Lại có người chết vì tiết canh

Khoảng 2 tháng trở lại đây, số bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn vào cấp cứu tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương có dấu hiệu tăng lên. Đặc biệt, sau hơn 1 năm không có ca tử vong do bệnh này thì mới đây tại BV này lại phải chứng kiến một trường hợp đau lòng mà nguyên nhân cũng chỉ vì thói quen ăn tiết canh.

Còn ăn tiết canh, bệnh còn tăng

Tại khoa Hồi sức tích cực của BV Bệnh nhiệt đới trung ương ngày 29/8 vẫn còn 2 bệnh nhân nặng điều trị bệnh liên cầu khuẩn lợn. Cả 2 trường hợp đều là nam giới, khoảng hơn 50 tuổi, nhập viện cách nhau vài ngày. Nhờ được điều trị tích cực, thở máy liên tục nên hiện tình trạng của cả 2 bệnh nhân này đều đã có tiến triển, thoát sốc, hết nốt xuất huyết, không hoại tử, tuy nhiên vì cả 2 đều bị suy thận nên việc điều trị còn khó khăn và chưa thể nói trước thời điểm nào có thể xuất viện.

Trước đó không lâu, khoa cũng tiếp nhận 4, 5 bệnh nhân liên cầu khuẩn khác vào điều trị, có trường hợp xác định được nguyên nhân cũng có trường hợp không tìm được nguồn lây, trong đó một bệnh nhân hơn 90 tuổi vẫn mắc bệnh chỉ vì… thèm ăn một bát tiết canh lợn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu - BV Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, dù đã được cảnh báo rất nhiều song số bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn vì tiếp xúc, giết mổ, đặc biệt là ăn tiết canh lợn vẫn xuất hiện rải rác. Khoảng 2 tháng trở lại đây, số bệnh nhân vào cấp cứu tại khoa tăng lên đáng kể so với những tháng trước.

Đáng chú ý, sau hơn 1 năm không có ca tử vong do bệnh này thì mới đây BV Bệnh nhiệt đới trung ương lại ghi nhận ca tử vong mới. Đó là một bệnh nhân nam, ngoài 40 tuổi, ở Hà Nam, vào viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn quá nặng, suy thận, sau 2 ngày điều trị thì biến chứng và tử vong. Qua tìm hiểu từ phía gia đình người bệnh được biết, bệnh nhân này nghiện rượu và đặc biệt khoái khẩu món tiết canh, hầu như sáng nào cũng điểm tâm bằng bát tiết canh và chén rượu.

Theo các bác sĩ, tuy tình trạng bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn tăng lên trong 2 tháng vừa qua chưa thể hiện rõ một xu thế bất thường nào song một lần nữa cho thấy những lo lắng rất lớn về ý thức phòng bệnh của người dân. Hơn nữa, bệnh do nhiễm liên cầu khuẩn từ lợn có chiều hướng gia tăng vào mùa nắng nóng và nhất là khi dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn vẫn còn phức tạp.

Nhiều thể bệnh phức tạp

Các bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Bệnh nguy hiểm ở chỗ có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn. Những người bị mắc bệnh chết còn do nhiễm độc tố vi khuẩn, gây hiện tượng sốc. Có người chỉ qua 3 ngày đã bị sốc nhiễm khuẩn, nhưng có trường hợp phải 10 ngày mới diễn biến nặng, tùy vào cơ địa của từng người. Một bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, còn những người bị nhiễm trùng huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng.

Tuy nhiên, đó là những thể bệnh điển hình, trong khi trên thực tế có những thể bệnh đặc biệt hiện chưa thể lý giải được. Bác sĩ Cấp cho biết, có những bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn bị biến chứng nặng là do tình trạng sốc nhiễm khuẩn trên một cơ thể yếu lại nghiện rượu, cũng có những trường hợp phát hiện ra là biến chứng nặng ngay tức thì, chỉ cần điều trị chậm chút ít có thể tử vong.

Dù vậy, có một điểm chung quan trọng mọi người cần chú ý, đó là những người chăn nuôi lợn, người vận chuyển thịt lợn, người chế biến thịt lợn, nhất là những người có thói quen ăn các sản phẩm tươi sống từ thịt lợn như tiết canh, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn đến 1.500 lần so với những người khác.

Chưa có vaccine phòng liên cầu khuẩn lợn

Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh liên cầu khuẩn lợn cho người. Do đó các bác sĩ khuyến cáo việc phòng bệnh chủ yếu là phải kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn để ngăn chặn sự lây lan sang người. Những người nội trợ có vết thương ở da nên đeo găng khi tiếp xúc với thịt lợn sống. Không mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết vì đó rất có thể là lợn bị bệnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tiến Hưng (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN