Lấy tín nhiệm: “Quan chức nhạy cảm lắm”

“Cán bộ của ta nhạy cảm lắm, không cần nhắc trực tiếp họ có phiếu tín nhiệm thấp, họ cũng biết để nhìn lại mình”, ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó ban Tổ chức TƯ Đảng nói với PV.

Có 3 loại cán bộ

Vừa qua, Quốc hội và một số địa phương đã hoàn thành lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội hoặc HĐND bầu. Ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?

Tôi cho rằng, Quốc hội lấy phiếu như vậy là một tiến bộ trong cơ chế kiểm soát quyền lực, đó là cơ chế dân chủ trong cơ quan dân cử. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, nhắc nhở và tỏ thái độ của cử tri với những chức danh chủ chốt ở Trung ương và địa phương.

Riêng về kết quả lấy phiếu tín nhiệm, nếu hỏi rằng, chính xác hay chưa? Có lẽ cần phải bàn thêm. Bởi có thể, người làm nhiều, hay phải “va chạm” với cơm áo, gạo tiền của nhân dân thường không “được phiếu” bằng ít va chạm...

Ví dụ, kết quả lấy phiếu tín nhiệm thường cho thấy, các chức danh phía cơ quan hành pháp mất phiếu nhiều hơn cơ quan lập pháp. Có thể công việc của các bộ trưởng thường phải “đụng chạm” đến cuộc sống người dân hơn nên bị giám sát chặt hơn, dễ mất phiếu hơn các chủ nhiệm UB của Quốc hội.

Nhưng cần nói thêm rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội và một số địa phương vừa qua, tôi cho rằng khá chính xác ở những vị trí có tín nhiệm thấp. Ví dụ, có những giám đốc sở, phó chủ tịch tỉnh... có kết quả tín nhiệm thấp nhất là hoàn toàn chính xác.

Những chức danh tín nhiệm thấp, nên có biện pháp nhắc nhở họ không, thưa ông?

Cần gì phải ai bảo! Công bố công khai kết quả trên báo chí như vậy cũng là cách nhắc nhở các cán bộ rồi. Bên cạnh đó, cán bộ của ta nhạy cảm lắm, khi công bố công khai, dư luận bàn tán, nên không cần nhắc trực tiếp, họ cũng biết để nhìn lại mình.

Lâu nay, quan chức của ta, ai vào thì vào, ai ra thì ra, chẳng biết tín nhiệm cao hay thấp. Giờ làm vậy, giống một cách răn đe người có khuyết điểm.

Nhưng qua việc này, quan chức sẽ cẩn trọng hơn, không loại trừ khả năng có những vị không dám nói dám làm, mà ngồi im cho an toàn?

Tất nhiên các chức danh sẽ cẩn trọng hơn và kín đáo hơn. Nhưng cũng không phải lo cái tốt khoe khoang, cái xấu “ỉm” đi. Bởi trong điều hành công việc, ai kém, ai tốt sẽ bộc lộ qua hiệu quả công việc và tác động đến xã hội. Nếu không làm, không được việc gì, con mắt của nhân dân cũng sẽ biết qua hiệu quả công việc.

Hiện nay có ba loại cán bộ, thứ nhất là làm tốt, nhân dân tôn vinh; thứ hai làm đâu hỏng đó và cuối cùng là chả làm được gì, sáng vác ô đi, tối vác về.

Lấy tín nhiệm: “Quan chức nhạy cảm lắm” - 1

Ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó ban Tổ chức TƯ Đảng

Chỉ nên tín nhiệm hoặc không tín nhiệm?

Có ý kiến cho rằng, quy định 3 mức tín nhiệm như hiện nay tạo sự an toàn cho các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm. Quan điểm của ông thế nào?

Không nên để 3 mức tín nhiệm như hiện nay gồm tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Bởi vì làm sao đo được tín nhiệm cao – tín nhiệm thấp? Thước nào có thể đo được như vậy? Các nước khác cũng vậy, chỉ có hai mức, tín nhiệm và không tín nhiệm. Theo tôi, nước ta cũng nên chỉ có hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm.

Vậy theo ông qua đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, cần rút ra kinh nghiệm gì?

Qua đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi, tôi thấy rằng kết quả có công khai, nhưng tiêu chí đánh giá chức danh tín nhiệm thấp, cao... thì không ai biết. Tôi cho rằng, cần phải công khai các tiêu chí đánh giá cho dân biết.

Ngoài ra, cần định lượng hóa tiêu chuẩn đánh giá, cụ thể cán bộ tín nhiệm cao cần phải có các tiêu chí: dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; lối sống gương mẫu; biết nghe ý kiến người dân.

Qua đây cũng nói thêm về ý kiến cho rằng, chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh bên cơ quan hành pháp. Tôi cho rằng, không cần phân biệt hành pháp hay lập pháp, mà cứ theo ba tiêu chí như tôi vừa nói mà lấy phiếu.

Ở các địa phương mới chỉ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Theo tôi, cần bổ sung thêm các chức danh đứng đầu ngành, các giám đốc sở đều phải làm tất để dân có cơ hội đánh giá.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN