Ký sự rừng sâu: Những "chiến binh" giải cứu voi rừng

Họ phục gần nửa tháng trời trong rừng sâu cứu voi bị bẫy cụt chân. Họ truy tìm tung tích thú bị bẫy trộm rồi bỏ tiền chuộc về để cùng nhau chăm sóc vết thương, nuôi nấng chúng như nuôi con mọn.

Ký sự rừng sâu: Những "chiến binh" giải cứu voi rừng - 1

Y Mưh Byă bên voi Bun Khăm mà anh chăm sóc 19 năm nay.

Bốn con voi ở Vườn quốc gia (VQG) Yok Don đã hy sinh cả tuổi xuân và hạnh phúc riêng để phục vụ con người trong suốt chiều dài tuổi thọ dài hơn đời người. Nhìn cách những nhân viên của vườn chăm sóc thú không khác chăm bầy trẻ nhỏ, những kẻ săn trộm hẳn mới thấy hết tội ác của chúng.

Nằm rừng 11 ngày đêm để tiếp cận chú voi rừng bị nạn

Mùng 2 tết năm ngoái, đội kiểm lâm rừng Yok Don cấp báo đến giám đốc VQG Yok Don, họ vừa phát hiện một con voi rừng bị những kẻ săn trộm bẫy ở khu vực buôn 6. Tình trạng của nó hiện rất trầm trọng: bị cụt mất một bàn chân, đứt mất một mảng vòi, vết thương chi chít khắp thân thể. Giám đốc lệnh ngay cho Y Mưh Byă, vốn là người chăm voi có thâm niên nhất trong vườn, tức tốc lên kế hoạch vào rừng đem cho được con voi bị thương về vườn.

Được kiểm lâm dọn đường, Y Mưh cùng với voi Bun Khăm băng rừng đến gần nơi voi rừng bị thương. Con voi này chỉ khoảng ba tuổi nhưng đã có cặp ngà nhọn và rất hung dữ. Do vậy, Y Mưh và voi Bun Khăm chỉ có thể tiếp cận nó từ xa, rồi rút dần khoảng cách mỗi ngày. Một “thầy”, một “trò” cứ lấy lều làm nhà, nhận đồ ăn tiếp tế cầm cự qua ngày. Muỗi, vắt, nguy cơ bị thú dữ tấn công là chuyện nhỏ. Đến ngày thứ 11 thì người và voi của vườn đã có thể giao tiếp với voi rừng ở cự ly gần nhất. Y Mưh lúc này có thể cho nó ăn mía, ăn chuối để lấy lại sức. Bun Khăm cũng có thể hất thức ăn hay phun bùn cho voi bị thương.

Nhưng phải đợi đến ngày thứ 14 thì voi rừng mới hoàn toàn bị thu phục. Y Mưh lấy dây chằng vào cổ voi rừng để Bun Khăm kéo đi. Đi mới được một quãng, có lẽ do chiếc chân cụt bị đau mà voi rừng bất ngờ giở chứng, lồng lên đâm ngà vào Bun Khăm. Y Mưh phải vội ra tay, cầm gậy đập mạnh voi rừng một cái, từ đó nó mới ngoan ngoãn theo Bun Khăm. Y Mưh kể: “Nhìn cảnh Bun Khăm nương cho voi con đi sao cho chân đỡ đau, giống hệt mẹ tập đi cho con, tôi thấy thương lắm. Khi biết voi con mệt, Bun Khăm cố ý đi chậm lại hoặc dừng lại. Đi chục cây số đường rừng như vậy mới về được đến vườn, vất vả vô cùng”.

Những con voi suốt đời… còn trinh

Trong vườn thú ở Vườn quốc gia VQG Yok Don, bốn con voi phục vụ khách du lịch được cưng chiều đặc biệt vì nhiều lẽ. Lẽ dễ thấy nhất là chúng khôn ngoan, “người” nhất và nhiều hy sinh mà chúng dành cho con người. Bốn tên riêng được đặt theo tiếng Lào cho chúng đủ nói lên điều đó: Bun Khăm - cô gái vàng, Bun Khum - cô gái may mắn, Thon Khăm - chàng trai vàng và Thon Ngân - chàng trai bạc. Bốn con voi được giao cho bốn người gồm Y Mưh “lớn”, Y Mưt “nhỏ”, Y Vi và Y Xiên chăm nom.

Y Xiên kể tháng 4 và tháng 5 là mùa voi đòi hỏi bạn tình. Đàn voi cũng được thả vào rừng tìm bạn tình nhưng bao bận, chúng trở về mà vẫn… còn nguyên. Bun Khum 60 tuổi chưa một lần mang thai, “đời riêng” chẳng may mắn như tên gọi mà trải qua câu chuyện đau lòng. Năm đó, Bun Khum cũng được thả vào rừng tìm bạn tình. Có một voi rừng yêu “nàng” và tấn công nhưng bị “nàng” từ chối quyết liệt. Vậy là “chàng” voi kia nổi điên trả đũa bằng trận đòn tơi tả. Y Xiên kể mọi người đón Bun Khum về mà ứa nước mắt. Đuôi nó bị cắn cụt, thân thể đầy vết ngà đâm rỉ máu. Cho đến bây giờ Bun Khum vẫn chịu thương tật với chiếc đuôi cụt lủn, kỳ quặc. Bun Khăm, năm nay 38 tuổi, vẫn chưa qua mối tình nào trong đời. Hai “chàng trai” Thon Khăm và Thon Ngân tháng 5 năm ngoái cũng được thả vào rừng tìm bạn tình mà vẫn chẳng thấy dắt về được “nàng” voi rừng nào.

Y Mưh lý giải một nguyên nhân rất thực tế của tình trạng những con voi vườn thú suốt đời độc thân này. Đó là chúng đã quá mệt với nhiệm vụ phục vụ con người, chẳng còn mấy hơi sức làm chuyện yêu đương. Thêm nữa, khi được thả vào rừng, hai chân chúng vẫn phải mang theo chiếc còng số 8, nhằm giảm tốc độ đi xa, đi nhanh và đi lạc mất. Trong khi đó, tập quán “yêu” của voi rất kín đáo, chúng chỉ giao phối ở nơi càng hoang vắng càng tốt.

Bốn con voi vườn thú hiền lành, tận tụy phục vụ du khách hằng ngày. Bốn con voi với bốn đôi mắt buồn vời vợi. Chẳng trách một nữ du khách đến vườn, ngắm đàn voi đi đã bật lên thảng thốt: “Sao bước đi của chúng vừa kín đáo vừa kiêu kỳ đến vậy. Đi kiểu này thì chỉ có những con voi… còn trinh”.

Sự hy sinh của voi, cái tình của voi dành cho người là vậy. Cho nên, với mọi người trong VQG, đặc biệt với bốn nhân viên được giao việc chăm voi thì chúng không chỉ là người thân mà còn là ân nhân của họ. Y Mưh nói: “Nhờ Bun Khăm mà tôi được làm cán bộ”. Hôm nào thấy voi mình có vẻ “non hơi”, họ sốt sắng đốn thêm chuối, thêm mía cho voi ăn, trưa dắt voi ra sông tắm nếu voi không bận chở khách, nhìn mặt biết voi “khó ở” trong người thì thả voi vào rừng sớm để chúng tự ăn lá thuốc chữa bệnh… Mỗi năm, vào cuối tháng 3, họ đưa voi về nhà riêng, rước thầy cúng, cúng và khấn cho voi mạnh khỏe.

Chuộc thú về chăm rồi thả vào rừng

Ngoài voi, còn có nhiều loại thú rừng quây quần trong vườn thú của VQG Yok Don như ngựa, nai, heo rừng, công, rùa, nhím… Đằng sau khung cảnh thanh bình và chan hòa của muông thú nơi đây lắm khi là một số phận thú rừng ngàn cân treo sợi tóc. Chẳng hạn, con công bị cụt chân đang nhảy lò cò thoăn thoắt kia, cách đây bốn tháng, bị dân vùng ngoài vào săn trộm. Một nhân viên của vườn đã bỏ tiền túi chuộc lại nó khi thấy nó nằm trong thúng của một người dân vừa mua nó định mang về nhà làm thịt. Hay như Y Danh Niê, ngày vắng khách làm nhân viên cây cảnh của khu vườn nhưng hễ vào rừng, gặp heo rừng hoặc khỉ con lạc mẹ, anh đều bồng chúng về vườn hoặc về nhà riêng đắp lá, mớm thuốc, cho ăn… Đến khi chúng khỏe mạnh thì anh mang cho người nào muốn nuôi hoặc đem thả vào rừng.

Ở VQG, bầy thú như đàn con chung của mọi người. Từ ông giám đốc vườn, anh nhân viên phòng kỹ thuật, chị bếp, cô tiếp tân, anh bảo vệ… đều tường tận lai lịch của từng con thú, đều biết cách chăm sóc chúng và cùng chia sẻ trách nhiệm này. Rất tự nhiên, họ cho ăn rồi cưng nựng gọi chúng là “em”, là “con”. Vài người trong số họ có thể leo cây như sóc nhưng tuyệt nhiên chưa ai biết cầm đến cây súng săn hay giết thịt một con thú rừng. “Mình coi chúng nó như người thì chúng nó quý mình thôi. Như em này nè, bệnh mà không than thở được, tội chưa!” - Thu Hoàng, hướng dẫn viên của vườn, vừa đút nước cơm pha đường cho con heo rừng bị bệnh, vừa nói nựng.

Ông giám đốc vườn thích ăn ở với dân

Ở VQG có ông giám đốc sống ngay tại phòng tập thể của vườn nhưng ít khi có mặt ở đây. Có vị khách một hôm chạy xe đạp rong ruổi vào buôn Giang Lành gần vườn. Bỗng ông chủ quán tạp hóa ven đường gọi giật ngược: “Cô ở đâu đến đây? Đi du lịch hay làm gì? Tại sao chạy xe của ông Tùng VQG?”. Thì ra, như sau đó ông chủ quán kể, ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc vườn, vốn ngày thường hay chạy xe đạp vào các buôn, ghé thăm nhà người này, người khác. Ngày lễ, tết, ông cũng đạp xe đến nhà dân chúc tết, ngồi ăn cơm, uống rượu cần đến tận đêm khuya với họ. Một người dân trong buôn cũng góp chuyện: “Ông Tùng không nói chuyện chính sách trên trời mà chỉ thích ăn ở gần gũi với dân thôi. Ông than thở sao dân mình còn nghèo quá, sao thương đám cây rừng, thú rừng quá. Mà tụi tôi thấm, thấy tội nghiệp ông. Chắc nhờ vậy mà gần đây ít có người vào rừng đốn cây, bẫy thú...”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Thu (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN