"Chuyện trai gái" tại lễ hội táo bạo nhất VN

Mỗi câu hát, trò chơi đều quy vào bộ phận sinh sản nam nữ và chuyện giao hợp trai gái. Hiếm có lễ hội nào ở Việt Nam lại táo bạo đến thế!

Lễ hội “Linh tinh tình phộc” hay còn gọi là “Lễ hội Trò Trám” được tổ chức thường niên vào các ngày 11 và 12 tháng Giêng hằng năm. Tại lễ hội này, điểm hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của du khách thập phương nhất đó là Trò Trám và lễ Mật tại miếu Trò (còn gọi là miếu Đụ Đị) - xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Đây là lễ hội tôn vinh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp, hiện đang được người dân ở đây trân trọng gìn giữ. Các nhà văn hóa cũng đánh giá đây là “lễ hội đáng quý”, mang đậm tính dân tộc, may mắn được khôi phục lại từ năm 1993.

Tuy nhiên, nếu là “người ngoài làng” hoặc chưa hiểu rõ về tín ngưỡng dân gian phồn thực... thì sẽ thấy lễ hội có phần “dung tục”.

Khampha.vn xin gửi đến quý độc giả loạt bài về lễ hội hiếm có này.

Kỳ 1: "Chuyện trai gái" tại lễ hội táo bạo nhất VN

Tất cả quy về “hòa hợp âm dương”

Gần nửa đêm, sân miếu Đụ Đị chật kín người, tiếng hò reo rộn rã. Người chơi Trò Trám hát: “Gặp đây em mới hỏi chàng/Cái gì lủng lẳng một gang trong quần”. Lời hát càng “tục”, tiếng cười càng sảng khoái, vỗ tay càng to...

Ông Chủ tịch xã Tứ Xá (Lâm Thao, Phú Thọ) cười gượng, sắc mặt chuyển đỏ, nói với cánh phóng viên: “Đúng 12 đêm là giờ thiêng làm lễ linh tình tình... phộc. Nhưng bây giờ mới là màn độc nhất vô nhị của lễ hội Trò Trám”.

"Chuyện trai gái" tại lễ hội táo bạo nhất VN - 1

Gần nửa đêm, sân miếu Đụ Đị chật kín người, người xem Trò Trám hò reo rộn rã

Gần 22h đêm, sau phần văn nghệ quần chúng, chúng tôi nói với ông Chủ tịch xã Tứ Xã: “Lễ hội xã mình lạ quá, chỉ diễn ra vào ban đêm”.

Dưới sân miếu Đụ Đị, người đàn ông trong “bộ đồ truyền thống” xanh lòe loẹt, đưa miệng vào loa giấy to như bắp chân, dài cả mét nói: “Loa... loa... loa, xin mời hai hàng sứ giãn ra, để cho phường Trám chúng tôi trình trò, loa... loa... loa”.

Lời ca, tiếng hát, tiếng trống vang lên cùng với nhạc đệm là cối xay, dây đàn bằng chạc, miệng hát "phinh phình phịch, phính phình phinh...”.

Vai nam diễn cảnh người đánh đàn giằng cối xay bước ra, cây đàn còn to hơn cả người, lên dây đàn "két, két, két", rồi thử đàn "phưng, phừng, phưng, phứng, phừng, phưng" hát: “Không đâu vui bằng làng ta/Đàn ông đi tát, đàn bà đi hôi”.

“Diễn viên” của đoàn trò là người nông dân trong làng, họ mang y nguyên nét tự nhiên, mộc mạc lên sân khấu vui nhộn. Và đêm hội làng mở đầu bằng những trò diễn dân gian “Tứ dân chi nghiệp” với hoạt cảnh gắn liền với bốn nghề chính: sĩ, nông, công, thương.

Tiếp tục, vai nam đóng giả nữ chạy lại nắm tay anh đánh đàn hỏi: “Gặp đây em mới hỏi chàng/Cái gì lủng lẳng một gang trong quần”. Chàng trai đáp: “Em hỏi thì anh thưa rằng/Cái đeo lủng lẳng là giằng cối xay.

Khán giả đứng vòng quanh vỗ tay và hát theo. Cô gái trẻ là cán bộ văn hóa xã có khuôn mặt trái xoan nhỏ nhắn, trắng trẻo nói với chúng tôi: “Nếu để ý sẽ thấy, người trong làng từ già trẻ gái trai đều giống như “người lên đồng”, cứ thế vỗ tay theo tiếng trống và hát theo diễn viên một cách say mê, sảng khoái. Nếu ai còn chút gượng gạo bởi câu từ 'táo bạo', đó là người ngoài làng”.

Các trò thợ cày, thợ cấy, thợ mộc, câu cá, đánh lờ, thầy đồ dạy học... trò nào cũng sắc sảo, đùa cợt sâu cay, ngôn từ đầy ẩn ý... tất cả đều quy vào “âm dương hòa hợp”.

Chẳng ai có thể ngờ, sau màn “đánh đàn giằng cối xay” đến lượt ông thầy đồ dạy học bước ra, đám học trò theo sau cứ chực bổ cái nghiên mực xuống đầu thầy. Thỉnh thoảng thầy lại quay lại, đưa roi lên dọa học trò.

Vào chỗ ngồi ngay ngắn, thầy dạy, học sinh đọc theo: “Chữ trên là trên chữ dưới/Chữ dưới nằm dưới chữ trên/Chữ giữa là giữa xung quanh/Xung quanh là vành chữ giữa”. Rồi thầy nói: “Các con học thuộc chữ nào thì trả lại cho thầy chữ ấy để thầy còn đi dạy người khác”. Thế là chữ thầy trả lại cho thầy.

Tiếng reo hò chưa hết, một ông lão râu tóc trắng như cước hai bên hai quang gánh, ngất nghểu vừa đi vừa hát: “Ai ơi chớ bảo tôi già/ Tôi còn gánh nổi cả ba cái lờ”. Khán giả hỏi vui: “Cụ ơi, già thế mà vẫn đi đánh lờ à?” Cụ nói đầy ẩn ý: “Muốn ăn cá diếc thì phải đi đánh lờ chứ”.

Cụ lại đi, thỉnh thoảng vờ ngã vào khán giả, cụ hát: “Công tôi đắp đập be bờ/Không cho người khác đem lờ đến đơm/Ai ơi chớ bảo tôi già/Tôi còn tráng kiện bằng ba đương thì”.

Thấy tôi cười khoái chí, cô gái trẻ cán bộ xã đứng cạnh tôi nói: “Chỉ có chất giọng đặc biệt của người làng Tứ Xã mới diễn được hoạt cảnh này hay và tự nhiên”. Quả đúng như cô gái trẻ nói, cái giọng người Tứ Xã rất nặng, nhầm dấu hỏi ngã, nếu đã nhấn nhá vào chữ nào là... đỏ mặt chữ ấy.

"Chuyện trai gái" tại lễ hội táo bạo nhất VN - 2

Ông lão râu tóc trắng như cước hát: “Ai ơi chớ bảo tôi già/Tôi còn gánh nổi cả ba cái lờ”

Sau màn diễn “cụ đánh lờ”, đến lượt anh chàng câu cá, cầm cần câu to, dài mắt cứ đong đưa, chĩa cần câu về phía khán giả, miệng đọc vè: “Người ta câu diếc câu rô/Tôi nay câu lấy một cô không chồng/Người ta câu bể câu sông/Tôi nay câu lấy con ông cháu bà”...

Đúng như cô gái trẻ nói, nếu ai không tìm hiểu về “tín ngưỡng phồn thực” sẽ thấy lời ca tiếng hát dung tục, có khi là bậy bạ. Trước khi chúng tôi đến với lễ hội, GS Trần Ngọc Thêm (tác giả cuốn sách Cơ sở Văn hóa Việt Nam) nói rằng, tín ngưỡng phồn thực hiển nhiên là nó phải liên quan đến chuyện "rất con người", tức là chuyện tình dục, chuyện sinh đẻ. Phần phồn thực chính là “giá trị nhất, đặc trưng nhất” của lễ hội này.

Dưới sân miếu, các cô gái làng trong Trò Trám đang hát ví: “Người ta đi cấy lấy công/Tôi nay đi cấy lấy ông chủ nhà/Khi cấy nhớ chổng gốc lên/Ngọn thời cắm xuống mới nên mùa màng”.

“Xem giao hợp, may mắn cả năm”

Gần hai tiếng đồng hồ, hàng nghìn người tại miếu Đụ Đị mệt lả vì những trận cười Trò Trám. Thời khắc 0h đến, miếu Đụ Đị như muốn sập bởi hàng nghìn người xô đẩy, chen nhau cố để nhìn tận mắt “hai vật thiêng” đang cất trong miếu, chỉ mang ra khi làm “lễ mật”.

Cô cán bộ xã đứng cạnh nói với tôi: “Người dân quan niệm, nếu được nhìn thấy tận mắt cảnh giao hợp trong lễ mật sẽ được may mắn”. Cô cán bộ nửa đùa nửa thật nói thêm, sau lễ mật, cụ chủ lễ hô “tháo khoán” là lúc các đôi trai gái được tự do “tâm tình” vượt trên mọi khuôn phép.

Thời khắc đặc biệt đã đến, cụ chủ lễ đã 85 tuổi, râu tóc bạc phơ cẩn trọng lấy chiếc hòm sơn son từ trên “ngăn bí mật” phía trên bàn thờ trong miếu. Không gian yên ắng hơn, nghe rõ cả tiếng thở mạnh của những người hồi hộp đứng xem.

Cụ mở chiếc hòm, lấy ra bộ gỗ sơn son mô tả giống như dương vật và chiếc mảng hình âm vật. Hai vật được làm “giống y như thật” đến mức “người ngoài làng” trông thấy có chút đỏ mặt, một số người trong miếu tủm tỉm cười.

"Chuyện trai gái" tại lễ hội táo bạo nhất VN - 3

Cụ chủ lễ mở hộp, lấy ra hai vật linh là bộ gỗ sơn son mô tả giống như dương vật và chiếc mảng hình âm vật 

Đúng 0h đèn tắt, ông chủ lễ hô khẩu lệnh: “linh tinh tình phộc”. Sau khẩu lệnh, đôi nam nữ “phộc” dương vật - âm vật bằng gỗ vào nhau 3 lần.

Trong bóng tối, dân làng nín thở chờ đợi bởi họ tin rằng nếu đôi trai gái đâm trúng cả 3 lần thì năm đó, âm dương hòa hợp, mùa màng tươi tốt... Sau đủ 3 tiếng “cạch”, đèn lại sáng, “lễ mật – tinh tinh tình phộc” đã thành công .

Sau lễ mật, cụ chủ lễ lại hô to “tháo khoán”, lúc này, các đôi trai gái được “tự do” mọi chuyện, thỏa sức làm “chuyện trai gái” nếu muốn. Nếu 9 tháng 10 ngày sau sinh con, đứa con ấy được coi là “trời ban”, cả làng sẽ cùng nhau nuôi dưỡng.

"Chuyện trai gái" tại lễ hội táo bạo nhất VN - 4

Phần quan trọng nhất lễ hội: Màn mô phỏng chuyện giao hợp cầu cho mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt

Tuy vậy, theo các cụ trong làng, trước kia, nơi đây là rừng trám nên các đôi trai gái có chỗ kín đáo trong rừng tâm sự. Nếu ai yêu nhau nhưng bị lễ giáo phong kiến không cho thành vợ thành chồng, đây là lúc để vượt qua mọi ngăn cản, có nhau một đêm xuân tình yêu mặn nồng.

Nhưng thời nay, rừng không còn nữa, trai gái không còn chỗ kín đáo. Phần nữa, có thể do ngày nay tình yêu được tự do, cởi mở hơn nên nhu cầu “tâm sự” tại chỗ cũng phần nào hạn chế.

____________________

Đón đọc kỳ 2: "Kỳ lạ ngôi miếu thờ bộ phận sinh sản" vào 19h00 ngày 14/2

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN