Khởi động hệ thống xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng
Sáng ngày 19/4, Bộ Quốc phòng Việt Nam, Quân chủng Phòng không – Không quân phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ khởi động hệ thống xử lý nhiệt cho dự án Xử lý môi trường ô nhiễm Dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
Dự án sẽ chính thức vận hành công nghệ khử hấp thu nhiệt để xử lý 45.000 m3 đất và bùn nhiễm dioxin đã được đưa vào trong mố. Khoảng 95% dioxin sẽ bị phân hủy trong mố. Bất kỳ dioxin nào còn sót lại sẽ được thu gom dưới dạng hơi, dạng lỏng và được xử lý trong hệ thống, xử lý thứ cấp được xây dựng ngay bên cạnh. Hệ thống xử lý này sẽ được giám sát để đảm bảo dioxin không bị phát tán ra không khí hoặc nguồn nước xung quanh.
Ngài David B, Shear, Đại sử quán Hoa Kỳ cho biết, dự án được chính thức khởi công tháng 8/2012 sau khi được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt. Mục tiêu của dự án là xử lý toàn bộ đất và bùn nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng (khoảng 73.000 m3) bằng công nghệ khử hấp thu nhiệt để loại bỏ nguy cơ phơi nhiễm dioxin cho cộng đồng dân cư và môi trường khu vực sân bay Đà Nẵng. Dự án được mở đầu bằng các hoạt động rà phá bom mìn của Quân chủng phòng không – không quân (Bộ Quốc phòng) vào ngày 17/6/2011 và chính thức khởi công và ngày 9/8/2012.
Mô hình hệ thống xử lý dioxin
Đến nay dự án đã thực hiện xong nhiều hạng mục quan trọng. Cụ thể, dự án đã cơ bản hoàn thành việc rà phá bom mìn, xây dựng xong trạm biến áp 12.800 kVA cung cấp điện cho hệ thống khử hấp thu nhiệt và tiến hành các hoạt động quan trắc, giám sát thi công tại sân bay đúng kế hoạch.
Các nhà thầu của USAID đã xây dựng xong mố khử hấp thu nhiệt và cơ bản hoàn thành khối lượng đào xúc đất, bùn nhiễm dioxin giai đoạn 1 (khoảng 45.000 m3) và đưa vào trong mố khử hấp thu nhiệt, đang lắp đặt các thiết bị cuối cùng của hệ thống xử lý hơi, nước thải; đầu tháng 4 sẽ hoàn thành toàn bộ công tác chuẩn bị cho đóng điện vận hành cho mố khử hấp thu nhiệt. Công tác đào xúc giai đoạn 2 của dự án cũng sẽ được bắt đầu trong năm 2014 và hoạt động xử lý được thực hiện tiếp theo vào cuối năm 2015 đầu năm 2016.
Phát biểu tại buổi lễ, Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Patrick Leahy cho biết: Cách đây 7 năm, Quốc hội Hoa Kỳ đã cung cấp khoản tài chính cho dự án này và đến nay chi phí của dự án đã lên đến 84 triệu USD. Mục tiêu của dự án là loại bỏ mối đe dọa từ Dioxin cho người dân sinh sống xung quanh sân bay Đà Nẵng. Thứ hai, dự án là minh chứng để chứng tõ Hoa Kỳ rất quan tâm đến việc khắc phục hậu quả sau chiến tranh.
Cận cảnh hệ thống xử lý dioxin
Cũng theo Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, hai nước Việt Nam Nam và Hoa Kỳ tháo gỡ các rào cản để cùng nhau hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác… Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam bày tỏ cảm ơn sâu sắc đến các Thượng nghị sĩ, đại sứ quán Hoa Kỳ đã quan tâm hỗ trợ và cùng với các cơ quan của Việt Nam để xử lý hậu quả sau chiến tranh, nhất là vấn đề xử lý chất độc Dioxin. Thượng tướng mong muốn, trong thời gian đến các Thượng nghị sĩ, đại sứ quan Hoa Kỳ sẽ có tiếng nói nhiều hơn nữa trong Quốc hội Hoa Kỳ để giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao hơn nữa quan hệ giữa hai nước.
Được biết, Đà Nẵng là một trong ba điểm nóng dioxin ở Việt Nam, hai điểm nóng còn lại là Biên Hòa và Phù Cát.