Lần đầu tiên trong năm 2020, hồ Hòa Bình phải mở cửa xả đáy thoát lũ

Sự kiện: Tin ngắn

Thủy điện Hòa Bình đã được lệnh mở cửa xả đáy để thoát lũ trong bối cảnh mưa lũ tại thượng nguồn sông Hồng diễn biến phức tạp.

Hồ Hòa Bình được lệnh mở cửa xả đáy để thoát lũ. Ảnh minh họa Việt Linh.

Hồ Hòa Bình được lệnh mở cửa xả đáy để thoát lũ. Ảnh minh họa Việt Linh.

Ngày 29/9, Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công điện hỏa tốc gửi các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình và Thác Bà về kế hoạch xả lũ thủy điện.

Theo đó, hồi 11h sáng 29/9, mực nước hồ Sơn La ở cao trình 215,67m, lưu lượng đến hồ 3.320m3/s; mực nước hồ Hòa Bình ở cao trình 116,69m, lưu lượng đến hồ 3.313m3/s; mực nước hồ Thác Bà ở cao trình 57,89m, lưu lượng đến hồ 547m3/s.

Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã lệnh Công ty Thủy điện hồ Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy vào 8h sáng mai (30/9).

Đại diện Công ty thủy điện Hòa Bình cho biết, đây là lần đầu tiên trong năm 2020, thủy điện Hòa Bình được lệnh mở cửa xả đáy để thoát lũ.

Đồng thời, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai nhận định, tình hình mưa lũ thượng nguồn còn diễn biến phức tạp, tùy theo tình hình thực tế có thể tiếp tục phải mở thêm cửa xả đáy của các hồ Sơn La, Hòa Bình và Thác Bà.

Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra, Ban Chỉ đạo Trung ương đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng tổ chức thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông… biết thông tin xả lũ để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.

Rà soát phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là các trọng điểm đê điều, khu vực sạt lở bờ sông tại tổ 26, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình và các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng ứng phó.

Chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông tăng thời lượng và tần suất đưa tin trên các phương tiện, nhất là hệ thống phát thanh tại các phường, xã về việc xả lũ các hồ chứa; đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ năng phòng tránh lũ cho người dân và các cơ quan, đơn vị liên quan để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra.

Báo cáo kết quả triển khai thực hiện trong thời gian vận hành xả lũ về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về PCTT trước 16h hàng ngày hoặc khi có tình huống phát sinh.

Công trình thủy điện Hòa Bình có công suất lớn nhất Đông Nam Á, được khởi công từ năm 1979 đến 1994, cung cấp khoảng 1/3 sản lượng điện Việt Nam. Nó có bốn nhiệm vụ chủ yếu: Cắt lũ, phát điện, cấp nước tưới và giao thông thủy.

Dung tích hồ chứa là 9 tỷ m3, chiều dài đập 734 m, chiều cao 128 m. Công suất thiết kế của công trình là 1.920 MW, mực nước dâng tối đa là 120 mét.

Nguồn: [Link nguồn]

Nước lũ dâng cao, Thủy điện Hòa Bình và Sơn La tiếp tục mở cửa xả đáy

Nước lũ đang dâng cao và nhận định mưa lũ còn diễn biến phức tạp, thủy điện Hòa Bình và Sơn La đã nhận lệnh mở...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN