Lạ lùng xe buýt Hà Nội mỗi lần qua cầu phải mở khóa

Sự kiện: Tin nóng

Mỗi khi qua cầu Chiếc nối giữa hai huyện Quốc Oai và Thường Tín, xe buýt phải dừng lại. Phụ xe nhảy xuống tay cầm chìa khóa mở barie mới lưu thông được, gây ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Lạ lùng xe buýt Hà Nội mỗi lần qua cầu phải mở khóa - 1

Phụ xe phải xuống mở barie khi lưu thông qua cầu Chiếc

Muốn qua cầu phải mở khóa

Cầu Chiếc (lý trình Km 8+255) nằm trên địa bàn xã Hiền Giang, Thường Tín án ngữ con đường huyết mạch TL427 nối QL21B (Thanh Oai) với QL1 (Thường Tín). Cây cầu được xây dựng từ năm 1999, tải trọng tối đa 10 tấn. Năm 2010, cây cầu đã phải gia cường mặt cầu bằng tấm đan sắt thép do xuống cấp trầm trọng. Để đảm bảo an toàn, đơn vị quản lý đã lắp đặt barie hạn chế chiều cao tối đa (2,1m) đối với phương tiện qua cầu.

Chiều 27/6, trực tiếp có mặt tại đây, PV Báo Giao thông ghi nhận, mỗi lần các dòng  phương tiện xe máy, ô tô đi qua cầu, những thanh sắt lại rung lên bần bật. Đặc biệt, trong thời tiết nắng gắt, mỗi lần xe buýt số 94 đi qua, phụ xe phải dừng lại mở barie.

Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội vừa đề nghị UBND TP Hà Nội bố trí vốn để khởi công dự án cải tạo 8 cầu yếu trên địa bàn Thủ đô trong giai đoạn 2017-2020. Theo đó, 8 cầu yếu bao gồm: Cầu Chiếc (huyện Thường Tín); Suối Hai 1 (huyện Ba Vì); Phú Tiên nối huyện Phú Xuyên (Hà Nội) với huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam); Hạ Dục (huyện Chương Mỹ); Gốm (huyện Chương Mỹ); Hồng Phú (trên địa bàn hai huyện Thanh Oai và Phú Xuyên); Phú Thứ (huyện Thạch Thất); Ái Mỗ (TX Sơn Tây). 

Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Văn Phương, phụ xe tuyến buýt số 94 bộc bạch: “Xe buýt số 94 Giáp Bát - Kim Bài mới được đưa vào hoạt động. Các xe phải đi qua cầu Chiếc nhưng chiều cao lại lớn hơn 2,1m. Do đó,  đơn vị quản lý cầu phải đánh cho mỗi xe buýt một chiếc chìa khóa mở barie. Khi đến đây, chúng tôi phải xuống mở khóa, nâng barie cho xe qua rồi khóa lại để ngăn xe tải lớn”, anh Phương nói và cho biết, mỗi lần xe đi qua đều cảm nhận cầu rất yếu, có những đợt các thanh sắt bị gãy, tạo nhiều lỗ hổng trên cầu, gây mất ATGT cho người dân”.

Anh Nguyễn Văn Luân, người dân ở đây cho biết, cầu Chiếc là cầu liên huyện nhưng lại quá yếu. Những xe trọng tải lớn không đi qua được. “Việc này gây bức xúc lớn cho người dân và các phương tiện khi lưu thông qua cầu. Cầu quá yếu còn làm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương, do khu vực này có nhiều làng nghề nhưng xe trọng tải lớn không vào lấy hàng được”, anh Luân chia sẻ.

Bác Chiến, bán quán nước ngay gần cầu Chiếc bức xúc, nhiều người điều khiển phương tiện qua cầu đã bị ngã bởi phóng vào lỗ hổng của thanh sắt bị gãy. Có lần, tại cây cầu này còn xảy ra TNGT làm một người chết. “Rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng xây dựng cầu mới thay thế cầu Chiếc để người dân đi lại được an toàn”, bác Chiến nói.

Bao giờ được thay mới?

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Công Thản, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thường Tín cho biết, trên địa bàn huyện có 2 cây cầu yếu là cầu Chiếc và cầu xã Tiền Phong. Trước câu hỏi của PV bao giờ mới có cầu thay thế cầu Chiếc, ông Thản cho biết, hiện dự án đầu tư xây cầu mới đã được phê duyệt, chủ đầu tư đã phối hợp với UBND huyện xác định nhu cầu tái định cư cho các hộ dân, công việc tiếp theo chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, như phê duyệt bản vẽ thi công và dự toán. Dự kiến, cầu Chiếc sẽ được thay mới vào năm 2017 - 2018 với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng.

Hiện, cầu Chiếc đã được Sở GTVT có phương án hạn chế tải trọng cưỡng bức bằng cách làm khung cứng. Việc này cũng ảnh hưởng đến lưu thông của phương tiện, nhưng là việc bắt buộc phải làm. Vừa qua, có một số phương tiện tự ý phá khung cứng này nên UBND huyện Thường Tín và TTGT phải phối hợp với đơn vị quản lý đường để sửa chữa lại. Hiện nay, lực lượng chức năng phải tổ chức gác cầu 24/24h để đảm bảo ATGT.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Tươi (Báo Giao thông)
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN