Khẩn cấp mở cửa xả đáy thoát lũ 2 hồ thủy điện lớn nhất Việt Nam

Sự kiện: Tin nóng

Hai hồ thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình được lệnh mở cửa xả đáy do lượng nước lũ thượng nguồn đổ về lớn hơn cao trình tích nước của hồ.

Sáng nay (11/6), Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã ban hành Công điện số 04 gửi Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La; Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình về việc mở cửa xả đáy tại hồ Sơn La và hồ Hòa Bình.

Cảnh xả lũ tại hồ thủy điện Hòa Bình (Ảnh minh họa: Việt Linh)

Cảnh xả lũ tại hồ thủy điện Hòa Bình (Ảnh minh họa: Việt Linh)

Theo đó, vào lúc 7 giờ ngày 11/6/2022, mực nước thượng lưu hồ Sơn La ở cao trình 205,52m, lưu lượng về hồ 3.072 m3/s, lưu lượng xả 2.758m3/s (phát điện); mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình ở cao trình 108.87m, lưu lượng về hồ 3.360 m3/s, lưu lượng xả 2.300m3/s (phát điện).

Như vậy, hiện nay, mực nước hồ Sơn La đang cao hơn mực nước cao nhất trước lũ là 5,52m (mực an toàn là 200m); mực nước hồ Hòa Bình đang cao hơn mực nước cao nhất trước lũ là 3,87m (mực an toàn là 105m).

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, từ ngày 11/6 đến sáng 12/6, vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-90mm, có nơi trên 120mm. Do đó, lượng nước đổ về 2 thủy điện này còn tiếp tục gia tăng.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La và Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy thứ nhất hồ Sơn La vào hồi 14 giờ ngày 11/6; mở cửa xả đáy thứ nhất hồ Hòa Bình vào hồi 7 giờ ngày 12/6 và mở tiếp cửa xả đáy thứ hai hồ Hòa Bình vào hồi 13 giờ ngày 12/6/2022.

Công ty Thủy điện Sơn La và Công ty Thủy điện Hòa Bình thông báo cho chính quyền địa phương; các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải đường thủy... khu vực hạ du thủy điện Sơn La và Hòa Bình biết để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn về người và tài sản; đồng thời tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và các cơ quan liên quan theo quy định.

Nhà máy thủy điện Sơn La được khởi công xây dựng và tháng 12/2005 và đưa vào hoạt động vào tháng 12/2012. Nhà máy có vị trí nằm trên sông Đà thuộc địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Không chỉ lớn nhất Việt Nam, công trình thủy điện Sơn La cũng trở thành đập thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với cao độ đỉnh đập 228,1m; dài 961,6m; chiều rộng đáy đập 105m; chiều rộng đỉnh10 m. Dung tích hồ chứa thủy điện 9,26 tỷ m3, với tổng công suất lắp ráp 2.400 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm hơn 10 tỷ kW.

Trước khi nhà máy thủy điện Sơn La xây dựng và khánh thành thì Nhà máy thủy điện Hòa Bình là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Nhà máy thủy điện Hòa Bình khởi công từ năm 1979 và hoàn thành vào năm 1994, do Liên Xô cũ giúp đỡ xây dựng và vận hành. Công suất sản sinh điện năng của nhà máy là 1.920 MW, gồm 8 tổ máy, mỗi tổ có công suất 240 MW. Sản lượng điện hàng năm là 8,16 tỷ KWh.

Nguồn: [Link nguồn]

Động đất liên tiếp ở Kon Tum do xây thủy điện tràn lan?

Các chuyên gia nhận định, nhiều khả năng các trận động đất liên tiếp xảy ra tại huyện Kon Plông (Kon Tum) là động đất kích thích, xảy ra khi hồ chứa thủy điện, thủy lợi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN