sạt lở trên các đoạn tuyến QL1 từ Đà Nẵng - Khánh Hòa, đòi hỏi các chủ phương tiện đảm bảo tốc độ, khoảng cách lưu thông, tuân thủ điều tiết của cơ quan chức năng trong các tình huống nước dâng bất thường.

Đáng lo ngại, ngoài QL1, các tuyến quốc lộ, đường Trường Sơn Đông (nhánh Tây), đường Hồ Chí Minh… vẫn còn nhiều vị trí hư hỏng, sạt lở nặng gây cắt đường, hạn chế lưu thông. Trực tiếp kiểm tra hiện trường hư hại QL27C (nối Khánh Hòa - Đà Lạt) chiều 6/11, Cục trưởng Cục QLĐB III Cao Xuân Giao cho hay: Cả chục nghìn khối đất đá sạt trượt, nước xói lở mặt đường gây cắt đường hoàn toàn tại đoạn tuyến Km56 - Km57. Theo ông Giao, nhanh nhất trong vòng 1 tuần mới có thể thông xe toàn tuyến Đà Lạt - Nha Trang.

Tàu tránh bão tại phao số 0 vì cảng Quy Nhơn hết chỗ

Tối 6/11, trao đổi với Báo Giao thông, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Hoàng - trực tiếp tại Trạm tiền phương Bình Định công tác tìm kiếm các thuyền viên trên tàu hàng gặp nạn biển Quy Nhơn cho biết: Trong ngày, tìm được 5 thi thể nhưng chưa xác minh cụ thể là các thuyền viên hay ngư dân, lực lượng nào. Trao đổi về vấn đề nhiều tàu hàng phải buộc trú ở phao số 0, ông Hoàng cho hay: Cục đã báo cáo lên Bộ GTVT về vấn đề này. Kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy, thời điểm trước bão số 12, 7 vị trí neo đậu ở cảng Thị Nại, cảng Quy Nhơn đã quá tải. Bình thường chỉ có chỗ cho hơn 20 tàu, nhưng ngày 3/11 có đến hơn 50 tàu hàng neo đậu. Số tàu khác phải dạt ra ngoài. “Chúng tôi gặp các thuyền viên, chủ tàu tìm hiểu, họ xác nhận việc này. Nhiều thuyền viên phản ánh do nghe thông tin Bình Định không phải tâm bão nên nhiều tàu hàng từ Khánh Hòa, Phú Yên, các địa phương lân cận cũng dạt vào trú tránh, dẫn đến quá tải”, ông Hoàng nói.

Xuân Huy (Ghi)

Chùm ảnh: Nước lũ mênh mông như biển khơi, làng mạc thành ốc đảo

Nước lũ mênh mông như biển khơi khiến các căn nhà bị ngập nặng và trông như một ốc đảo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo X.Huy - D.Nguyễn - T.Hồng (Báo Giao thông)
Lũ lụt ở miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN