Kỳ lạ ngôi miếu thờ bộ phận sinh sản

Không chỉ thờ người phụ nữ khai sinh ra một lễ hội độc nhất vô nhị: “Linh tinh tình phộc”, miếu Đụ Đị còn thờ bộ phận sinh dục của nam và nữ.

Lễ hội “Linh tinh tình phộc” hay còn gọi là “Lễ hội Trò Trám” được tổ chức thường niên vào các ngày 11 và 12 tháng Giêng hằng năm. Tại lễ hội này, điểm hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của du khách thập phương nhất đó là Trò Trám và lễ Mật tại miếu Trò (còn gọi là miếu Đụ Đị) - xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Đây là lễ hội tôn vinh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp, hiện đang được người dân ở đây trân trọng gìn giữ. Các nhà văn hóa cũng đánh giá đây là “lễ hội đáng quý”, mang đậm tính dân tộc, may mắn được khôi phục lại từ năm 1993.

Tuy nhiên, nếu là “người ngoài làng” hoặc chưa hiểu rõ về tín ngưỡng dân gian phồn thực... thì sẽ thấy lễ hội có phần “dung tục”.

Khampha.vn xin gửi đến quý độc giả loạt bài về lễ hội hiếm có này.

Kỳ 2: Kỳ lạ ngôi miếu thờ bộ phận sinh sản

“Vật linh” - mô tả hình ảnh dương vật, âm vật

Thời khắc 0h đêm ngày 11 rạng 12 tháng Giêng, miếu Đụ Đị (xã Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ) như muốn sập bởi hàng trăm người xô đẩy, chen nhau cố để nhìn tận mắt “hai vật thiêng” đang thờ trong miếu, chỉ được mang ra khi làm “lễ mật”.

Theo các nhà văn hóa, tín ngưỡng phồn thực ở Việt Nam được thể hiện ở việc thờ cơ quan sinh dục của cả nam lẫn nữ và thờ hành vi giao phối. Trên thế giới, nhiều quốc gia có tín ngưỡng nhưng chỉ thờ sinh thực khí của nam.

Năm nay, người duy nhất được lấy vật này ra là cụ Chử Bá Thơ (85 tuổi). Cụ Thơ là người trông coi miếu, đồng thời là chủ lễ mật.

Cụ chủ lễ cẩn trọng lấy ra chiếc hòm sơn son từ “ngăn bí mật” được đặt phía trên bàn thờ trong miếu. Cụ mở chiếc hòm, lấy ra bộ gỗ sơn son mô tả giống như dương vật của nam và chiếc mảng hình âm vật của nữ làm “lễ mật”...

Cụ Thơ cho biết, ngôi Miếu Trò này là nơi duy nhất còn thờ sinh thực khí (hiểu nôm là công cụ nảy nở, sinh đẻ) trong tín ngưỡng phồn thực của cư dân Việt cổ. Ngôi miếu này thờ một nữ thần rất đặc biệt có tên là Ngô Thị Thanh – thời Hùng Vương. Bà là con của đức ông Ngô Quang Điện - người có công khai dân, lập ấp. Bà Thanh có công dạy dân làng biết cách trồng trọt, chăn nuôi, múa hát và tổ chức các lễ hội.

Sau khi bà Thanh mất, để tưởng nhớ công ơn, dân làng đã lập miếu thờ bà tại làng Trám. Tuy vậy, bởi những trò chơi rất “khác biệt” nên người dân gọi bà là “bà Đụ Đị”, cái tên mang ý nghĩa phồn thực. Miếu cũng được gọi tên là “Đụ Đị”.

Kỳ lạ ngôi miếu thờ bộ phận sinh sản - 1

Ngôi miếu Trò thờ "linh vật" hiếm hoi tại Phú Thọ

Bên trong ngôi miếu, phía trên bàn thờ bà Đụ Đị là hai "linh vật". Người dân nơi khác có thể gọi là dương vật gỗ – âm vật gỗ hay nõ (bộ phận sinh dục nam) và nường (bộ phận sinh dục nữ)... nhưng dân làng này gọi là “linh vật”. Bởi họ tin rằng, đó là hai vật sinh tồn, nếu đêm “lễ mật”, hai vật đâm trúng cả 3 lần thì năm đó, âm dương hòa hợp, mùa màng tươi tốt...

Người dân Tứ Xã làm hai “linh vật” bằng gỗ mít, gói trong dải khăn son, đặt trong hòm nhỏ sơn son rồi cất trong “ngăn bí mật” phía trên bàn thờ trong miếu. “Vật linh” luôn được gìn giữ tôn nghiêm, cẩn thận, “ngăn bí mật” và chiếc hòm luôn được khóa kín.

Duy nhất một lần trong năm, thời điểm “giờ thiêng” khi làm lễ mật, hai “vật linh” mới được đưa ra để thực hiện nghi thức lễ. Theo quan niệm của người dân, nếu được nhìn thấy tận mắt hai “vật linh” và cảnh giao hợp của hai vật này sẽ được may mắn cả năm.

Kỳ lạ ngôi miếu thờ bộ phận sinh sản - 2

Người dân quan niệm, ai nhìn tận mắt hai "vật linh" sẽ gặp may mắn

Sân khấu của Trò Trám

Trước khi lễ mật diễn ra, trước ngôi miếu Đụ Đị, đêm hội làng mở đầu bằng những trò diễn dân gian “Tứ dân chi nghiệp” với hoạt cảnh gắn liền với bốn nghề chính: sĩ, nông, công, thương. Đây chính là Trò Trám “độc nhất vô nhị” - hoạt cảnh đặc sắc, tôn vinh giống nòi và sinh thực khí.

Hoạt cảnh luôn vui nhộn bởi tiếng trống, tiếng hát và hàng trăm câu thơ mộc mạc trong sáng, khôi hài, táo bạo. “Diễn viên” của đoàn trò là người nông dân trong làng, họ mang y nguyên nét tự nhiên, mộc mạc tế nhị và dí dỏm lên sân khấu.

Sau hoạt cảnh, cũng tại ngôi miếu thiêng này, sẽ diễn ra “lễ mật”. Đúng 0h, ông chủ lễ lấy đôi “vật linh” trêm khám miếu đưa cho đôi trai gái được làng chọn sẵn. Đèn tắt, ông chủ lễ hô khẩu lệnh: “linh tinh tình phộc”. Sau khẩu lệnh, đôi nam nữ “phộc” dương vật - âm vật bằng gỗ vào nhau 3 lần. Nếu cả 3 lần đều trúng, năm đó cả làng may mắn, làm ăn phát đạt.

Cụ chủ lễ lại hô to “tháo khoán”, lúc này, các đôi trai gái được “tự do” mọi chuyện, thỏa sức làm “chuyện trai gái” nếu muốn.

Kỳ lạ ngôi miếu thờ bộ phận sinh sản - 3

Cụ Chử Bá Thơ - người trông coi miếu đồng thời là chủ lễ mật đang làm lễ chuẩn bị cho thời khắc thiêng liêng "âm dương giao hợp"

Theo cụ chủ lễ, ngày xưa, các đôi trai gái phải “tâm sự” tại khu rừng trám và xung quanh ngôi miếu Trám. Họ có thể “nghịch” hay “sàm sỡ”, giao hợp xung quanh khu “đất thiêng” này. Đồng thời, đó cũng là cách để làng “kiểm soát” các đôi trai gái có đúng thụ thai khi tham dự đêm “tháo khoán” không. Nếu 9 tháng 10 ngày sau sinh con, đứa con ấy được coi là “trời ban”, cả làng sẽ cùng nhau nuôi dưỡng.

Ngày nay, tục “tháo khoán” không còn, sau khi lễ mật, các đôi trai gái không đi tìm “nơi tâm sự”. Họ trải chiếu trước miếu, cùng nhau thụ lộc, tâm tình. Gần 1 giờ sáng, tiếng hát, tiếng cười vẫn rộn ràng trước ngôi miếu thiêng...

____________________

Đón đọc kỳ 3: "Lễ hội phồn thực: Sao phải ngại 'chuyện trai gái'? vào 19h00 ngày 15/2

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN